Ngày 18/5, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng ông Dương Chí Dũng để điều tra về hành vi Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trong thời gian ông này làm Chủ tịch HĐQT Vinalines. Tuy nhiên, khi cảnh sát khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Dũng, ông đã vắng mặt bất thường. |
Ngày 19/5 cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã ông Dương Chí Dũng (55 tuổi), nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. |
Quyết định bắt ông Dũng và một số lãnh đạo dưới quyền ở Vinalines được cho là có liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý và sử dụng vốn của Vinalines trong giai đoạn 2007-2010. |
Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi quyết định khởi tố ông Dũng được thi hành thì ông này bất ngờ “biến mất”. Nhiều giả thiết được đưa ra giải thích cho điều này. |
Ngày 5/9, Bộ Công an công bố bắt được Dương Chí Dũng. Kèm theo đó, một số cán bộ của Hải Phòng bị bắt vì nghi ngờ có hành vi che giấu và tiếp tay cho sự bỏ trốn của ông này. |
Ông Dương Chí Dũng (sinh 1957 tại tỉnh Hải Dương) được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Vinalines vào tháng 8/2005. Cuối năm 2006, ông Dũng giữ chức chủ tịch HĐQT Vinalines. Ông Dương Chí Dũng trước khi về Vinalines từng làm Tổng GĐ Tổng Cty Xây dựng Đường thủy (Vinawaco). |
Tháng 8, ông Nguyễn Đức Kiên bị cơ quan điều tra bắt, khởi tố về 3 tội Kinh doanh trái phép, Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. |
Ông Nguyễn Đức Kiên (sinh năm 1964) từng học Đại học Kỹ thuật quân sự - Bộ Quốc phòng, sau đó tu nghiệp Trường kỹ thuật quân sự Zalkamatê, Hungary. Sau 8 năm làm việc trong ngành dệt may, ông bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng và trở thành Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ACB - một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam - khi mới 30 tuổi. |
Năm 2010, trong bản danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam, với số cổ phiếu ACB có trong tay, tài sản của ông Kiên được đánh giá là 805 tỷ đồng. Tổng số cổ phiếu ACB mà gia đình ông Kiên nắm giữ tính tới cuối 2010 đạt giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng. |
Trong lĩnh vực thể thao, ông Nguyễn Đức Kiên là Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF, Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội và thường được gọi là "bầu Kiên". |
18g30 ngày 23-8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng ACB. Ông Hải bị điều tra hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 - Bộ Luật hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. |
Ông Lý Xuân Hải tốt nghiệp bộ môn vật lý lý thuyết Khoa Vật lý Trường Đại học tổng hợp Quốc gia Belarus vào năm 1989. Năm 1993, ông bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành vật lý và toán học. Ông còn có học vị Thạc sĩ kinh tế, chuyên ngành ngân hàng và tài chính, của Trường Đại học ESCP Europe và Trường Đại học Paris-Dauphine. |
Ngày 27/9, Bộ Công an cho biết, 4 bị can Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang bị khởi tố. 4 cựu lãnh đạo ACB bị cơ quan điều tra cho rằng đã ra chủ trương ủy thác cho nhân viên dùng tiền của ACB gửi vào các tổ chức tín dụng sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi của họ là đồng phạm với 2 người bị bắt trước đó là cựu tổng giám đốc Lý Xuân Hải và nguyên phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Nguyễn Đức Kiên. |
Bộ Công an cho biết, quá trình điều tra vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại TP HCM và Hà Nội đã xác định Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt gần 719 tỷ đồng của ACB. Đây là khoản tiền gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP HCM để hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7 đến 8% một năm. |
"Để xảy ra hậu quả thiệt hại này có hành vi cố ý làm trái của một số cá nhân nguyên là lãnh đạo ngân hàng ACB đã ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền VNĐ và USD vào 29 ngân hàng để hưởng lãi suất cao hơn trần lãi suất do ngân hàng Nhà nước quy định", Cơ quan cảnh sát điều tra nhận định. Bộ Công an đánh giá, những việc làm của các thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã sai quy định tại Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư của Ngân hàng Nhà nước. Việc này được cho là gây hậu quả đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh tiền tệ, gây bất ổn chính sách tiền tệ của Chính phủ và trực tiếp gây thiệt hại cho ACB gần 719 tỷ đồng. |
Với ông Trần Xuân Giá, Cơ quan điều tra cho biết "ai có công lao đóng góp cho đất nước thì Đảng và nhà nước ghi nhận, nếu sai phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm hình sự như mọi công dân khác". Ông Trần Xuân Giá từng làm Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 1997-2002. Rời cương vị này, ông làm cố vấn cấp cao của Thủ tướng, rồi ủy viên Hội đồng Quốc gia về giáo dục. Từ 1/10/2006, theo quyết định của Thủ tướng, ông Giá nghỉ hưu, thôi làm Trưởng ban Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. |
Ông gia nhập ACB từ tháng 11/2006, một tháng sau khi nhận quyết định nghỉ hưu. Tháng 3/2008, ACB thông báo Đại hội cổ đông đã bầu cựu bộ trưởng làm Chủ tịch HĐQT. Ngày 16/9, ACB công bố thông tin chấp thuận đơn từ nhiệm của chủ tịch Trần Xuân Giá (73 tuổi) cùng hai Phó chủ tịch HĐQT là ông Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang. |
Theo GDVN