Trước sự có mặt của 4 vị thứ trưởng, một phó thống đốc và một Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ít nhất 2 quan chức QH đã đề nghị các cơ quan thừa hành “phải có báo cáo”, phải “cung cấp thông tin”.
Tại hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đến chức năng giám sát của QH. Ông đề nghị các ĐBQH phải giám sát xem các nghị quyết của QH, đặc biệt 7 NQ vừa ban hành trong kỳ họp thứ 4 đã “đi đến đâu”, “đã vào đâu”, “đã được triển khai thế nào”, thậm chí “có được thực hiện không”.
Tuy nhiên, vấn đề mà các vị ĐBQH quan tâm nhất là vấn đề hiệu quả giám sát. Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị các cơ quan thực hiện nghị quyết thuộc Chính phủ “phải có báo cáo” đầy đủ. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ya Duck thậm chí đề nghị “Kiên quyết không đưa vào chương trình kỳ họp với những báo cáo, dự án luật không gửi trước cho cơ quan giám sát”.
Bộ Tài chính, 1 trong 6 bộ, ngành phải điều trần về phòng chống tham nhũng. |
Phó đoàn ĐBQH TPHCM Trần Du Lịch cho rằng “cần làm rõ việc cưỡng chế thi hành đối với chính quyền các cấp”. Theo ông Lịch, đang có một thực tế rằng: “Luật thì cưỡng chế” nhưng nghị quyết thì không rõ ở mức độ nào. “Giám sát phải đặt vấn đề NQ QH có phù hợp với cuộc sống không? Để bổ sung cho phù hợp”, và quá trình giám sát cũng phải đặt ra vấn đề giải quyết “khoảng cách” giữa NQ và việc thực thi ở các địa phương.
Cho rằng hiệu quả của giám sát QH chỉ có thể có khi đáp ứng được vấn đề cơ bản là “được cung cấp thông tin”, ông Quyền nêu thực tế: Khi Ủy ban Tư pháp đề nghị cung cấp thông tin, các cơ quan tư pháp như công an, tòa án, VKS “cơ bản là đáp ứng”.
Tuy nhiên đối với các bộ, ngành, việc cung cấp thông tin - theo ông Quyền - là “rất chậm và thiếu”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, tháng 5.2013, Ủy ban Tư pháp sẽ tiến hành phiên điều trần về phòng, chống tham nhũng.
Trước sự tham dự của 4 thứ trưởng các bộ Y tế, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, ông Quyền “Đề nghị các cơ quan cần đáp ứng, phối hợp để phúc đáp, nhất là những liên quan đến kết luận thanh tra, kiểm toán”.
“Muốn tăng cường giám sát hiệu quả, cần làm rõ trách nhiệm, và là trách nhiệm có địa chỉ” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh đến trách nhiệm cụ thể của “bộ ngành nào, địa phương nào, cá nhân nào”.
Theo ông Quyền: “Chúng ta không thể nói trách nhiệm chung chung, bởi đó chỉ như “đấm vào không khí”. Nếu nói tăng cường giám sát mà không có quyết tâm, không có phương pháp, không có bản lĩnh, và rồi không có cụ thể thì cũng không giải quyết được gì”.
Theo Laodong