Vụ “chi 1USD mua doanh nghiệp nợ... triệu đô”: Công an đã tiếp cận!

Chủ nhật, 09/12/2012, 08:26
Theo điều tra riêng của PV Báo LĐ, từ ngày 28.11 đến nay, “nhân vật số 1” của Cty Trường Sa là Nguyễn Hà Quảng đã vài lần gặp gỡ để “lên dây cót” tinh thần “sáng lập viên” ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, nhưng không dám “bén mảng” xuống thành phố cảng.

>> Vụ "1 đô mua doanh nghiệp nợ triệu đô": Kịch bản lừa đảo thời suy thoái
>> Âm mưu bí ẩn vụ mua doanh nghiệp 1 USD
>> Vụ 1 đô mua doanh nghiệp nợ triệu đô: Lộ diện chiêu lừa đảo
>> Chi 1 đô mua doanh nghiệp nợ... triệu đô



Cty kinh doanh kim khí Hải Phòng đóng cửa im ỉm sau khi “sang tay” cho Nguyễn Hà Quảng
và Cty Trường Sa - ảnh: H.H

Hiện đoàn công tác liên ngành của TP.Hải Phòng đang tổng kiểm tra, rà soát lại các DN vừa “sang tay” cho Cty Trường Sa cùng các cá nhân liên quan.

“Nóng”… nghị trường

Mặc dù nội dung chất vấn của cử tri TP.Hải Phòng không được các đại biểu HĐND TP “cụ thể hóa” thành các câu hỏi và câu trả lời, song không khí nghị trường cũng “nóng” hơn khi ông Đan Đức Hiệp - Phó Chủ tịch UBND TP - trình bày vấn đề liên quan đến những DN đã được UBND TP cho thuê đất với diện tích rất lớn, sở hữu nhiều tài sản (bao gồm cả bất động sản và động sản) như Cty TNHH Thái Sơn, Cty TNHH Vĩnh Phát, Cty TNHH cơ khí An Dương..., nhưng kinh doanh thua lỗ và đang chất chồng nợ xấu, lại vừa bị bán cho Cty Trường Sa cùng một số cá nhân và nan giải hơn là tình trạng thả nổi quản lý DN sau khi chuyển nhượng. 

Ông Hiệp thừa nhận: “Những người mua lại cổ phần đã giành quyền điều hành DN nhưng không tổ chức hoạt động SXKD, kéo dài thời gian trả nợ để tìm cách sang nhượng, chuyển nhượng trái phép quyền sử dụng các khu đất thành phố cho thuê, làm thất thoát tài sản, đất đai nhà nước”.

Trao đổi với PV Báo Lao Động bên lề cuộc họp, ông Hiệp cho biết: “UBND TP đã chỉ đạo các ngành yêu cầu những người đăng ký đại diện theo pháp luật của các DN vừa chuyển nhượng phải có trách nhiệm thực hiện các cam kết trong hợp đồng theo quy định; đó là nghĩa vụ trả nợ các ngân hàng, trách nhiệm quản lý tài sản đã thế chấp và nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người dân có đất trong vùng dự án cũng như đối với NLĐ tại DN. Hiện lãnh đạo thành phố cũng đã giao cơ quan công an điều tra tiếp cận vụ việc, kiên quyết không để xảy ra tình trạng chuyển nhượng đất đai, tài sản”.

Nợ khủng vẫn là bí mật của DN

Trả lời câu hỏi của PV Báo LĐ về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp phép cho DN chuyển nhượng cổ phần khi đang có nguy cơ vỡ nợ, ông Hiệp phân tích:

“Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi HĐQT các Cty có đầy đủ biên bản, nghị quyết gửi kèm hồ sơ đề nghị Sở KHĐT thành phố chuyển đổi người đại diện thì sở phải làm. Trong thực tế, cơ quan quản lý nhà nước không biết các DN bị chuyển nhượng đang lâm nợ khủng, bởi vì đó là bí mật DN”. 

Để giải quyết hậu quả, UBND TP.Hải Phòng đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành rà soát lại diễn biến tình hình tại 11 DN của Cty TNHH công nghiệp và thương mại Thái Sơn, Cty CP kim khí Hải Phòng và Cty CP công nghiệp tàu thủy Shinec (chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền ở huyện Thủy Nguyên); theo kế hoạch, đến cuối tháng 12 này sẽ kiểm tra xong và có báo cáo cụ thể. 

Riêng trường hợp của Cty CP công nghiệp tàu thủy Shinec, DN này đã được UBND TP giao đất để xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, sau đó cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại mặt bằng; do đó chủ đầu tư không chỉ có trách nhiệm, nghĩa vụ đối với thành phố và các DN, mà còn phải trực tiếp giải quyết chính sách đền bù tái định cư cho tất cả hộ dân bị mất đất khi triển khai dự án. Rõ ràng, ban lãnh đạo Cty Shinec đã sai phạm khi chuyển nhượng cổ phần và người điều hành DN mà không báo cáo UBND TP. 

Ông Đan Đức Hiệp nói: “Trước mắt, yêu cầu Cty Trường Sa thực hiện các nghĩa vụ còn lại như đền bù, tái định cư cho dân, đồng thời tạm dừng việc cấp phép cho các DN thứ cấp đầu tư vào KCN này. Tuy nhiên, khi yêu cầu đại diện Cty Trường Sa đến làm việc, các sở ngành của TP.Hải Phòng đã không nhận được sự hợp tác từ những cá nhân đứng đầu Cty Trường Sa. Sắp tới, nếu đại diện Cty Trường Sa tiếp tục trốn tránh, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp xử lý theo luật định”.
 

Danh sách những DN tại Hải Phòng hiện “trong tay” Cty Trường Sa và Nguyễn Hà Quảng, Nguyễn Văn Quang:

1. Cty TNHH Thái Sơn. 2.Cty CP công nghiệp thương mại Thanh Sơn. 3. Cty TNHH thương mại cơ khí An Dương. 4.Cty TNHH Vĩnh Phát. 5.Cty TNHH thương mại Hoàng Nam. 6. Cty TNHH thương mại Tuấn Hoàng. 7.Cty TNHH thương mại Bảo Sơn. 8. Cty TNHH đầu tư thương mại xây dựng Bảo Châu. 9.Cty TNHH Thiên Tân Phú. 10.Cty TNHH Thiên Nam Phú. 11. Cty TNHH thương mại vật tư kim khí Đức Hiếu. 12. Cty CP công nghiệp tàu thủy Shinec. 13. Cty TNHH TM và vận tải biển Hoàng Long. 14. Cty kinh doanh kim khí Hải Phòng. 
 


Theo Lao Động

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn