Các nhà phân tích đánh giá Việt Nam là một đất nước cởi mở, đang trên đường phát triển mạnh trong khối các nước ASEAN và có nhiều triển vọng phát triển đối với các doanh nghiệp Pháp.
Phát biểu tại hội thảo mang tên "Việt Nam - con rồng mới của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)" tại Paris, Đại sứ Dương Chí Dũng đã nêu bật những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong 25 năm đổi mới, được đánh dấu bằng quá trình cải cách và phát triển sâu rộng trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu và hội nhập quốc tế, nhất là trong 5 năm qua, Việt Nam đã đạt được tỷ lệ tăng trưởng trung bình 7,5%.
Pháp là nhà đầu tư đứng thứ hai châu Âu ở Việt Nam (sau Hà Lan) với 340 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký là 3 tỷ USD. |
Trong hai năm 2011 và 2012, mặc dù suy thoái kinh tế thế giới, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng lần lượt 5,9% và 5,2%. Giá trị xuất khẩu tăng từ 15 tỷ USD năm 2001 lên 115 tỷ USD năm ngoái. Đặc biệt, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 72 tỷ USD, chiếm 63% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện Việt Nam đón các nhà đầu tư đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ với 13.700 dự án có tổng số vốn đầu tư khoảng 200 tỷ USD. Việt Nam có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và rất nhiều các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ…
Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Pháp đã đạt được đà phát triển và hội nhập mới. Giá trị trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước tăng 13% năm ngoái, đạt 3,3 tỷ USD, cao hơn 2,9 tỷ USD trong năm 2011. Pháp là nhà đầu tư đứng thứ hai châu Âu ở Việt Nam (sau Hà Lan) với 340 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký là 3 tỷ USD.
Theo Đại sứ Dương Chí Dũng, Pháp và Việt Nam đang chuẩn bị thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Quan hệ giữa hai nước là mối quan hệ đặc biệt và sâu sắc. Các doanh nghiệp Pháp là những doanh nghiệp đầu tiên đến với Việt Nam ngay từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, không chỉ với nguồn vốn mà còn với các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực mà Pháp có tiềm năng.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế từng làm việc ở Việt Nam cũng đã trình bày tham luận nêu bật những khó khăn và thuận lợi cũng như những thách thức của Việt Nam trong quá trình đổi mới, cải cách ngân hàng, cải cách thể chế, cải cách hành chính và cải cách cấu trúc.
Theo Vietnam +