Công ty CP Đồng Xanh bị các chủ nợ và ngân hàng bao vây, siết nợ suốt hai tháng qua, khiến nhà máy cồn Ethanol Đại Tân ngừng hoạt động, ảnh hưởng hơn 300 lao động và hàng nghìn nông dân trong vùng nguyên liệu trồng sắn.
Tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại khoanh nợ vay, lãi vay và thẩm tra phương án sản xuất tiếp tục cho vay vốn lưu động để doanh nghiệp này vượt qua khó khăn để phát triển sản xuất lâu dài.
Nhà máy Cồn Ethanol Đại Tân đang lâm cảnh nợ nần, đứng trước nguy cơ phá sản. |
Nhà máy Cồn Ethanol Đại Tân rơi vào tình trạng nợ nần, theo ông Thanh là do công ty quản lý đầu tư dự án và hoạt động vốn chưa đúng quy định. Vốn lưu động bị sử dụng sai mục đích gây thiếu vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh, khiến doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, mất vốn vay và có nguy cơ phá sản. Nhà máy ngừng hoạt động không phải do thiếu nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm, chất lượng sản phẩm mà chủ yếu thiếu vốn lưu động để sản xuất kinh doanh.
Nhà máy bắt đầu ngừng hoạt động từ tháng 7/2012, sau khi Ngân hàng Techcombank dừng giải ngân, các hợp đồng xuất khẩu bị dừng lại.
Nhà máy có công suất 125 triệu lít mỗi năm, bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm 2010 với tổng vốn đầu tư 576 tỷ đồng. Thực chất, doanh nghiệp chỉ có nguồn vốn 140 tỷ đồng, số còn lại là vay các Ngân hàng ở Quảng Nam. Đến tháng 8/2011, Công ty CP Đồng Xanh thỏa thuận được với Techcombank Đà Nẵng để vay vốn sản xuất với điều kiện phải thế chấp bằng sản phẩm.
Lãnh đạo nhà máy Cồn Ethanol Đại Tân phân bua, do thiếu vốn sản xuất ngay từ đầu và điều kiện giải ngân ngân hàng quá nghiêm ngặt nên nhà máy chỉ có thể hoạt động cầm chừng, công suất chỉ đạt khoảng 50%. Chi phí lãi ngân hàng quá cao (chiếm trên 15% giá thành), giá ethanol thế giới lại giảm mạnh...là những nguyên nhân chính khiến nhà máy lâm vào khủng hoảng, nợ nần. Hiện tại nhà máy còn nợ Ngân hàng, các chủ nợ, người lao động lên đến hơn 750 tỷ đồng.
Theo VnExpress