Vì sao giới siêu giàu Trung Quốc đua định cư nước ngoài?
Thứ ba, 11/12/2012, 11:14
Những năm gần đây bất chấp kinh tế trong nước phát triển nhanh, ngày càng nhiều người giàu có tại Trung Quốc từ bỏ quốc tịch để ra định cư tại nước ngoài. Rất đông người chưa thể đi cũng có ý định này…
Với tiêu đề “Vì sao những người siêu giàu tại Trung Quốc đang gói ghém và rời ra nước ngoài”, bài viết của tác giả Hua Ti đăng trên tờ Người quan sát kinh tế có trụ sở tại Bắc Kinh đã cho thấy những nguyên nhân sâu xa đằng sau một xu hướng rời bỏ đất nước ngày càng rõ trong giới nhà giàu nước này.
Zhang Lan, nhà sáng lập chuỗi nhà hàng South Beauty, cũng là một trong những phụ nữ giàu nhất Trung Quốc và là biểu tượng cho sự thành công của kinh tế Trung Quốc. Bởi vậy không có gì ngạc nhiên khi việc mới đây vị nữ tỷ phú phải chịu nhiều chỉ trích vì đã quyết định từ bỏ quốc tịch Trung Quốc để trở thành công dân một quốc gia khác.
Mặc dù vẫn chưa rõ bà Zhang sẽ xin quốc tịch nước nào (Trung Quốc không cho phép người dân cùng lúc sở hữu hai quốc tịch), sự lựa chọn này chính là một phần trong xu hướng di cư ra nước ngoài đang nở rộ trong giới nhà giàu có tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ngày càng nhiều người Trung Quốc bỏ ra nước ngoài định cư
Theo bản báo cáo Tài sản cá nhân 2011, 27% các doanh nhân Trung Quốc với tài sản trên 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 15,9 triệu USD) đã ra nước ngoài định cư. Trong khi đó 47% những người khác được hỏi đang cân nhắc việc này.
Một khảo sát khác do ngân hàng Bank of China phối hợp cùng Viện nghiên cứu Hồ Nhuận thực hiện năm 2011 đối với 980 người có tài sản trên 10 triệu nhân dân tệ tại 18 thành phố lớn cũng cho thấy, 60% số người được hỏi khẳng định sẽ ra nước ngoài sinh sống hoặc đã làm thủ tục xin định cư.
Trong đó 70% người giàu có tại các vùng phía Đông và Nam Trung Quốc cho biết có kế hoạch rời đất nước. Năm ngoái trong số 5000 visa nhập cư chính quyền Mỹ cấp cho nhà đầu tư nước ngoài, có tới 2/3 thuộc về người Trung Quốc.
Rõ ràng việc tới 70% người giàu có muốn rời bỏ nơi họ đã sinh ra và tạo lập được tiền tài, sự nghiệp không thể xem là chuyện bình thường. Vì sao họ làm vậy? Có ba nguyên nhân chính thường được những người này đưa ra đó là: tạo điều kiện học hành tốt hơn cho con cái, bảo vệ tài sản đã có và chuẩn bị kế hoạch nghỉ hưu.
Ngoài việc ngay lập tức mất đi một khối tài sản lớn, việc rất nhiều người giàu có di cư chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lòng tin của người dân vào triển vọng tương lai của Trung Quốc. Nhìn chung, ngoại trừ những người giàu lên một cách phi pháp, tại bất kỳ quốc gia nào những người giàu có đều là những người đi đầu về làm kinh tế.
Sự lựa chọn quốc gia của họ sẽ ảnh hưởng tới cảm xúc, sự phán xét và ra quyết định của những người còn lại. Khi người giàu đặt hy vọng về sự giáo dục con cái và nghỉ hưu tại quốc gia khác, điều đó có nghĩa là họ có cái nhìn bi quan về sự cải thiện của hệ thống giáo dục và an sinh xã hội nước nhà. Khi ai đó bỏ ra nước ngoài định cư để bảo vệ tài sản, đó chính là bằng chứng cho thấy họ không mấy hy vọng vào tính hiệu quả của pháp luật.
Rất nhiều người đã đem vấn đề đạo đức ra để chỉ trích những người Trung Quốc giàu có đã ra đi. Dù vậy từ một góc nhìn khác, cũng cần phải có sự so sánh, phân tích. Trong số 3 nguyên nhân chính khiến giới nhà giàu di cư, việc tạo cơ hội học hành cho con cái là quan trọng nhất. Điều đó cho thấy, cũng giống như bao bậc cha mẹ khác, những người giàu muốn con cái được hưởng sự giáo dục tốt nhất.
Đối với mục đích bảo vệ tài sản, nó liên quan tới tình trạng thực thi luật pháp tại Trung Quốc. Trong khi việc tìm kiếm nơi nghỉ hưu yên ổn là hoàn toàn mang tính tự nhiên. Rõ ràng không có lí do nào xuất phát từ mục đích tìm niềm vui riêng cho cá nhân. Hay nói cách khác người giàu ra đi không nhằm có điều kiện vật chất tốt hơn.
Sự ra đi của những người giàu thấy, là những con người, ai cũng có nhu cầu tinh thần và cần được tôn trọng chứ không chỉ dừng lại ở việc có đủ thức ăn. Khi công dân của một nước chuyển sang nước khác để tìm kiếm những điều này, chúng ta không nên đổ lỗi cho họ. Điều chúng ta nên nghĩ tới đó là số lượng và chất lượng của các dịch vụ công mà Trung Quốc cung cấp.