Thất thu lớn từ chuyển giá

Thứ hai, 10/12/2012, 07:36
Ngân sách đang thất thu lớn từ hàng loạt chiêu trò trốn thuế, chuyển giá của nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại VN.

Đua nhau báo lỗ

Chiếm thị phần lớn tại Việt Nam nhưng Coca-Cola năm nào cũng lỗ 
 
Hoạt động tại VN 18 năm, chiếm lĩnh thị phần nước giải khát khá lớn nhưng Công ty Coca-Cola VN (gọi tắt Coca-Cola) chưa năm nào kê khai có lãi.

 
Theo bà Lê Thị Thu Hương, để xác định hành vi DN có chuyển giá hay không, cơ quan thuế sẽ phải thực hiện thanh tra, kiểm tra, phải xác định được giá vốn của DN bằng cách đối chiếu với các cơ quan thuế nước khác.

Tuy nhiên việc này sẽ phải mất rất nhiều thời gian bởi nguyên vật liệu mà công ty mẹ chuyển cho công ty con là nguyên liệu độc quyền.
 
Theo số liệu từ Cục Thuế TP.HCM, số lỗ lũy kế của Coca-Cola từ khi hoạt động vào năm 1994 đến năm 2006 là 2.736 tỉ đồng. Các năm sau đó, số lỗ của công ty này vẫn tiếp tục tăng thêm và đến năm 2008, lỗ lũy kế vượt qua con số 3.000 tỉ đồng, lên 3.066 tỉ đồng và đến năm 2011, số lỗ lũy kế của đơn vị này lên khoảng 3.700 tỉ đồng.
 
Bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, xác nhận doanh thu của Coca-Cola qua các năm tăng bình quân từ 20 - 30%, doanh thu vượt mức 1.000 tỉ đồng từ năm 2006 nhưng công ty vẫn khai lỗ triền miên. Số lỗ lũy kế đến năm 2006 đã quá số vốn đầu tư gần 500 tỉ đồng.
 
Đầu năm 2012, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra năm tài chính 2006, đơn vị này đã giảm lỗ 72 tỉ đồng, giảm trừ chuyển lỗ quá thời hiệu 889 tỉ đồng. Số lỗ âm cả vào vốn đầu tư nhưng Coca-Cola vẫn liên tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập đoàn này còn tuyên bố sẽ đầu tư mới 300 triệu USD vào VN trong vòng 3 năm tới, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn và các đối tác đóng chai tại VN trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015 lên 500 triệu USD.
 
Không riêng gì Coca-Cola, Công ty Pepsico từ khi vào VN đến năm 2007 cũng khai số lỗ vượt qua 1.000 tỉ đồng. Hàng loạt doanh nghiệp (DN) khác cũng có những biểu hiện tương tự.
 
Đủ mánh khóe
 
Một chuyên gia phân tích, thủ đoạn nâng giá nhập nguyên vật liệu thường gặp ở các DN sản xuất rượu, bia, nước giải khát như Coca-Cola là chiêu thức cổ điển của chuyển giá. Đó là nâng giá nhập cao hơn thực tế sẽ làm tăng giá thành, dẫn đến kinh doanh thua lỗ và DN không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Lỗ hổng để DN lợi dụng là do nền công nghiệp hỗ trợ của VN chậm phát triển, nên hầu hết các nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất của các DN FDI đều phải nhập khẩu từ công ty mẹ hoặc đối tác do công ty mẹ chỉ định, với giá cao hơn giá thực tế.

 
Truy thu hàng trăm tỉ đồng
 
Theo Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm 2012, qua thanh tra, kiểm tra tại 463 DN có dấu hiệu chuyển giá, có giao dịch liên kết và kinh doanh lỗ triền miên, toàn ngành thuế đã truy thu và phạt 253,4 tỉ đồng, giảm khấu trừ qua thanh tra là 47,7 tỉ đồng, giảm lỗ 1.035,5 tỉ đồng.

Trước đó, năm 2011, ngành thuế đã thanh tra chống chuyển giá tại 45.939 DN, xử lý giảm lỗ 4.400 tỉ đồng, truy thu thuế và phạt 1.650 tỉ đồng.
 
Tuy nhiên, hiện nay các DN đang có xu hướng chuyển từ chiêu thức cổ điển sang thủ đoạn tinh vi hơn nhằm đối phó với lực lượng thanh tra thuế. Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, trong quá trình đầu tư vào VN để tiến hành sản xuất kinh doanh, bên nước ngoài thường góp vốn bằng máy móc, công nghệ hiện đại.

Do trong nước chưa có đủ năng lực và trình độ thẩm định nên nhiều dự án bị đối tác nước ngoài định giá thiết bị, công nghệ cao hơn thực tế. Việc này giúp cho bên nước ngoài được hưởng một khoản chênh lệch lớn về giá máy móc, thiết bị.

 
Theo một cuộc điều tra của Bộ Công thương cho thấy, có trên 40 DN thuộc bộ này đã định giá tài sản cố định cao hơn thực tế để góp vốn liên doanh. Điển hình như dây chuyền sản xuất bia của liên doanh BGI ở Tiền Giang do BGI định giá là 30,85 triệu USD, nhưng khi thẩm định lại chỉ còn 23,55 triệu USD.
 
Một chiêu khác cũng được DN sử dụng là hạ giá bán sản phẩm đầu ra cho một công ty liên kết trong nội bộ của tập đoàn.

Trường hợp này thường xảy ra khi công ty mẹ hoặc công ty liên kết bao tiêu sản phẩm. Điển hình như Công ty thực phẩm Huế - DN có 100% vốn của Nhật Bản sản xuất rượu sakê và các loại rượu trắng để xuất khẩu cho công ty mẹ ở Nhật Bản.

Qua kiểm tra cho thấy, doanh thu của công ty năm sau cao hơn năm trước, song lỗ của công ty năm sau cũng cao hơn năm trước. Nguyên nhân bị lỗ là do công ty bán sản phẩm cho công ty mẹ với giá thấp hơn giá thành sản xuất (giá bán 1 lít rượu trắng là 8.480 đồng, trong đó giá thành sản xuất là 26.023 đồng).

 
Cũng có những hành vi chuyển giá thông qua các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ sản xuất, kinh doanh cho bên liên kết tại VN và thu phí bản quyền. Đây là loại hình chuyển giao tài sản vô hình, việc định giá rất khó khăn và mang tính đặc thù, nhưng thường là một loại chi phí chiếm tỷ trọng lớn do khấu hao tài sản cố định vô hình.
 
Ngoài ra, DN chuyển giá thông qua việc hỗ trợ tài chính. Qua thực tế kiểm tra cho thấy, đa phần các DN FDI ở VN vay vốn của các công ty mẹ ở nước ngoài với lãi suất rất cao. Lãi suất tiền vay cao đồng nghĩa với việc giá thành cao, giảm lợi nhuận, thuế thu nhập DN giảm.


Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn