Bán quan tài cũng... khuyến mãi
Là chủ một cửa hàng bán quan tài vào dạng lớn trên đường Phùng Hưng, nhà anh Trung không trực tiếp sản xuất mà lấy hàng từ các xưởng ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Khi có khách đặt hàng thì anh cũng đặt những người thợ ở dưới đó rồi thuê xe chở về. Có thâm niên trong nghề bán quan tài hơn 10 năm nay nên anh Trung nắm rõ về mặt hàng “nghe mà đã ớn lạnh” này.
Cũng giống như bao mặt hàng, ngành nghề khác, quan tài (hay còn được gọi là Trại hòm – PV) cũng có mùa làm ăn riêng. Theo anh Trung, vào mùa đông, mùa xuân hàng năm chính là “thời gian cao điểm” của những người bán quan tài khi số người chết tăng lên đột biến.
Khi được hỏi nguyên nhân cho điều này thì anh Trung lý giải: Có lẽ, trời lạnh, mùa đông khô hanh, mùa xuân ẩm thấp, thời tiết khắc nghiệt nên có nhiều người già sức đề kháng kém không chịu được nên đã “qua đời”.
Mỗi chiếc quan tài được anh Trung bán ra có giá khác nhau, tùy vào từng loại gỗ và kiểu dáng. Theo anh Trung, tuy năm nay kinh tế khó khăn là thế nhưng thị trường mặt hàng quan tài không bị ảnh hưởng nhiều. Số lượng người đến cửa hàng anh không giảm đi so với những năm trước.
Thậm chí, tháng 11 vừa rồi anh cón bán được 25 chiếc, nhiều hơn so với tháng 11 năm ngoái và nhiều hơn 2 tháng trước đó cộng lại.
Mỗi chiếc quan tài, cái rẻ nhất cũng phải 4,5 triệu đồng, cái đắt nhất cũng phải vài chục triệu. Anh Trung cho biết: “Đấy là những loại quan tài đã đóng sẵn, còn những loại mà khách hàng qua đặt giống như mong muốn, ý tưởng của mình thì giá còn cao hơn nữa. Năm kia có vợ chồng đến đặt chiếc quan tài kiểu cổ của người châu Âu, bọn anh phải làm gần 10 ngày mới xong…giá 128 triệu đồng đấy em ạ”, anh Trung vừa nói vừa lắc đầu tỏ vẻ ngao ngán.
Khi được tôi hỏi về lợi nhuận anh Trung thu được từ công việc bán quan tài của mình, anh khẽ mỉm cười trông có vẻ bí hiểm: “Cũng đủ ăn đủ tiêu thôi em ạ. Nhiều khi hàng ế ẩm phải có thêm những chiêu trò khuyến mại như những mặt hàng khác thì mới bán được hàng.
Nhưng anh không nói vì đây là đặc điểm riêng của mỗi cửa hàng để nhằm thu hút khách, chỉ nói cho khách mua hàng thôi”. Tuy thế, nhìn vào ngôi nhà 5 tầng khang trang ngay bên cạnh mà gia đình anh đang sống cùng với những thứ tiện nghi sang trọng bên trong thì cũng đủ biết được đằng sau nụ cười bí hiểm của anh Trung là điều gì?!
Những chiếc quan tài như thế này có giá từ 5 triệu - 15 triệu đồng nhưng vẫn có nhiều lượt người mua. |
Tò mò về những chiêu trò khuyến mại của mặt hàng quan tài, tôi sang một cửa hàng bán quan tài khác ngay cạnh đấy để tìm mua một chiếc. Người phụ nữ chủ cửa hàng tên Hoa, khoảng 40 tuổi, niềm nở trước khuôn mặt tỏ vẻ buồn rầu của tôi.
Cô cho biết, tại cửa hàng nhà mình có bán đầy đủ các loại quan tài, nếu tôi cần loại nào cũng có trong vòng 2 ngày vì nhà cô nuôi đến 5 người thợ “ăn xong chỉ việc đóng những chiếc quan tài theo yêu cầu của khách”. Tôi vào xem từng chiếc một, rồi có vẻ chần chừ từng cái một.
Bà chủ tươi cười nói luôn: “Cháu cứ xem thoải mái đi. Như cái này thì cô khuyến mại vải sô gai, khăn trắng. Còn những cái có giá từ 15 triệu trở lên thì còn đi kèm cả vòng hoa, câu đối mà cửa hàng tặng cho người dùng để tỏ lòng hiếu lễ. Và có như thế người chết mới phù hộ cho cửa hàng”.
Theo cô Hoa, năm nay số lượng người đến mua hàng không sụt giảm so với năm ngoái. Không những thế, trong những ngày đầu tháng 12 này cửa hàng nhà cô luôn có khách tới hỏi mua, đã bán được 15 chiếc.
“Hiếm có người mua những chiếc giá từ 20 triệu đồng trở lên. Thường họ chỉ mua những chiếc có giá từ 5 triệu – 15 triệu đồng. Những chiếc quan tài ấy thường được đóng bằng gỗ Sồi, gỗ Da… Còn với nhà nào giàu, có nhu cầu chơi sang thì kiểu khác, sang trọng hơn. Tất cả đổi sang gỗ Gụ màu nâu đen lông chuột trắng muốt”, cô Hoa nói.
Thưởng Tết “2 tháng lương”
Vì đặc thù của công việc, nên những người thợ đóng quan tài bận quanh năm, suốt tháng. “Cứ có người chết là phải dùng đến nó, mà đây là thứ không thể chậm trễ được nên chúng tôi cố gắng đóng xong sớm nhất trong thời gian có thể”, anh Cao Văn Thành (Thanh Hóa), người thợ mộc chuyên đóng quan tài trên đường Đê La Thành cho biết.
Thấy nhiều người nói năm nay kinh tế khó khăn là thế, các mặt hàng ế ẩm, khó bán nhưng với mặt hàng quan tài mà anh Thành đang làm thì dường như không bị ảnh hưởng khi mà có ngày đội thợ của anh phải làm đêm để đóng cho xong những chiếc quan tài khách hàng đặt. Hay bình thường thì bọn anh cũng phải làm việc ít nhất 10 tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ.
Anh Thành đã làm việc tại cửa hàng được 4 năm. Ban đầu cũng chỉ là học việc nhưng dần thấy nghề đóng quan tài cũng sẵn việc, “thu nhập cũng chẳng đến nỗi nào” nên anh quyết định ở lại cửa hàng để tiếp tục công việc “lo hậu sự” cho người đã chết. Anh Thành chia sẻ: “Mỗi tháng được chủ cửa hàng trả lương 7 triệu/ tháng, nuôi ăn ở tại cửa hàng làm việc”.
Theo anh Thành, tiền thưởng vào các dịp lễ Tết của những người làm nghề như các anh không cố định. Điều này còn tùy thuộc vào tính cách của chủ cửa hàng và tình hình buôn bán của cửa hàng mình. Những tháng làm ăn ế ẩm thì “chẳng thêm được đồng nào” nhưng có tháng bán được hàng, chủ cho anh em thêm tiền để sinh hoạt.
Những năm trước anh Thành được chủ cửa hàng cho tiền tàu xe về quê, cùng với đó là 3 triệu đồng tiền thưởng Tết. Mới đây, chủ cửa hàng hứa sẽ thưởng cho bọn anh mỗi người 2 tháng lương nếu như từ giờ đến cuối năm làm ăn khấm khá.
Tại một cửa hàng bán quan tài khác trên đường Đê La Thành - Hà Nội, anh Phạm Văn Hiến, quê Hòa Bình đã trở thành “thợ cứng” với thâm niên gần 7 năm trong nghề đóng quai tài của mình.
Anh Hiến bảo anh không quan tâm đến chuyện thưởng Tết vì cái đó còn “tùy hứng” vào chủ cửa hàng. Mỗi tháng công việc đóng quan tài đem lại thu nhập cho anh 7 triệu/ tháng. Cùng với tiền trách nhiệm quản lý thêm 4 người thợ ở đây, hàng tháng số tiền lương mà anh nhận được cũng vào khoảng 10 triệu đồng.
Số tiền ấy cũng đủ cho cuộc sống sinh hoạt trên này của anh cùng với người vợ và 3 người con đang độ tuổi ăn học ở quê.
Theo Phụ Nữ Today