Đề cao các giá trị cá nhân
Khác với mô hình truyền thống, ngày nay thanh niên kết hôn muộn hơn nhiều. Họ tự tìm hiểu và quyết định hôn nhân của mình. Họ cũng có ít con hơn, thường chỉ 1 đến 2 người con. Các gia đình trẻ thường chỉ sống cùng cha mẹ chồng một thời gian ngắn sau đám cưới rồi ra ở riêng trong các hộ gia đình chỉ gồm hai vợ chồng và con cái họ (gia đình hạt nhân).
"Nếu nói về sự gắn kết gia đình thì việc sống trong gia đình nhiều thế hệ hay không chưa phải là điều quan trọng nhất, mà là kỹ năng của mỗi người trong việc giao tiếp, chia sẻ, đối thoại, lắng nghe và thấu hiểu" |
Trong gia đình, tuy chồng vẫn thường là người có nhiều quyền hơn, song quan hệ giữa vợ và chồng bình đẳng hơn nhiều. Người vợ ngày càng có vai trò quan trọng trong việc tạo thu nhập, tham gia các hoạt động kinh tế và xã hội ngoài gia đình.
Con trai và con gái cũng được chăm sóc với ít phân biệt đối xử về giới hơn. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng bình đẳng hơn.
Trong nhiều gia đình, con cái thậm chí còn được ưu tiên hơn cha mẹ trong việc sử dụng các nguồn lực quý hiếm của gia đình và trong việc ra các quyết định của gia đình.
Các chuyên gia đề cao kỹ năng đối thoại cởi mở thường xuyên giữa vợ chồng - Ảnh: Ngọc Thắng |
Nhìn chung, gia đình đang biến đổi theo hướng đề cao các giá trị cá nhân hơn và các giá trị tập thể của gia đình được xây dựng dựa trên sự đồng thuận hơn là khuôn mẫu áp đặt của người gia trưởng.
Như ông nói, đa số cặp vợ chồng trẻ hiện nay đều đi theo xu hướng mô hình gia đình đơn chứ không phải gia đình truyền thống (tam, tứ đại đồng đường), và có ý kiến cho rằng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình hiện đại ngày càng lỏng lẻo. Vậy theo ông, việc chung sống nhiều thế hệ dưới một mái nhà có phải là cách tốt nhất để thắt chặt mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình?
Tôi không nghĩ như vậy. Người ta có thể sống cùng nhau, ngày nào cũng giáp mặt nhau từ sáng đến tối nhưng chưa chắc mối quan hệ giữa họ đã có thể coi là chặt chẽ nếu mỗi người nghĩ một kiểu, làm một kiểu và không trao đổi với nhau. Mặt khác, người ta có thể không sống cùng nhau dưới một mái nhà nhưng điều này cũng không có nghĩa là mối quan hệ giữa họ là lỏng lẻo.
Nếu ta nghĩ đến hình thức thu xếp cuộc sống gia đình sao cho phát huy hết năng lực của mỗi người thì mỗi thế hệ trong gia đình cần có không gian riêng. Tuy nhiên, gia đình còn là tổ ấm mà mỗi thành viên có trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ thành viên khác.
Trẻ em và người cao tuổi cần được chăm sóc tốt cả về sức khỏe và tinh thần, phụ nữ và các bé gái cần được đối xử bình đẳng và có điều kiện đáp ứng những nhu cầu đặc thù của phụ nữ. Trong bối cảnh đó, việc sống gần nhau sẽ tạo điều kiện hỗ trợ nhau thuận lợi hơn, thúc đẩy và duy trì sự gắn kết gia đình nhiều hơn.
Gia đình hạt nhân là xu hướng tất yếu Ông Hoa Hữu Vân, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL) chia sẻ: “Một nghiên cứu về gia đình cho thấy, ở VN xu hướng hình thành gia đình lớn kiểu tứ đại đồng đường không lớn như ở Trung Quốc. Tại Trung Quốc, thậm chí một gia đình có thể thành ngũ đại đồng đường, thành các gia trang. Còn ở VN thì không thế do ruộng đất không lớn. Hơn thế nữa, tỷ lệ gia đình hạt nhân ngày càng tăng khi ruộng đất ít đi. Các cá nhân cũng có xu hướng tách khỏi gia đình để phù hợp thị trường lao động. Vì thế, gia đình hạt nhân là xu hướng tất yếu trong xã hội công nghiệp. Tuy nhiên, kèm theo đó là thách thức về ly hôn, tội phạm trẻ em cũng như dịch vụ cho người già". |
Tôi cho rằng mô hình lý tưởng là mọi người phải có không gian riêng, nhưng sống cùng nhau trong một căn nhà có nhiều buồng cho mỗi thế hệ, hoặc sống gần nhau, không nhất thiết theo kiểu tam, tứ đại đồng đường trong một mái nhà chung mà không có không gian riêng.
Nếu nói về sự gắn kết gia đình thì việc sống trong gia đình nhiều thế hệ hay không chưa phải là điều quan trọng nhất, mà là kỹ năng của mỗi người trong việc giao tiếp, chia sẻ, đối thoại, lắng nghe và thấu hiểu.
Các cặp vợ chồng cần phải xây dựng kỹ năng này ngay từ ngày đầu họ mới gặp nhau, giúp nhau duy trì và nuôi dưỡng thói quen trao đổi, chia sẻ, đối thoại cởi mở, tin tưởng nhau trong suốt cuộc đời và truyền lại cho con cháu. Đó mới là điều quan trọng.
Tôn trọng cách làm mẹ đơn thân
Tỷ lệ ngoại tình, ly hôn tăng ngày càng nhiều hơn phụ nữ chọn cách làm mẹ đơn thân, nhiều cặp vợ chồng chỉ muốn sinh một con và nhờ đến khoa học để lựa chọn giới tính khi sinh con… Theo ông, đó có phải là những vấn đề đáng lo ngại hay không?
Ngoại tình và lựa chọn giới tính khi sinh con đúng là điều rất đáng lo ngại vì nó đi ngược lại tiêu chuẩn đạo đức của loài người văn minh nói chung và của nước ta nói riêng. Đây là những hành động rất đáng lên án và cần nhiều nỗ lực để giảm thiểu tệ nạn này.
Xã hội ngày càng phát triển theo hướng dân chủ hơn, các cá nhân cả nam và nữ ngày càng có hiểu biết hơn, năng động hơn, di chuyển nhiều hơn, có quan hệ xã hội rộng hơn và cũng có nhiều sức ép về thời gian, về công việc, sức ép của gia đình, của cộng đồng.
Phụ nữ và nam giới ngày càng ý thức rõ hơn quyền của họ trong gia đình. Họ có quyền lựa chọn ly hôn khi cuộc hôn nhân không còn ý nghĩa đối với họ và tôi cho rằng quyền đó của họ cần được xã hội tôn trọng. Trong bối cảnh đó, tỷ lệ ly hôn gia tăng là khó tránh khỏi.
Tôi không nghĩ đây là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, việc xây dựng kỹ năng sống cho thanh niên để họ giảm thiểu được những cuộc hôn nhân sai lầm, cũng như tư vấn trong hôn nhân cho các cặp vợ chồng đang “có vấn đề” để tránh quyết định ly hôn sai lầm là điều rất cần thiết. Các chuyên gia công tác xã hội có thể có hỗ trợ hiệu quả đối với vấn đề này.
Trong cuộc sống hiện đại, vì nhiều lý do khác nhau một số phụ nữ chọn cách làm mẹ đơn thân để mưu cầu hạnh phúc. Điều này tôi cũng nghĩ ta nên tôn trọng. Tuy nhiên, những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình như vậy thường gặp nhiều khó khăn do thiếu người cha. Nhà nước và cộng đồng cần có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em trong các gia đình đó để đảm bảo cho các em phát triển lành mạnh.
Theo ông, trong giai đoạn giao thời khi tư tưởng truyền thống và hiện đại đan xen nhau về mô hình gia đình, cần làm thế nào để tránh những xung đột, rạn nứt hoặc đổ vỡ?
Đây là câu hỏi khó và không có lời giải đúng cho mọi tình huống. Tôi đề cao kỹ năng đối thoại cởi mở thường xuyên, làm sao để đối thoại giữa vợ và chồng trở thành thói quen hằng ngày. Tôi đề cao kỹ năng lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu.
Đối với nhà nước, hệ thống giáo dục, các tổ chức quần chúng, cộng đồng, và các gia đình, tôi đề cao việc giáo dục các kỹ năng này cho trẻ em ngay từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành và tư vấn cho các cặp vợ chồng khi họ cần giúp đỡ.
Theo Thanhnien