Chủ nợ phong tỏa Nhà máy cồn Đại Tân

Thứ bảy, 22/12/2012, 16:28
Ngày 21.12, vụ các chủ nợ phong tỏa Nhà máy cồn Đại Tân của Công ty Đồng Xanh tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam (trong khi lãnh đạo Công ty biến mất) vẫn trong tình trạng bế tắc.

Hàng trăm công nhân nhà máy bỗng dưng mất việc làm, phải sống lay lắt mà không được hưởng bất cứ chế độ nào.

Đi đòi nợ để... trốn nợ

Khu vực nhà máy cồn của Công ty Đồng Xanh tại xã Đại Tân ngày 21.12 vắng tanh, chỉ có vài bảo vệ nhà máy trực canh ở cổng.
 
Sau trận xô xát giữa vệ sĩ Công ty Phi Vũ - được Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) - chi nhánh Đà Nẵng thuê vào “xiết nợ” - với những chủ nợ khác là người dân đang túc trực tại cổng nhà máy, phía ngân hàng tạm rút quân, còn phía Công ty vệ sĩ đang chờ công an tỉnh làm rõ hành vi phá hoại tàn sản và gây rối trật tự trị an.
 
Riêng khoảng 20 chủ nợ là người dân sản xuất, thu gom bán nguyên liệu sắn, bán than đốt, cung cấp thức ăn... cho nhà máy thì vẫn cố thủ trong các xe tải đặt ngang cổng chính, cổng phụ nhà máy và các quán xá gần đó.
 
nhà máy cồn
 Nhà máy cồn lặng ngắt sau cuộc xô xát giữa các chủ nợ hôm 20.12.

Bà Phan Thị Lục - vợ ông Lê Văn Tường, ở xã Đại Tân - kể: “Tôi bán hơn 4.000 tấn sắn cho nhà máy từ tháng 7.2011-3.2012, nhưng nhà máy cứ trả tiền thiếu trước hụt sau, đến tháng 11.2012 được lãnh đạo nhà máy chốt công nợ hơn 1,8 tỉ đồng cả gốc lẫn lãi, rồi trốn luôn, để tôi phải lâm cảnh khốn nạn thế này đây.
 
Tôi mua gom số sắn này của rất nhiều nông dân trong tỉnh, cũng nợ tiền nông dân, phải vay của ngân hàng Sacombank và nhiều người quen để trả tạm cho họ, chứ họ cũng lấy gì mà ăn, giờ tui ôm nợ, phá sản đến nơi rồi”.

Hàng chục chủ nợ khác là người ở các tỉnh Tây Nguyên đã đăng ký tạm trú với xã Đại Tân, quyết cố thủ đòi nợ.
 
Ông Trần Quang Minh (ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) cùng những người dân gom sắn bán cho nhà máy bức xúc: “Chúng tôi vạ vật ở đây để đòi nợ mà cũng là... trốn nợ. Bởi chúng tôi mua gom sắn của hàng vạn nông dân các tỉnh Tây Nguyên rồi thuê xe chở xuống bán cho nhà máy từ mấy năm nay, lại bị nhà máy trả tiền theo kiểu “nợ gối đầu, rồi tịt luôn, nên chúng tôi cũng mang nợ nông dân. Nếu không đòi được món nợ này, chúng tôi cũng... ra đường ở, chứ nhà cửa tài sản rồi phải bán để trả nợ nông dân thôi”.

Hàng trăm công nhân bơ vơ

Cùng chầu chực gần nhà máy để đòi quyền lợi còn có nhiều công nhân. Ông Phan Văn Chính ở xã Đại Nghĩa và ông Trương Văn Thủ ở xã Đại Minh (cùng huyện Đại Lộc) cho biết, họ vào làm công nhân nhà máy từ năm 2009. Cuối tháng 10.2012, nhà máy bỗng nhiên ngừng hoạt động, lãnh đạo cũng cuốn gói đi biệt mà không nói một lời nào về số phận của hơn 300 công nhân nhà máy.
 
Trong khi đó, từ tháng 8.2011 đến nay, họ làm việc mà không hề được nhà máy trả lương. Đến khi ngừng hoạt động, nhà máy nợ lương và các khoản bảo hiểm của công nhân đến gần 7 tỉ đồng.

“Tôi là kỹ sư, lao động chính của gia đình, làm việc cho nhà máy từ năm 2009 đến nay, nhưng giờ bị nhà máy bỏ rơi, không được hưởng bất cứ quyền lợi hay bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp gì cả, trong khi nhà máy lâu nay vẫn thu tiền đóng bảo hiểm của tôi. Toàn bộ anh em công nhân khác của nhà máy đều chịu chung số phận, giờ bơ vơ, người thì đi làm thuê nơi khác, người thì về nhà làm ruộng sống qua ngày” - ông Chính nói.

Ông Lương Tân Thành - Chủ tịch LĐLĐ huyện - cho biết: “Nhà máy cồn sau khi hoạt động, có thành lập tổ chức Công đoàn lâm thời, có thu đoàn phí của công nhân, nhưng dù LĐLĐ huyện mấy năm nay nhiều lần đến làm việc, mời họp... để vận động tổ chức đại hội công đoàn chính thức thì họ lại cố tình né tránh mãi, không tổ chức đại hội.
 
Khi xảy ra sự việc nợ lương, các công nhân gửi đơn, đến báo với LĐLĐ huyện, và huyện đã báo với chính quyền huyện, đề nghị có hướng xử lý đảm bảo quyền lợi công nhân”. Còn các chủ nợ là người cung cấp nguyên liệu cho nhà máy giờ đều trông vào món hàng cồn trong kho, nên quyết không để ngân hàng tẩu tán.

Ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - cho biết: “Trước sự cố nhà máy cồn, huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi, nắm tình hình, đặc biệt là hướng dẫn nông dân trồng sắn phơi khô sản phẩm để bán cho các đơn vị thu mua khác, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có đầu ra cho sản phẩm”.
 
Còn ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết: “Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng nắm tình hình, hỗ trợ nhà máy và các bên liên quan giải quyết vấn đề”. Tuy nhiên, đến nay, vụ việc vẫn đang trong tình trạng phức tạp, bế tắc.

 Theo Lao Động

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích