Chống tham nhũng trong kinh doanh: “Muốn làm người tử tế không được”

Thứ sáu, 18/01/2013, 12:20
Minh bạch và nhất quán sẽ làm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tuy nhiên làm cách nào để minh bạch và nhất quán là một việc khó không chỉ đòi hỏi nỗ lực từ doanh nghiệp. Cơ hội cho tham nhũng vẫn còn nhiều, điều đó được khẳng định tại buổi hội thảo về chủ đề này do phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng ngày 17/1 tại Hà Nội.

Doanh nghiệp buộc phải chung chi

Ông Lê Giang đang là giám đốc công ty TNHH về xuất nhập khẩu kể câu chuyện chính doanh nghiệp mình gặp phải, đó là việc phải vay ngân hàng với lãi suất lên tới 24%/năm. Ngân hàng “áy náy” vì lãi suất cao quá đã ghi lãi suất cho vay là 22%/năm và đẩy 2%/năm vào mục các chi phí. “Tôi giật mình khi thấy hoá đơn thông báo các loại chi phí cho khoản vay lên tới 900 triệu đồng nhưng sự thể là như vậy”, ông Giang nói.

Theo ông Giang chuyện điều hành lãi suất thời gian vừa qua như vậy đã tạo nhiều cơ hội cho tham nhũng. “Ngân hàng Nhà nước đưa ra trần lãi suất và hài lòng về điều đó nhưng thực tế hiếm có doanh nghiệp nào vay được với lãi suất như vậy. Để vay được, doanh nghiệp buộc phải “đi đêm”(chung chi). Doanh nghiệp muốn được việc thì không còn cách nào khác.

tham nhũng
 Nếu không chung chi, sẽ bị sách nhiễu.

Cùng quan điểm với ông Giang, ông Nguyễn Hồng Khoái, giám đốc một công ty TNHH chuyên tư vấn về thuế, kế toán… cho doanh nghiệp kể nhiều ví dụ về việc doanh nghiệp bị sách nhiễu và không thể không chi các chi phí “bôi trơn”. “Trong nhiều việc, tôi thà tham gia vào tham nhũng để được việc còn hơn là tôi minh bạch. Tôi minh bạch thì tôi cứ chờ đấy, việc không biết đến khi nào thì xong. Tôi muốn làm người tử tế cũng không được”, ông Khoái thẳng thắn chia sẻ.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, phó vụ trưởng vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) thừa nhận việc doanh nghiệp sử dụng các mối quan hệ để tạo ra cơ hội cho mình, chính điều đó mang lại sự không công bằng và không minh bạch cho môi trường kinh doanh. “Nhiều chỗ quyền lực nhà nước làm xuất hiện các nguy cơ lạm quyền”, ông Tuấn Anh khẳng định.

Trong một nghiên cứu về tình trạng tham nhũng trong kinh doanh do VCCI thực hiện gần đây, các doanh nghiệp được đề nghị đánh giá về các khoản phí không chính thức hàng năm khi doanh nghiệp phải chi để làm việc với cơ quan quản lý nhà nước, có tới 10% doanh nghiệp đánh giá chi phí chi cho thuế, hải quan và cơ quan quản lý thị trường là nhiều hoặc rất nhiều.

Ngay cả trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp – doanh nghiệp cũng vẫn có chuyện tham nhũng. Ngành điện đang bán điện độc quyền và có tới 8,55% doanh nghiệp nói phải chi tiền cho nhân viên ngành điện để được mua điện.

Kinh doanh dựa vào mối quan hệ

Câu chuyện chống tham nhũng trong kinh doanh trở nên không dễ dàng khi đứng trên quan điểm lợi ích của mình, doanh nghiệp luôn mong muốn công việc được xử lý nhanh để không mất cơ hội. Vì điều đó, không ít doanh nghiệp chấp nhận tạo điều kiện cho tham nhũng để được việc mình. Cơ quan quản lý nhà nước với cơ chế kiểm soát tham nhũng chưa chặt chẽ đã tạo điều kiện cho việc sách nhiễu, tham nhũng.

Chừng nào việc kinh doanh còn dựa nhiều vào các mối quan hệ sẽ tạo nên môi trường kinh doanh khó có thể minh bạch, vì thế việc chống tham nhũng trong kinh doanh sẽ khó thực hiện được.

Cũng theo nghiên cứu về tình trạng tham nhũng trong kinh doanh, có tới 87% doanh nghiệp khẳng định là “pháp luật còn tồn tại những kẽ hở cho nạn tham nhũng phát triển”. Có tới trên 75% doanh nghiệp cho rằng việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước còn chưa tốt. Thậm chí có nhiều trường hợp cán bộ giải quyết các thủ tục chủ động gợi ý để doanh nghiệp đưa quà biếu…

Như vậy, việc tạo nên một môi trường kinh doanh minh bạch, hạn chế tham nhũng không thể là câu chuyện của riêng doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, cố vấn về thể chế của bộ Phát triển quốc tế (đại sứ quán Anh tại Hà Nội) cho rằng chừng nào các cơ hội tiếp cận thông tin còn chưa được bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp thì việc minh bạch sẽ khó. Muốn chống tham nhũng trong kinh doanh, việc trước nhất là cơ quan quản lý nhà nước phải tạo một môi trường minh bạch trong tiếp cận thông tin và kiểm soát tốt việc đó.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích