Vàng miếng trong nước đến đầu giờ chiều nay đang giao dịch tại 46,07-46,27 triệu đồng/lượng, giảm thêm 260.000 đồng/lượng so với chốt ngày hôm qua. Tuy nhiên, mức giảm sâu này không kéo gần chênh lệch giữa trong nước và thế giới.
Từ khoảng 1 tuần nay, giá vàng trong nước và thế giới vẫn vênh nhau trên 4 triệu đồng/lượng với xu thế giá trong nước cao hơn, dù thị trường giao dịch không mấy sôi động. Ngay từ sáng nay, mức vênh này đã là 5 triệu đồng/lượng. Theo giờ Việt Nam, đến 13h chiều nay, giá thế giới đang giao dịch tại 1.641-1.642 USD/ounce.
Quy đổi ra tiền đồng theo tỷ giá đôla bán ra của Vietcombank là 20.870 đồng/USD, mỗi ounce vàng quốc tế có giá 41,3 triệu đồng - thấp hơn gần 5 triệu đồng so với giá Việt Nam. Đây cũng là mức chênh lệch kỷ lục của vàng trong nhiều năm trở lại đây. Cuối năm ngoái, thị trường biến động mạnh, dân đổ xô mua vàng miếng song chênh lệch giá trong nước, thế giới cao nhất cũng chỉ 4,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước và thế giới ngày càng xa nhau với mức vênh "khủng" lên tới 5 triệu đồng/lượng và phần đắt hơn nghiêng về vàng trong nước. |
Từ trước tới nay, mỗi khi chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế bị nới rộng, người ta vẫn đổ cho “cơ chế, chính sách”. Nhưng thực tế, suốt một năm nay, kể từ quý III/2011, khi giá trong nước liên tục tăng cao, nới rộng đà so với thế giới, Ngân hàng Nhà nước đã có hàng loạt chính sách để quản lý kim loại này. Kết quả, chưa thấy dấu hiệu chênh lệch giá trong – ngoài được thu hẹp.
Nguyên nhân cơ bản khiến giá vàng tăng cao được giải thích bởi các chuyên gia phần lớn là cung-cầu: cung cầu cho nhu cầu của người dân, nhu cầu cân đối trạng thái của ngân hàng khi quy định ngừng huy động, cho vay vàng chính thức hết hiệu lực hoặc chính sách.
Song đến nay, khi thị trường vàng trầm lại, nhu cầu người dân không “sôi sục” như cách đây 1 năm, ngân hàng cũng chẳng “rốt ráo” mua vàng cân đối trạng thái, chính sách tập trung vào giải quyết, lưu thông thị trường… mà chênh lệch trong nước – thế giới của giá vàng vẫn cao.
Vì sao vẫn có sự chênh lệch lớn?
Theo ông Vũ Minh Châu - Tổng giám đốc Công ty Bảo Tín Minh Châu - có sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, bởi nhiều nguyên nhân, tuy nhiên phần lớn là do cung cầu.
Ông Châu cho biết, các thương hiệu vàng “phi” SJC, giá vẫn khá ổn định và sát với thế giới. Chẳng hạn, vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu chiều nay giao dịch bán ra tại xấp xỉ 43 triệu đồng/lượng. So với giá thế giới, giá của doanh nghiệp này cao hơn khoảng 1,7 triệu đồng/lượng.
Theo đại diện doanh nghiệp này, mức chênh giá vàng trong nước và quốc tế nên ở 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, ở thời điểm này, là “đẹp” nhất. Số tuyệt đối này tương đương với 1-3% biên độ tương đối, sau khi trừ đi khoảng 2% gồm thuế nhập khẩu, phí lưu thuông và phân khúc thị trường.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực vàng, giá trong nước và thế giới vênh nhau lên đến 5 triệu đồng là quá bất thường, trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu cũng có, nhưng chưa tới mức sôi sục như thời kỳ này năm ngoái.
Vị này cho biết, khi thị trường còn nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng, nhìn như rối, nhưng thực chất, các đơn vị này sẽ nhìn nhau để định giá. Do đó, giá trong nước, ở thời kỳ cầu cao hơn cung, chênh lệch giá vàng trong nước cũng chưa từng lên tới 5 triệu đồng/lượng như hiện nay. Về nguyên nhân của tình trạng trên, vị này cho biết, là do tính độc quyền trong kinh doanh vàng miếng.
“Thị trường vàng, nói thì to tát, nhưng cũng giống như cái chợ, nếu có nhiều người bán một món hàng thì người mua sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn nơi giá hợp lý, và ngược lại.Còn như hiện tại, vàng miếng SJC ở thế độc quyền, thì lẽ dĩ nhiên, việc định giá bao nhiêu là quyền của doanh nghiệp, người thiệt là nhà nhà đầu tư và người dân ”, vị này bày tỏ.
Chuyên gia nói trên cũng cho biết thêm, chính sách điều hành giá vàng thời gian vừa qua “chưa đồng nhất” khi để cho một thương hiệu độc quyền. Điều này cũng khiến cho thị trường, dù không ở thời kỳ “mua tranh bán cướp” như thời gian trước, chênh lệch giá trong nước - quốc tế vẫn đạt mức kỷ lục từ trước tới nay.
Đại diện một doanh nghiệp khác cho biết, nguyên tắc định giá của các đơn vị kinh doanh vàng phần lớn dựa vào mặt bằng của khu vực mua bán buôn cũng như sức tiêu thụ của nhà bán lẻ, sau đó là giá thế giới. Dĩ nhiên không ai quy định được mức giá cụ thể, nhưng thường khi giá thế giới tăng, trong nước cũng tăng, và ngược lại.
Cũng có trường hợp giá thế giới tăng nhưng trong nước giảm, do cầu yếu hoặc nguồn hàng dồi dào khiến cho doanh nghiệp tính đến xuất khẩu. Tuy nhiên về cơ bản, nguyên tắc chính là phải lưu thông với giá thế giới. Ông này kiến nghị, cần tạo cho thị trường lưu thông bằng cách nhập khẩu vàng hoặc cho phép nhiều hơn 1 đơn vị được phép sản xuất vàng miếng.
Trước đó, trả lời chất vấn Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch hơn 400.000 đồng/lượng là đã có hiện tượng đầu cơ, nhập lậu. Do đó, trước ý kiến của đại biểu đề xuất nên để giá vàng trong nước và quốc tế liên thông, ông Bình khẳng định “không liên thông vì nếu liên thông thì lại chấp nhận đầu cơ vàng”.
Theo Infonet