Đề nghị sửa chống tham nhũng trong Hiến pháp

Thứ năm, 24/01/2013, 09:45
Hiến pháp sửa đổi có ghi: “Cán bộ công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch” phải được sửa là “không được tham nhũng, không được quan liêu cửa quyền”.

Đó là ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại buổi tọa đàm lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992, do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức chiều 22/1.

Bên cạnh các góp ý về mặt câu chữ, giới chuyên gia cho rằng Hiến pháp phải toát lên tinh thần mang lại hạnh phúc cho cuộc sống nhân dân của hôm nay và cả con cháu mai sau. Có như thế đời sống của Hiến pháp mới được bền vững, dài lâu.

Theo GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng, Hiến pháp phải khẳng định nhà nước là phải phục vụ dân. Muốn làm được điều này phải công khai và minh bạch, tuy nhiên điều này chưa được thể hiện trong Hiến pháp sửa đổi.

GS Tăng cũng nhấn mạnh, không nhất thiết phải ghi riêng một điều về Đảng cộng sản Việt Nam (điều 4) để nói lên sự gắn bó với nhân dân và quy định hoạt động của Đảng và đảng viên phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tất cả quan điểm này đã được ghi trong điều lệ và nhiều văn bản khác của Đảng, Nhà nước. “Nếu Ban soạn thảo quyết tâm để điều này cần thực hiện trưng cầu dân ý”, GS Tăng nói.

Với mong muốn một bản Hiến pháp có thể tồn tại hàng trăm năm nên phải được sự thừa nhận của toàn xã hội, các nhà khoa học cho rằng Hiến pháp sửa đổi phải mạnh dạn thay đổi căn bản.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, cần phải lấy tiêu chí tính bền vững và ổn định của Hiến pháp làm căn bản.

“Chúng ta có 3 bản Hiến pháp đã được thông qua và ban hành. Trong 3 Hiến pháp này, thấy rằng đời sống rất ngắn (trung bình 20 năm) riêng Hiến pháp năm 1980 chỉ được 12 năm. Tôi tự đặt câu hỏi tại sao Hiến pháp Mỹ tồn tại được 200 năm. Tại sao nó vẫn thích ứng với tình hình phát triển của thực tiễn dù thời thế thay đổi ghê gớm”, ông Quốc nói.

Đề nghị sửa chống tham nhũng trong Hiến pháp
Cần phải lấy tiêu chí tính bền vững và ổn định của Hiến pháp làm căn bản - Ông Dương Trung Quốc

Theo ông Quốc, một Hiến pháp muốn bền vững phải dựa vào biến cố bước ngoặt lịch sử và đưa ra định hướng lâu dài. Ví như Hiến pháp năm 1945 vẫn được xem là mẫu mực nhất vì gắn với cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945.

Ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch Kiêm tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam góp ý sửa đổi nhiều điểm trong các điều như điều 2 nói về pháp quyền XHCN, của dân do dân, vì dân. Ở đây cần nói rõ tính giai cấp, tính nhân dân (thông qua dân chủ, các biện pháp khác), tính dân tộc (của người Việt Nam trong và ngoài nước).

Đặc biệt, ông Tâm cho rằng, tại điều 8 của Hiến pháp sửa đổi nói về tổ chức Nhà nước và nền hành chính công vụ, trong đó có ghi : “Cán bộ công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch” phải được sửa là “không được tham nhũng, không được quan liêu cửa quyền”.

Ông Tâm cho rằng, nếu chỉ ghi “chống tham nhũng, quan liêu…” thì dường như không nói cụ thể vào ai. “Quan điểm này phải cụ thể, nói rõ đã là cán bộ, công chức thì không được tham nhũng”, ông Tâm nói.

Đề nghị sửa chống tham nhũng trong Hiến pháp
Ông Tâm cho rằng chỉ ghi “chống tham nhũng, quan liêu…” thì dường như không nói cụ thể vào ai.

Ý kiến này được đông đảo chuyên gia đồng tình bởi câu chuyện tham nhũng trong bộ máy công quyền của Nhà nước vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

TS Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, thống nhất ý kiến của các chuyên gia sẽ đề nghị đổi tên Quốc hiệu thành: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và tổng hợp toàn bộ ý kiến thành văn bản gửi về Ban soạn thảo.

Theo Datviet

Các tin cũ hơn