Việc thu phí sử dụng đường bộ sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2013 nhưng phải 10 năm nữa mới có thể có đường tốt. Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, đã khẳng định như trên với lãnh đạo các Sở GTVT và Trung tâm Đăng kiểm các tỉnh phía Nam tại hội nghị triển khai thu phí sáng 19/12.
Không có hàng hoặc rơmoóc, sơmi rơmoóc bị hư hỏng buộc phải xếp lớp nằm bãi thì chủ phương tiện phải có trình báo, chứng nhận để được miễn thu phí. |
Đã lùi rồi, không thể lùi nữa
|
Năm 2013, chưa phạt người chưa đóng phí Theo Nghị định 71 (đã có hiệu lực thi hành từ 10-11-2012), người không đóng phí sử dụng đường bộ mà vẫn cho xe máy lưu thông sẽ bị phạt 800.000-1,2 triệu đồng; ô tô thì bị phạt 6-10 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đang soạn thảo văn bản kiến nghị chưa xử phạt vi phạm trên trong năm 2013. Bởi vì xe ô tô phải đến chu kỳ đi kiểm định thì mới đóng phí nên với nhiều xe phải đến 2014 mới đến hạn kiểm định. Với xe mô tô, do việc thành lập các hội đồng quỹ ở các địa phương và việc triển khai thu còn chậm, chưa xác định được thời điểm bắt đầu thu phí. Mặt khác, trong thời gian tới phải thực hiện tuyên truyền trong dân trước rồi mới xử phạt sau… |
|
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, tháng 3/2012, Chính phủ ban hành Nghị định 18 về quỹ bảo trì đường bộ, trong đó quy định việc thu phí sử dụng đường bộ sẽ bắt đầu từ ngày 1/6/2012. Sau đó, do tình hình kinh tế khó khăn, Bộ GTVT kiến nghị và Thủ tướng đã cho lùi thời hạn đến ngày 1/1/2013 mới thu.
Đến nay, Thủ tướng đã có quyết định về cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý quỹ ở trung ương, Bộ Tài chính đã có thông tư hướng dẫn mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường theo đầu phương tiện, Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tập huấn nghiệp vụ thu phí cho tất cả các trung tâm đăng kiểm trên cả nước…
Do đó, việc thu phí đối với ô tô sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2013. “Chúng ta đã lùi rồi nên không thể tiếp tục lùi nữa, lùi mãi biết đến bao giờ mới thu trong khi cầu đường ngày càng xuống cấp, cần sớm có tiền duy tu, bảo trì!” - ông Trường nói.
Cũng theo ông Trường, hiện cả nước có 35 triệu xe máy và khoản thu phí sử dụng đường bộ từ đối tượng này là không nhỏ.
Tuy nhiên, hội đồng quỹ ở nhiều địa phương chưa được thành lập, mức thu phí mô tô chưa được HĐND một số tỉnh, thành quyết nghị. Khi nào hai vấn đề trên được giải quyết thì các địa phương bắt đầu thu phí đối với mô tô nhưng thời điểm truy thu vẫn tính từ ngày 1/1/2013.
“Nguồn thu từ xe máy sẽ để lại cho các địa phương duy tu, bảo trì, nâng chất lượng các tuyến đường do mình quản lý (tỉnh lộ, huyện lộ, đường đô thị…). Tỉnh, thành nào chậm triển khai thu thì chậm có tiền!” - ông Trường cho biết.
Có thể thu theo tháng
Theo quy định, việc thu phí ô tô theo chu kỳ đăng kiểm 3-6-9 tháng hoặc một năm… Theo ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP, quy định trên là không phù hợp với Pháp lệnh Phí và lệ phí. Bởi bốn lẽ:
1- Phí chỉ được thu khi người dân sử dụng cầu, đường;
2- Theo thông lệ hiện hành việc nộp thuế, phí được thực hiện theo tháng, trong nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp có khó khăn còn được “ân hạn” bằng cách chậm nộp, nộp sau;
3- Khi phải nộp phí trước rồi sau đó ba, sáu hoặc trên 12 tháng người dân, doanh nghiệp mới cho xe ô tô sử dụng cầu, đường là hình thức Nhà nước chiếm dụng tiền của dân;
4- Thu phí theo chu kỳ kiểm định xe dài như trên thì nhiều doanh nghiệp sẽ rất khó khăn vì số tiền đóng quá lớn, nhất là với các doanh nghiệp có hàng trăm xe… Từ đó, ông Dinh đề nghị có thể cho đóng phí theo từng tháng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, đề nghị trên có thể thực hiện được khi giữa doanh nghiệp và cơ quan đăng kiểm có hợp đồng ràng buộc trách nhiệm nộp theo tháng và chế tài khi chậm nộp.
Còn ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết theo chu kỳ kiểm định, các loại xe ô tô có thể kiểm định tại bất cứ trung tâm đăng kiểm nào trên toàn quốc và đóng phí sử dụng đường bộ tại trung tâm đó, không phải quay về trung tâm đang quản lý hồ sơ gốc.
Đại tá Lê Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn, đặt câu hỏi: “Các xe đầu kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc có đăng kiểm và đăng ký chạy trong các cảng, kho bãi (nội bộ) có phải đóng phí sử dụng đường bộ không?”. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trả lời là không. Nhưng các cảng, kho bãi phải thông báo với cảnh sát giao thông về số xe chạy trong “nội vùng” trên và nếu các xe này chạy ra ngoài đường thì phải đóng phí như các xe khác.
Không “tát nước theo mưa”
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng mức thu áp dụng 11 nhóm đối tượng có thể đem lại “lợi ích” cho một số người.
Ví dụ những cá nhân đứng tên xe dưới 10 chỗ và đang kinh doanh taxi tại các hợp tác xã thì sẽ đóng phí thấp hơn xe cùng loại nhưng đứng tên công ty (130.000 đồng/tháng so với 180.000 đồng/tháng).
Ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho rằng một chính sách, quy định không thể “phủ đều khắp” các nhóm đối tượng. Mặt khác, sự “vênh nhau” giữa hai đối tượng trên là có chú ý đến đặc thù kinh doanh của các loại hình, thành phần kinh tế.
Cũng theo ông Thanh, phí sử dụng đường chưa hẳn là “gánh nặng” với các doanh nghiệp vì tới đây họ sẽ đưa phí này vào để tính toán lại giá vận tải và ký hợp đồng mới với khách hàng. “Tuy nhiên, đây không phải là dịp để các doanh nghiệp tát nước theo mưa, đẩy giá cước vận tải lên quá cao!” - ông Thanh nói.
Họ đã nói 10 năm nữa mới có đường tốt! Người dân, doanh nghiệp không thể đòi hỏi hễ đóng phí sử dụng đường bộ rồi là có đường tốt để đi ngay. Vì phí chỉ là một phần trong quỹ bảo trì đường bộ (ngoài nguồn ngân sách và các khoản thu khác liên quan đến đường bộ như thu quảng cáo, cho thuê đặt cáp ngầm…). Mặt khác, có nguồn thu từ phí rồi thì còn phải có kế hoạch chi duy tu, bảo trì ở từng đoạn, tuyến đường. Vì vậy, hy vọng phải 10 năm nữa mới có hệ thống đường bộ tốt, êm thuận để đi! |
Theo PLTP