Dấu hỏi về cổ đông chiến lược của Sabeco

Thứ sáu, 07/12/2012, 16:29
Ít nhất 3 nhà sản xuất lớn là Tập đoàn Heineken (Hà Lan), Asahi (Nhật Bản) và SAB Miller (Mỹ) quan tâm tới việc trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco.
Khi vào Việt Nam, đích ngắm của Carlsberg chính là Tổng công ty cổ phần bia-rượu-nước giải khát Hà Nội (Habeco).

Việc "đại gia" này rót vốn vào một số doanh nghiệp trước đó được coi là dọn đường để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược: trở thành cổ đông chiến lược của nhà sản xuất bia lớn thứ 2 tại Việt Nam vào năm 2008 khi Habeco tiến hành bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Nhưng 16,07% cổ phần mà Carlsberg nắm giữ tại Habeco cũng mới chỉ là bước đầu.

 
Nhân duyên Carlsberg-Habeco

 

Trong chuyến thăm chính thức Đan Mạch vào tháng 9/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến việc Carlsberg và Habeco ký một biên bản ghi nhớ, theo đó hai bên đề xuất Chính phủ Việt Nam cho phép Carlsberg mua thêm cổ phần của Habeco tới hạn mức 30%.

Như vậy, việc Bộ Công thương đầu tháng này chính thức thông báo cho phép Habeco bán tiếp 13% vốn điều lệ, thuộc phần vốn Nhà nước đang nắm giữ với mức giá bán 50.015 đồng/cổ phiếu (giá đấu bình quân khi Habeco bán đấu giá lần đầu ra công chúng vào năm 2008) có thể xem như việc hiện thực hóa những đề xuất ngày nào.
 
Trong lập luận của mình, Bộ Công thương cho rằng, việc bán thêm phần vốn Nhà nước cho cổ đông chiến lược là Tập đoàn Carlsberg sẽ mang lại lợi ích cho Nhà nước và tạo điều kiện cho sự phát triển trong tương lai của Habeco.

Khi hoàn tất thương vụ mua thêm 13% vốn điều lệ này, Carlsberg sẽ nắm giữ 30% vốn điều lệ tại Habeco, mức đủ để Habeco trở thành một thành viên trực tiếp nhận được những hỗ trợ cụ thể trong chiến lược phát triển của Carlsberg trên toàn cầu.

Giờ đây, một câu hỏi được đặt ra là: Bao giờ Carlsberg sẽ tăng tỷ lệ nắm giữ của mình tại Habeco lên 49%"? Câu trả lời dù chưa có ngay, nhưng theo dự đoán của nhiều chuyên gia thì đó chỉ còn là vấn đề thời gian.

 
Năm 2011, với sản lượng tiêu thụ 579,98 triệu lít bia, Habeco đã trở thành nhà sản xuất bia lớn thứ 2 tại Việt Nam với thị phần xấp xỉ 22%, sau Tổng công ty cổ phần bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Còn Carslberg với sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam từ các nhà máy bia của mình hoặc tham gia cổ phần (không kể Habeco) là 232,6 triệu lít - chiếm 9% thị phần, xếp thứ 4. Chắc chắn vị thế này của Carlsberg sẽ thay đổi lớn sau khi họ nắm giữ 30% vốn điều lệ tại Habeco.

"Chiếm 30% vốn điều lệ, nhưng Carlsberg sẽ vẫn giữ nguyên các nhãn mác địa phương hiện có của Habeco và chỉ thêm vào phương thức quản trị hiện đại của một doanh nghiệp bia lớn thế giới.

Cách thức này cũng đã được áp dụng với một số doanh nghiệp ở một số nước trong khu vực, ngay cả khi Carlsberg nắm giữ 100% cổ phần tại doanh nghiệp đó. Cùng với Carlsberg, hy vọng Habeco sẽ đi được xa hơn, phủ sóng rộng hơn", một chuyên gia am hiểu câu chuyện cổ phần hóa lẫn thương vụ mua bán này nhận định.

 
Trong thương vụ này, Carlsberg cũng cam kết chấp hành mọi nghĩa vụ có thể phát sinh liên quan đến những tồn tại và lợi thế sử dụng đất tại Habeco như những cổ đông khác theo quy định của Việt Nam. Vướng mắc lớn nhất của Habeco trong việc xác định giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa là quyền sử dụng khu đất 183 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.
 
Trong giá trị doanh nghiệp Habeco được xác định (khoảng 2.500 tỷ đồng) thì có khoảng 1.000 tỷ đồng là giá trị quyền sử dụng đất. Đây là một con số quá lớn và theo Habeco lẫn Bộ Công thương là khó chấp nhận được, bởi khu đất này vẫn sử dụng với mục đích sản xuất chứ không phải chuyển sang làm bất động sản thương mại như người hàng xóm đối diện là khu chung cư cao cấp Golden West Lake.
 
Sabeco: chưa đứng duyên
 
Đứng đầu và bỏ rất xa các đối thủ trên thị trường Việt Nam về lượng bia tiêu thụ, Sabeco có thể tự tin ngẩng cao đầu trước mọi lời chào mời hấp dẫn.

Năm 2011, Sabeco đã tiêu thụ 1,228 tỷ lít bia, chiếm tới 46,4% thị phần bia Việt Nam. Con số này thậm chí xấp xỉ sản lượng của cả 3 hãng bia lớn kế sau cộng lại là Habeco, ABP (với các nhãn hiệu chính là Heineken, Tiger) và Carlsberg.

Không dừng lại ở những gì đang có, Sabeco vẫn tiếp tục nâng công suất của mình với mục tiêu năm 2015 đạt xấp xỉ 2 tỷ lít bia. Thành công của Sabeco trên thị trường Việt Nam, nơi được đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng, dĩ nhiên là vô cùng hấp dẫn trong con mắt của những gã khổng lồ trong ngành bia thế giới.

Từ khi Sabeco được tiến hành cổ phần hóa và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2008 tới nay, mối quan tâm của họ đối với Sabeco vẫn không hề thuyên giảm.

 
Cho tới nay, ít nhất có 3 nhà sản xuất bia lớn trên thế giới là Tập đoàn Heineken (Hà Lan), Tập đoàn Asahi (Nhật Bản) và Tập đoàn SAB Miller (Mỹ) quan tâm tới việc trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco. Nhìn vào những thực tế này, có thể thấy Sabeco đang nổi trội hơn hẳn tại thị trường Việt Nam.
 
Bởi vậy, rất có thể việc chọn đối tác chiến lược của Sabeco sẽ không nặng về mục tiêu vươn ra thị trường nước ngoài như nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác khi hợp tác với nước ngoài. Trong khi đó, "khai thác tối đa thị trường Việt Nam" lại là mục tiêu quan trọng nhất của các hãng bia lừng danh thế giới khi bước chân vào Việt Nam.
 
Có lẽ cũng bởi vậy mà việc tìm đối tác chiến lược cho Sabeco càng trở nên khó khăn hơn so với Habeco.
 

Ai sẽ bén duyên cùng Sabeco?

Heineken được xem là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ngành bia Việt Nam khi là cổ đông sáng lập hoặc đang tham gia vào các doanh nghiệp bia như Công ty bia Việt Nam, bia Sông Hàn, bia Foster, bia Dung Quất và bia Quảng Nam. Sản lượng bia năm 2011 nhà sản xuất này tiêu thụ ở Việt Nam là 464 triệu lít, chiếm khoảng 19% thị phần.
 
Tập đoàn Asahi (Nhật Bản) chưa có khoản đầu tư nào tại Việt Nam, dù đây là một trong 4 đại gia sản xuất bia tại Nhật.
 
Sau thương vụ mua lại 50% cổ phần của Vinamilk trong nhà máy bia tại Bình Dương vào năm 2008, Tập đoàn SAB Miller (Hoa Kỳ) vẫn nuôi tham vọng mở rộng thị phần tại Việt Nam.

Hành trình của carlsberg
 
Năm 1993, chính thức bước vào Việt Nam vào khi liên doanh với Công ty bia Việt Hà và quỹ công nghiệp hóa dành cho các nước đang phát triển (IFU) khi thành lập ra Công ty bia Đông Nam Á.
 
Năm 1997 mua lại cổ phần của IFU và đang sở hữu 60% tại Công ty bia Đông Nam Á.
 
Rất nhanh chóng, Carlsberg đã mua lại 50% Công ty bia Huế với giá 1.875 tỷ đồng (tương đương 93 triệu USD) để trở thành 100% vốn nước ngoài. Thương hiệu Huda được trả giá 1.100 tỷ đồng.
 
Liên doanh với Công ty bia Hạ Long (30% cổ phần) và bắt đầu thiết lập mối quan hệ với Habeco.
 
Năm 2007, Habeco và Carlsberg cùng một đối tác khác lập liên doanh bia Hà Nội-Vũng Tàu để sản xuất các nhãn hiệu của Habeco tại thị trường miền Nam. Tỷ lệ nắm giữ của Carlsberg trong liên doanh này xấp xỉ 55%, Habeco là 45%.
 

 
Theo DNSG

Các tin cũ hơn