Thị trường vàng cần liên thông

Thứ tư, 12/12/2012, 07:55
Nếu không có giải pháp đột phá cho thị trường liên thông thì giá vàng trong nước sẽ còn chênh lệch dài dài, người dân mua vàng vẫn phải chịu thiệt.

Ngày 11-12, giá vàng miếng SJC tiếp tục được các công ty kinh doanh vàng tại TPHCM niêm yết quanh mức 46,96 triệu đồng/lượng bán ra và 46,81 triệu đồng/lượng mua vào, thay đổi ít so với cuối ngày trước.

Trong khoảng 2 tuần nay, giá vàng trong nước lình xình quanh mốc 47 triệu đồng/lượng, ngay cả khi giá thế giới điều chỉnh giảm mạnh hoặc phục hồi. Điều này khiến khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới luôn chênh lệch ở mức kỷ lục từ 3,8 triệu đến 4,2 triệu đồng/lượng.

Người mua nhiều, người bán ít

Nguyên nhân chính của hiện tượng chênh lệch bất thường này là do thị trường trong nước không liên thông với thế giới, doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng cả năm nay, trong khi lực mua vẫn đều đặn.

Quan sát biểu đồ giá vàng của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cho thấy cách biệt giữa giá mua - giá bán luôn duy trì khoảng 150.000 đồng/lượng nhằm kích thích khách hàng bán vàng.

Nhiều doanh nghiệp vàng khác còn mua vào vàng với giá cao, trong khi để giá mua vào thấp hơn bán ra chỉ khoảng 100.000 đồng/lượng. Nhưng thị trường đang diễn biến ngược lại, người đi mua nhiều, còn người bán ít khiến giá vàng khó rút ngắn cách biệt với thế giới.

thị trường vàng
Thị trường vàng trong nước cần liên thông với thế giới.
 
Đại diện một công ty vàng cho biết lực mua từ khách hàng lẻ tuy không nhiều như trước nhưng lúc nào cũng có, trong khi ít người bán ra. Điều này khiến công ty phải tìm nguồn vàng cân đối khá chật vật, nhất là khi doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng. “Giá vàng trong nước quá cao so với thế giới một phần vì thị trường thiếu sự liên thông.
 
Khi giá vàng xuống thấp quanh vùng 47 triệu đồng/lượng, có lúc còn 46 triệu đồng/lượng như hồi đầu tháng 11, người dân chủ yếu mua vào mà ít bán ra. Chưa kể mỗi ngày, các doanh nghiệp nhìn vào mức chênh lệch với thế giới để niêm yết giá, thay vì so sánh giá thế giới nên cách biệt ngày càng cao là điều dễ hiểu” - đại diện một công ty vàng lý giải.

Trông chờ tạm xuất - tái nhập

Để tăng nguồn cung cho thị trường, cuối tháng 9, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các doanh nghiệp chuyển đổi số vàng phi SJC sang SJC, với lượng chuyển đổi hơn 400.000 lượng. Tuy nhiên, do việc kiểm định vàng trước khi chuyển đổi mất nhiều thời gian nên quá trình dập vàng bị ứ đọng. Một số ngân hàng thương mại (NHTM) phải mua vàng ngoài thị trường để tất toán cho khách hàng gửi vàng, làm tăng áp lực cầu lên thị trường.
 
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý về nguyên tắc cho phép một số doanh nghiệp được tạm xuất vàng phi SJC, nhập khẩu vàng nguyên liệu về để dập thành SJC cho nhanh nhưng đề xuất này vẫn đang chờ ý kiến Chính phủ.

Theo Ngân hàng Nhà nước, để tất toán trạng thái vàng trước thời điểm 30-6-2013, các NHTM còn phải mua vào khoảng 20 tấn vàng. NHTM mua vào nhằm trả vàng cho khách hàng gửi tiết kiệm trước đây khi đến hạn tất toán. Thế nên, dù số vàng phi SJC chưa chuyển đổi còn khoảng 230.000 lượng nhưng nếu phương án tạm xuất, tái nhập vàng được áp dụng, nguồn cung ra thị trường sẽ không tăng thêm nhiều.

Thậm chí, từ khi các NHTM ngừng huy động vàng nhưng người dân vẫn đi mua vàng rồi… đem về nhà cất, càng làm thị trường thiếu vắng nguồn cung.

Theo một số chuyên gia, nếu không có giải pháp đột phá cho thị trường vàng liên thông thì giá vàng trong nước sẽ còn tiếp tục chênh lệch, chỉ người dân mua vàng vẫn phải chịu thiệt.

 

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn