Lương thấp vẫn sợ bị sa thải
Sau một ngày giao dịch căng thẳng, chị N.T.N, nhân viên môi giới lâu năm của một công ty chứng khoán tại Hà Nội không giấu sự mệt mỏi: Mấy năm gần đây, tình hình kinh doanh của các công ty chứng khoán rất khó khăn, thậm chí thua lỗ lớn nên chuyện nợ lương, cắt thưởng xảy ra như cơm bữa. Thu nhập của nhân viên môi giới giờ bi đát lắm, chẳng còn có xe hơi đi làm, tiền tiêu rủng rỉnh như những năm 2007-2008 đâu.
Chị N cho biết, mới đây, sau đợt cắt giảm biên chế, vì thua lỗ, các nhân viên ai cũng nơm nớp lo mất việc. Công ty đang rục rịch cắt giảm tiếp và có thể sẽ giảm tới 20% lương (dù lương hiện tại bình quân chỉ 6-8 triệu đồng), thậm chí ngay cả ban tổng giám đốc cũng bị trừ lương.
Thông tin này đã khiến những nhân viên thấp cổ bé họng như chị N hoang mang, lo lắng. Từ giữa năm 2012, công ty áp dụng chế độ lương khoán, giao chỉ tiêu kinh doanh (số lượng tài khoản, giá trị giao dịch - PV).
Nhiều doanh nghiệp bất động sản không xoay nổi tiền trả lương nhân viên, nói gì tới thưởng Tết. |
Nhân viên nào không đạt định mức, chỉ được hưởng 80% lương. Theo chị N, mỗi tháng chị được khoán định mức 50 tỷ đồng giá trị giao dịch, quản lý 40 nhà đầu tư.
“Nhưng chỉ có một nửa số khách hàng có giao dịch lớn và thường xuyên nên rất khó hoàn thành chỉ tiêu. Chưa kể, chỉ cần máy tính bị lỗi mạng trong vài giây, không kịp đặt lệnh giao dịch cho khách hàng hoặc đặt sai lệnh…, nhân viên môi giới phải đền tiền, có khi tới vài trăm triệu đồng” - Chị N buồn rầu.
Còn cán bộ của ngân hàng K than thở: Mấy tháng nay, từ lãnh đạo chi nhánh đến các phòng giao dịch, cán bộ tín dụng cũng phải xoắn lên đi đốc thúc, thu hồi nợ. Tuần nào, cán bộ ngân hàng cũng phải sang tận công ty, đến nhà khách hàng để thúc nợ. Nhưng họ cứ xin khất, cam kết trả nợ rồi cũng chẳng thấy chuyển tiền.
Theo cán bộ này, hiện mặc dù các khoản nợ đều có tài sản thế chấp hoặc tài sản của bên thứ ba nhưng việc thu hồi, xử lý bán tài sản rất phức tạp, tốn kém chi phí và thời gian.
Các khoản nợ đọng lớn chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp sắt thép, đóng tàu, xây dựng, vận tải… Mà doanh nghiệp nào cũng nợ đầm đìa ở nhiều ngân hàng khác rồi nợ dây dưa lẫn nhau nên việc thu hồi vốn rất khó.
Trong khi đó, hàng tồn kho không bán được hoặc doanh nghiệp bán chui hàng nhưng không chịu trả tiền cho ngân hàng.
“Trước kia, cán bộ tín dụng nào cho vay nhiều là được thưởng thành tích. Còn giờ, chính họ đang chết chìm vì đống nợ ngày càng phình to vì nhiều khách hàng cố tình chây ỳ”- vị can bộ ngân hàng K nói.
Cũng theo vị này, hội sở có chỉ đạo mục tiêu ưu tiên số một trong năm 2013 là thu hồi nợ, sau đó mới đến các mục tiêu về lợi nhuận, huy động vốn, tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng cho thời gian 6 tháng để cán bộ cho vay xử lý khoản nợ. Nếu không thu hồi được, sẽ phải ra đi.
Thực tế, năm 2012, ngân hàng K đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh như điều chuyển cán bộ xuống bộ phận thu hồi nợ, yêu cầu bồi thường tiền, cắt thưởng...
Thậm chí, một phó giám đốc chi nhánh đã bị buộc thôi việc do liên quan đến khoản nợ xấu lớn không có tài sản thế chấp. “Hiện chưa thấy lãnh đạo ngân hàng đề cập gì đến thưởng Tết, nhưng chắc chắn nhóm cán bộ bị điều chuyển đòi nợ xấu sẽ không có thưởng Tết”, vị này nói.
Cắm nhà, xe trả lương cho nhân viên
Một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) Hà Nội vốn có tiếng trong ngành xây dựng cũng không thoát khỏi tình trạng khó khăn trong bối cảnh BĐS đóng băng.
Trong năm 2012, doanh nghiệp này đã phải cắt giảm đến 50% số nhân viên công ty để giảm bớt gánh nặng về lương. Càng gần cuối năm, vị giám đốc doanh nghiệp phải chạy đôn đáo đi đòi nợ khắp nơi để thu tiền về. Hỏi ra vị giám đốc cho biết, 4 trong 5 dự án đã phải ngừng thi công từ giữa năm 2012.
Hiện, Công ty chỉ triển khai thi công cầm chừng một dự án vì không còn tiền mua nguyên vật liệu.
“Nhân viên họ gắn bó với mình bao năm mà đến cuối năm không có lương biết ăn nói ra sao. Năm nay, tôi không thể xoay xở thưởng Tết nhưng kiểu gì cũng phải đi đòi nợ hoặc vay để có tiền trả lương cho công nhân. Nếu không đòi được nợ, có lẽ tôi phải cầm cố biệt thự ở Hồ Tây vay ngân hàng mới mong có tiền lo lương cho nhân viên”- vị giám đốc cho biết.
Không được may mắn như vị giám đốc trên, anh N.T - giám đốc một công ty địa ốc phải bán cả xe ô tô để lo lương nhân viên vào cuối năm. Anh T nói: “Công ty đang nợ nhân viên hai tháng lương. Đến cuối năm, tôi buộc phải lo thanh toán số lương nợ và tháng cuối năm. Nhân viên trong công ty đều hiểu tình trạng khó khăn này nên năm nay họ chỉ mong được trả lương chứ không mơ đến thưởng Tết”.
Công ty anh T đang thi công một dự án tại quận Hoàng Mai (Hà Nội). Lượng công nhân trên công trường ít bởi dự án không còn tiền để triển khai theo đúng tiến độ. Công trường vắng vẻ, khu văn phòng ảm đạm.
Nhân viên công ty không biết là có được trả lương mà công ty đã nợ 2 tháng để ăn Tết hay không: “Cả năm công ty khó khăn, cán bộ nhân viên ai cũng biết. Tháng nào cũng chậm lương đến nửa tháng, riêng 2 tháng nay công ty không còn tiền trả lương. Tôi chỉ mong được trả lương dù là một tháng cũng được để có tiền lo Tết”.
Không phải lo đến việc thưởng Tết cho nhân viên, nhưng ông Phan Thanh Hưng - phó Giám đốc Tập đoàn Cen Group phải lo trả lương và hỗ trợ doanh số cho nhân viên bán hàng: “Chúng tôi là doanh nghiệp phân phối dự án nên dự án có bán được mới có tiền trả lương. Chúng tôi không áp dụng thưởng vào cuối năm bởi doanh nghiệp lấy tiền đâu mà trả thưởng như nhà nước, nên chúng tôi áp dụng lương và thưởng theo doanh số. Tuy nhiên, năm nay do tình hình khó khăn nên việc bán hàng chậm. Vì vậy lương nhân viên sẽ bị ảnh hưởng”.
Theo Tiền Phong