Thêm nghi án Metro lỗ

Thứ ba, 11/12/2012, 13:48
Không chỉ “đại gia” Coca Cola VN thua lỗ không đóng thuế, “đại gia” Công ty TNHH Metro Cash & Carry VN (người dân gọi là siêu thị Metro), sau 11 năm mở rộng đến 19 trung tâm bán sỉ trên cả nước nhưng do lỗ nên đến nay cũng không nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.

Nhiều năm trước, Cục Thuế TP.HCM đã liệt Công ty TNHH Metro Cash & Carry VN vào “danh sách đen” do lỗ từ năm này qua năm khác.

Người dân mua hàng ở Metro An Phú, Q.2, TP.HCM chiều 10-12

 Do mở rộng đầu tư

Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, dù doanh thu tăng liên tục qua các năm nhưng kết quả kinh doanh của công ty này lỗ triền miên.

Cụ thể, năm 2007 doanh thu đạt hơn 6.607 tỉ đồng, nhưng số lỗ là 157 tỉ đồng. Năm 2008 doanh thu vọt lên 8.175 tỉ đồng, số lỗ lên đến hơn 190 tỉ đồng. Năm 2009 doanh thu đạt 8.728 tỉ đồng, số lỗ cũng rất ấn tượng: 160 tỉ đồng.

Từ khi thành lập (2001) đến nay, chỉ duy nhất năm 2010 công ty này khai có lãi 116 tỉ đồng, nhưng do được chuyển lỗ của những năm trước đó nên đến nay doanh nghiệp này cũng chưa đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Đến năm 2011 Metro lại khai lỗ 89 tỉ đồng.

Bà Trần Thị Lệ Nga, cục phó Cục Thuế TP.HCM, phân tích lý do khiến doanh nghiệp này thua lỗ kéo dài là do phải tập trung mở rộng đầu tư. “Theo đề án của Metro ngay từ khi thành lập thì doanh nghiệp này sẽ xây dựng 20 trung tâm bán sỉ trên cả nước. Tiến độ xây dựng rất gấp rút, đặc biệt những năm gần đây có năm Metro mở mới đến hai trung tâm. Tính đến hết năm 2012 Metro đã có 19 trung tâm bán sỉ trên cả nước” - bà Nga cho biết.

Cũng theo bà Nga, khi được cơ quan thuế mời lên làm việc, doanh nghiệp này trình bày rằng chi phí để đầu tư một trung tâm bán sỉ rất lớn, tương đương 300-400 tỉ đồng, bao gồm chi phí đầu tư cho trang thiết bị, tiền thuê đất, đền bù, giải tỏa, quản lý...

“Metro giải thích những năm gần đây do số lượng siêu thị mở mới quá nhiều, cạnh tranh gay gắt nên phải mất trung bình ba năm kể từ khi thành lập mới có lãi. Nhưng khi chi nhánh thành lập trước có lãi phải choàng gánh cho trung tâm thành lập sau. Hơn nữa do tiến độ đầu tư gấp rút, do vậy các trung tâm mở trước choàng gánh không nổi cho trung tâm sau dẫn đến tình trạng thua lỗ kéo dài” - bà Nga kể lại.

Metro cũng nói rằng việc liên tục đầu tư mở rộng đã nằm trong đề án từ khi thành lập, hơn nữa thời gian rất gấp rút vì giấy phép hoạt động của Metro chỉ có 50 năm.

Trong giấy phép hoạt động cũng ghi rõ rằng Metro được cấp phép hoạt động theo từng giai đoạn cho đến khi xây dựng hoàn chỉnh. Do vậy những năm qua doanh nghiệp này cứ đầu tư gối đầu, đầu tiên mở Metro Bình Phú (quận 6, TP.HCM), năm đầu tiên mở cửa trung tâm này lỗ, năm sau đó có lời. Vừa có lời lại mở Metro An Phú (quận 2), năm 2004 lại mở Metro Hà Nội. Đến năm 2005 Metro Cần Thơ ra đời. Năm 2006 đến lượt Metro Hải Phòng. Cá biệt năm 2007 nơi này cho ra đời hai trung tâm bán sỉ ở Đồng Nai và Hà Nội.

Đầu tư bằng vốn đi vay 

Do nhiều năm thua lỗ, đến nay Metro Cash & Carry VN đã lỗ lũy kế 598 tỉ đồng, sau khi chuyển lỗ qua các năm thì đến năm 2012 số lỗ còn 254 tỉ đồng trên tổng vốn đầu tư ban đầu là 78 triệu USD. Do thua lỗ kéo dài nên thời gian qua doanh nghiệp này mới chỉ nộp thuế giá trị gia tăng, môn bài, tiền thuê đất, thuế nhà thầu. Còn thuế thu nhập doanh nghiệp cơ quan thuế chưa thu được đồng nào.

Theo bà Nga, năm 2010 Tổng cục Thuế đã thành lập đoàn đi kiểm tra tại Metro, kết quả cho thấy kê khai đầy đủ, bán hàng có xuất hóa đơn, có thuế nhà thầu, riêng thuế thu nhập doanh nghiệp còn lỗ.

Trả lời câu hỏi liên tục thua lỗ như vậy thì vốn ở đâu để doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư mở rộng trong khi chi phí đầu tư một trung tâm bán sỉ không hề nhỏ, lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết Metro Cash & Carry VN giải trình rằng việc đầu tư dựa trên nguồn vốn vay từ một ngân hàng châu Âu và một tổ chức tài chính của Đức.

Về nghi án kê đội giá trang thiết bị để nâng khống vốn đầu tư, Cục Thuế TP.HCM cho biết việc nhập thiết bị lạnh Metro ký hợp đồng trực tiếp với một đối tác ở Hong Kong, Singapore chứ không thông qua công ty mẹ và cũng không nhập khẩu từ công ty mẹ. Riêng việc có giao dịch liên kết với những đối tác này hay không thì Cục Thuế sẽ kiểm tra lại.

Phát triển chóng mặt

Tại lễ kỷ niệm 10 năm vào VN hồi tháng 4-2011, ông Randy Guttery, tổng giám đốc Metro Cash & Carry VN, cho biết sau 10 năm đi vào hoạt động, mô hình bán sỉ Metro Cash & Carry đã mở rộng đến 10 tỉnh thành trên cả nước và phục vụ hơn 1 triệu khách hàng làm kinh doanh tại VN, với 13 trung tâm bán sỉ và hơn 3.500 nhân viên.

Tuy nhiên, tính đến tháng 12-2012, con số này đã vọt lên 19 trung tâm trải khắp cả nước với tốc độ trung bình mỗi năm mở thêm 3-6 địa điểm mới, hiện diện ở 14 tỉnh thành, trong đó TP.HCM và Hà Nội mỗi nơi có ba trung tâm và vị giám đốc này cho rằng đó là thành công đáng mừng.

Theo đại diện của Metro, trung tâm Metro Cash & Carry là mô hình kinh doanh chính là phân phối sỉ tự phục vụ, chỉ có khách hàng làm kinh doanh mới được mua hàng tại đây, tất cả khách hàng cần được đăng ký và được cấp thẻ. Điều này có nghĩa Metro không phục vụ nhu cầu người tiêu dùng cá nhân.

Bán buôn nhưng ngấm ngầm bán lẻ

Mặc dù theo quy định, Metro chỉ được phép bán buôn, trong đăng ký kinh doanh cũng ghi rõ như vậy, nhưng trên thực tế hệ thống bán sỉ này đang ngấm ngầm bán lẻ, đẩy nhiều nhà phân phối của VN vào khó khăn...

 

Tại Metro Thăng Long, Hà Nội người dân không cần thẻ vẫn có thể vào mua hàng.

Khi mới vào VN, hãng phân phối Metro đăng ký là một nhà bán buôn, tức chỉ bán cho các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, những hộ kinh doanh... Để thực hiện phương thức bán buôn, Metro thực hiện làm thẻ cho khách hàng của mình. Tuy nhiên, từ chỗ cho phép người có thẻ được cho hai người đi kèm, đến nay rất nhiều người phản ảnh vào các siêu thị Metro hoàn toàn... không cần thẻ.

Có mặt tại siêu thị Metro Hà Đông (Hà Nội) lúc 10g55 ngày 10-12, chúng tôi chứng kiến hàng đoàn khách vào mà không hề bị kiểm tra. Tại cửa vào duy nhất của siêu thị, cô nhân viên kiểm tra thẻ này chỉ đi qua lại như một bảo vệ dễ tính, không hỏi bất cứ vị khách nào. Trong hơn 1 phút đã có gần 10 người đi vào, và kết quả không ai trình thẻ cũng như không ai bị hỏi thẻ.

Khi chúng tôi trực tiếp đi vào, hỏi “không có thẻ có vào được không?”, cô nhân viên trả lời thẳng thắn: được. Cô giải thích cặn kẽ chỉ khi nào có đoàn kiểm tra thì mới kiểm tra thẻ, còn lại khách hàng cứ vào tự nhiên. Để khách mua sắm yên tâm, cô nhân viên kiểm tra còn thông báo thêm khi thanh toán tiền, nhân viên thu ngân sẽ có “thẻ mềm” để thanh toán giúp. Nghĩa là khách hàng không cần có thẻ vẫn... vô tư.

Và kết quả đúng là sau khi mua hàng hóa, đến khi ra thanh toán, hỏi nhân viên thu ngân “không có thẻ có thanh toán được không?”, cô này cũng chắc nịch “không sao”. Và chỉ 1 phút, khách hàng không có thẻ đã thanh toán xong và được phát hóa đơn giống như tất cả khách hàng có thẻ khác. Chỉ khác là tên người mua trên hóa đơn không... chính chủ.

Trao đổi với PV, ông Trần Nguyên Năm, vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), xác nhận Metro đăng ký kinh doanh ở VN theo hình thức bán buôn, tức chỉ bán cho cơ sở kinh doanh để các cơ sở kinh doanh này bán lại cho người tiêu dùng. Do đó, nếu Metro cho phép tất cả người dân vào mua hàng mà không cần thẻ là sai quy định, vi phạm.

Ông Phạm Sỹ Chung, vụ phó Vụ Kế hoạch Bộ Công thương, cũng xác nhận các vụ, cục của Bộ Công thương vừa đi kiểm tra Metro Hà Đông. Kết quả hiện đang được tổng hợp. Tuy nhiên, ông Chung cũng khẳng định lại Metro chỉ được phép bán buôn, không được phép bán lẻ tại thị trường VN.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, nếu trong trường hợp phát hiện đúng là Metro bán lẻ thay vì bán buôn theo giấy phép kinh doanh thì việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà bán lẻ của VN. Sự ảnh hưởng này, theo bà Loan, có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của các siêu thị, nhà bán lẻ trong nước. Vì vậy theo bà Loan, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra. Trong trường hợp đã phát hiện cần xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

 

 

Theo Tuổi Trẻ

Các tin cũ hơn