K-Pop đi ra, đô-la quay về

Thứ ba, 18/12/2012, 11:58
Việc xuất khẩu các sản phẩm văn hóa như phim ảnh, ca nhạc đã giúp thúc đẩy nhanh nền kinh tế Hàn Quốc.

Hallyu, hay còn gọi là Làn sóng Hàn Quốc, bắt đầu thâm nhập châu Á từ những năm cuối thập kỷ 1990. Và chỉ mất chưa tới 2 thập kỷ, làn sóng này đã thống trị châu Á và vươn ra toàn thế giới.

Tuy nhiên, điểm quan trọng là sự lưu tâm và quyết tâm phát triển xu hướng này của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc.

Từ năm 1999, phóng viên Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng cụm từ “Làn sóng Hàn Quốc” để chỉ cơn sốt phim và ca nhạc Hàn Quốc bắt đầu gây ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa nước này. Từ Hallyu, từ đó, được sử dụng khắp nơi trên thế giới, để mô tả một xu hướng, một lối sống và cũng để chỉ một cách phát triển kinh tế và thúc đẩy xuất khẩu.

Từ những năm 1997-1998, khi cuộc khủng hoảng tài chính nhấn chìm Đông Á trong suy thoái, tổng sản phẩm nội địa Hàn Quốc giảm 7%. Chính phủ Hàn Quốc nhận ra rằng có một cách để gây ảnh hưởng tới kinh tế, đó là xuất khẩu các sản phẩm văn hóa như phim ảnh, ca nhạc.

Các đại diện quảng bá thương mại tại nước ngoài của Hàn Quốc đã nhận được hàng triệu đô-la đầu tư từ Chính phủ và hiệu quả nhận lại cũng thật tương xứng. Theo ước tính, năm 2011, Hallyu đã làm tăng thêm 3,8 tỉ USD xuất khẩu hàng hóa Hàn Quốc.

Hallyu 

 Nhóm nhạc T-ara của Hàn Quốc được yêu thích nhất hiện nay trong làng nhạc K-pop.

Theo báo cáo của một cơ quan Hàn Quốc chuyên thúc đẩy hoạt động nghệ thuật và sáng tạo ra nước ngoài, trong quý đầu tiên của năm tài khóa 2012, hoạt động âm nhạc có giá trị xuất khẩu 45 triệu USD, tạo ra hơn 78.000 việc làm; game có giá trị xuất khẩu 615 triệu USD và tạo ra hơn 97.000 việc làm. Điều này cho thấy tác động mạnh mẽ của văn hóa lên kinh tế và còn giúp chống thất nghiệp.

Lý giải nguyên nhân của thành công này, các nhà phân tích cho rằng phim truyền hình Hàn Quốc đã có bước thâm nhập quan trọng, góp phần đặt nền móng cho sự du nhập của làn sóng Hàn Quốc vào các nước.

Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000 của thế kỷ này có nhiều bộ phim Hàn Quốc dài tập rất được yêu thích.

Bước tiếp theo sau những bộ phim này, là cả một chiến lược xuất khẩu văn hóa bài bản và có sự tương thích cao với thị hiếu của khán giả nước ngoài. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của internet và các mạng xã hội, văn hóa Hàn Quốc, trong đó có các ban nhạc, có điều kiện quảng bá, tiếp cận tốt hơn khán giả khắp nơi trên thế giới.

Du lịch Hàn Quốc phát triển là một tất yếu, sau khi phim ảnh và ca nhạc đã thống trị châu Á. Con số du khách hằng năm tăng tới hàng triệu. Du khách Nhật, Trung Quốc và các nước ở Đông Nam Á đã coi Hàn Quốc là một trong những điểm đến yêu thích, xuất phát từ những bộ phim, video ca nhạc hấp dẫn của Hàn Quốc.

Một điều nữa cần nhắc tới là ngành công nghiệp phim ảnh và ca nhạc ở Hàn Quốc cũng được ưu tiên phát triển và phát triển ở một trình độ rất cao. Thu nhập của các diễn viên Hàn Quốc cũng khá cao. Diễn viên nam Bae Yong Joon, vai chính trong bộ phim nổi tiếng “Bản tình ca mùa đông”, được trả 5 triệu USD một phim, vượt xa các diễn viên nổi danh khác ở châu Á. Theo thống kê từ giữa những năm 2000, 10 diễn viên nam hàng đầu Hàn Quốc có thu nhập 1 năm không dưới 10 triệu USD, chưa kể thu nhập từ quảng cáo.

Ngày nay, K-pop, nhạc Hàn Quốc cùng các ban nhạc thần tượng của giới trẻ đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả trên toàn thế giới. Các ban nhạc Hàn Quốc ngày nay đi lưu diễn khắp nơi, tham gia các buổi trò chuyện trực tuyến với những người dẫn chương trình hàng đầu và xuất hiện trên các kênh truyền hình quốc tế nổi tiếng.

Theo một khảo sát của Hội đồng Chicago (Mỹ) về các vấn đề toàn cầu, 80% người trả lời, đến từ Nhật, Trung Quốc và Việt Nam, rằng họ có sự tôn trọng nhất định đối với nền văn hóa Hàn Quốc. Cố Tổng thống Roh Moo-Hyun thậm chí còn nói rằng, làn sóng Hàn Quốc một ngày nào đó sẽ thống nhất Nam - Bắc Triều Tiên. Như vậy, ngoài ý nghĩa kinh tế, Hallyu còn có thể mang ý nghĩa chính trị.

Tuy nhiên, làn sóng Hàn Quốc cũng gây ra quan ngại về kinh tế. Trong cuộc đua nhằm giảm thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu với Hàn Quốc, Trung Quốc đã dùng tới các biện pháp cứng rắn. Kể từ năm 2006, nước này đã hạn chế phát sóng nhiều phim truyền hình Hàn Quốc cũng như các chuyến lưu diễn của các nghệ sĩ Hàn Quốc tại Trung Quốc, nhằm giảm ảnh hưởng của làn sóng này lên kinh tế Trung Quốc.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn