Giết mổ gia cầm, thu nhập... khủng

Thứ ba, 11/12/2012, 15:34
Được hỗ trợ bởi các công cụ làm sạch siêu tốc: Máy móc, hóa chất... khiến công đoạn làm lông gà, vịt được rút ngắn siêu nhanh, giúp người làm dịch vụ kiếm được bộn tiền.

Thời gian gần đây, hàng loạt những thông tin về tình trạng gia cầm làm sẵn bị bơm nước, tẩm hóa chất cho nặng cân khiến các bà nội trợ e dè với mặt hàng này. Với sự chuyên nghiệp, thái độ phục vụ tận tình của các “chuyên gia” giết mổ, các bà nội trợ có thể hài lòng với dịch vụ giết mổ, làm sạch lông nhanh gọn chỉ trong vòng vài phút mà giá lại rất "mềm"?!

Vặt lông, làm lòng... kiếm tiền triệu

Khảo sát ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội), PV ghi nhận, tại mỗi khu chợ đều có 1 - 2 cửa hàng kinh doanh dịch vụ làm sạch lông, giết mổ gà, vịt, ngan...

Chị Thu (một đầu mối cung cấp gà ở chợ Dịch Vọng - Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết: Các cửa hàng chuyên bán gà, vịt bao giờ cũng kèm luôn khâu giết, mổ thuê. Đặc biệt, những dịp cao điểm (cuối tháng), nhiều người có quan niệm ăn vịt "giải đen" nên khách đến thuê làm càng đông.

Theo quan sát của PV, chưa đầy 10 phút đã có khoảng 5 người mua và thuê mổ, vặt lông tại chỗ với giá 10.000 - 15.000 đồng/con.

gia cầm, gia súc
Cảnh giết mổ gà, vịt ở chợ Dịch Vọng, Cầu Giấy.

Có những hôm cao điểm, một mình làm không xuể, mặc dù có máy móc trợ giúp, chị Thu phải huy động cả gia đình tham gia. Thu nhập ngày cao điểm có thể lên tới gần 2 triệu đồng, chưa kể lãi lời từ việc bán gia cầm sống cho khách. Chị Thu cho biết thêm, số lượng gia cầm bán cho khách lẻ mỗi ngày vài chục con, những hôm có khách lấy số lượng nhiều nên hầu như cả gia đình đều quanh quẩn ở chợ phục vụ khách để kiếm tiền. Đây là thu nhập chính của gia đình chị.

Khác với chị Thu, chị Hà (chợ Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) chỉ chuyên về làm lông, giết mổ gia cầm. Chị Hà cho biết, đặc trưng của chợ ngoại thành là người bán đa phần không chuyên nghiệp. Có những người đem ra chợ chỉ vài ba con gà, đôi chục trứng, vài mớ rau vườn nhà, ăn không hết mang bán. Vì thế họ không có sẵn đồ nghề để giết mổ. Chị Hà mở dịch vụ này đã 4 năm nay.

Chị kể, trước đây chưa có máy trợ giúp làm sạch lông gà, vịt, chị phải làm hoàn toàn bằng tay. Tuy nhiên, nay chỉ cần đầu tư một bếp than tổ ong, một nồi to để đun nước sôi, một con dao nhíp nhỏ dùng để xử lý lông măng... là đã có thể ung dung hành nghề.

Chị nhớ thời gian đầu làm công việc này đến tối về nhà mười đầu ngón tay gần như trợt hết da do ngâm nước nhiều và mỗi ngày cũng chỉ có thể làm được 15 - 20 con. Sau này, người đến thuê làm lông ngày càng nhiều nên chị quyết định đầu tư hơn 5 triệu đồng mua một chiếc máy vặt lông gia cầm của Malaysia.

Chị Hà hồ hởi khoe: "Sau khi nhúng nước với nhiệt độ xấp xỉ 100 độ C, gia cầm được cho vào máy, khởi động chạy trong khoảng 5 phút là hoàn thành công đoạn vặt lông. Lúc đó, mình chỉ việc làm sạch lòng mề là có thể giao cho khách". Mỗi con chỉ mất từ 10 - 20 phút". Chị bật mí thêm, từ ngày có máy móc hỗ trợ, chị có thể nhận 40 - 50 con/ngày, thu nhập "bèo" nhất cũng khoảng 300.000 đồng/ngày trở lên.

Còn đối với các đầu mối lớn ngoài chợ, hầu hết khi cung cấp gia cầm họ đều kiêm thêm dịch vụ làm lông tại chỗ. Phí dịch vụ này đều được tính ngoài tiền mua gia cầm. Tuy nhiên, chị Thu cho biết, đối với những khách hàng quen, thường đặt với số lượng lớn, cửa hàng sẽ miễn phí khâu làm lông, giết mổ để giữ chân khách...

Mổ gà "siêu tốc" nhờ... hoá chất lạ

Chị Thu cho biết thêm, trước đây, chị cũng học theo một số chủ tại các chợ đầu mối sử dụng thứ hóa chất làm sạch gia cầm "siêu tốc". Hoá chất này có tên là "sáp thông". Chỉ cần một nồi hóa chất pha chế sẵn là có thể làm sạch lông cả vài chục con. Do đây là thứ hóa chất cực mạnh nên người bán có phần nhàn hơn cách làm thủ công hay bằng máy tuốt bởi "gà vịt làm sạch lông theo kiểu này trông đẹp mắt và hấp dẫn người tiêu dùng" - chị Thu nói.

Cận cảnh xô hóa chất lạ để nhúng gà vịt.

Tuy nhiên, nếu chưa quen liều lượng pha chế, hóa chất sẽ len lỏi tới từng lỗ chân lông và đông cứng lại. Khi người bán lột lớp hóa chất này nếu không cẩn thận sẽ lột cả da của gia cầm. Từ ngày bộ Y tế ban hành chỉ thị cấm sử dụng thứ hóa chất độc hại này, cửa hàng chị lại quay về với công nghệ máy làm lông quen thuộc. Chị nói: "Mặc dù không làm sạch được như cách dùng hóa chất nhưng làm bằng máy sẽ đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng hơn".

Mặt khác, cửa hàng chị còn là nguồn cung cấp mối gà cho tiệc cưới của một số nhà hàng, khách sạn nên vấn đề an toàn thực phẩm luôn đặt lên hàng đầu. Có những ngày, khách đặt nhiều, chị làm không hết việc, thậm chí có hôm phải huy động cả gia đình cùng làm mới kịp hàng giao cho khách. "Với số lượng lớn như thế, thường giá tiền công giết mổ được tính luôn vào giá nhập cho khách. Còn với khách quen, mình cũng thường khuyến mại công làm để giữ khách", chị nói.

Theo chị Thu, để mua được thứ hóa chất này không khó, người bán chỉ việc mua nhựa thông được bày bán rộng rãi tại các chợ với giá 60.000 - 80.000 đồng/kg. Muốn tạo thêm độ bóng cho gà, vịt sau khi làm lông thì có thể mua thêm sáp với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg về trộn lẫn vào nhau theo tỉ lệ 3:1 là có thể ung dung được một nồi hóa chất hoàn hảo để làm sạch vài chục con trong thời gian ngắn.

Một chủ cửa hàng gia cầm khác cho biết, với loại "hóa chất" này, chị có thể giảm được thời gian và tăng năng suất mổ gia cầm. Nhúng vào hóa chất này chỉ khoảng 2 - 3 phút là làm sạch lông một con gia cầm. Phương pháp này "siêu tốc" hơn cả máy móc, bởi khả năng làm sạch tận gốc của nó.

Khi thấy PV tỏ ra lo ngại về thứ hóa chất tẩy "siêu tốc" có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, chủ cửa hàng trả lời tỉnh queo: "Sau khi nhổ lông, gà và vịt đều được rửa sạch sẽ, nước rửa sẽ làm trôi hết hàm lượng "hóa chất" trên gia cầm. Nếu còn chút nào dính trên thịt gia cầm thì khi nấu nướng ở nhiệt độ cao thì độc hại cỡ nào cũng được tiêu diệt hết".

Tuy nhiên, chủ cửa hàng này cho biết thêm, từ ngày lực lượng quản lý thị trường thường xuyên nhắc nhở xử lý những trường hợp sử dụng hóa chất để làm sạch lông gà, vịt "siêu tốc", hầu hết các cửa hàng đều không dám sử dụng hoá chất hoặc nếu có dùng thì cũng lén lút. Nói rồi chủ cửa hàng hạ giọng thì thầm cho biết: "Cấm thì cấm, chứ gà vịt làm sẵn bày bán ngoài kia vẫn toàn bị dùng hóa chất để làm lông cho nhanh!". 

"Hoá chất lạ" dễ tìm mua

Được biết, loại "hóa chất lạ" này là sản phẩm pha trộn từ nhựa thông và sáp. Nhựa thông là phần còn lại sau khi đã tinh chế cây thông để thu tinh dầu. Nhựa thông chứa 70% colofan, thường dùng làm keo. Keo này được dùng trong công nghệ sản xuất giấy.

Nhựa thông cũng được kết hợp với phụ gia khác để làm keo dán giày dép và dùng trong việc hàn các vi mạch điện tử. Còn dầu thông được dùng làm thuốc khử trùng, tẩy uế và thuốc diệt cỏ.

 

Theo NĐT

Các tin cũ hơn