Facebook đang né thuế tại Việt Nam?

Thứ hai, 17/12/2012, 11:03
Tại Việt Nam, với mạng xã hội Facebook, tới thời điểm này, chưa có một đại lý chính thức nào được ủy quyền mà chỉ nhận thanh toán qua thẻ Visa và các hình thức chuyển tiền quốc tế.

Bằng cách chuyển hợp đồng quảng cáo sang thực hiện ở Ireland, Facebook Anh chỉ trả hơn 238.000 bảng Anh tiền thuế doanh nghiệp, trong khi thu về ước tính 175 triệu bảng.

Con số nộp thuế khiêm tốn của các công ty đa quốc gia đang dấy lên một làn sóng nghi ngờ trốn thuế, né thuế ở nhiều nước. Tại Anh, chính phủ bị tờ Guardian chỉ trích là “cọp không răng” đối với các hành vi trốn thuế, né thuế.

Trang Telegraph đưa tin, hồ sơ của Cục Quản lý doanh nghiệp Anh quốc cho thấy văn phòng mạng xã hội Facebook tại London chỉ trả 238.317 bảng Anh tiền thuế, giảm gần một nửa so với số tiền 424.651 bảng năm ngoái. Số thuế mới chỉ chiếm chưa đầy 1% doanh thu của hãng tại Anh trong năm 2011. Theo VnEconomy, Facebook báo doanh thu quý 3 năm 2012 tăng 32%, vượt dự báo của giới phân tích.

facebook trốn thuế
Theo nghiên cứu độc lập từ Enders Analysis, năm 2011 Facebook đã thu về 175 triệu bảng tiền quảng cáo tại Anh.

Đại biểu Quốc hội Anh, John Mann gay gắt gọi hành động trốn thuế là "gian trá và đáng xấu hổ" đối với một công ty như Facebook để kiếm lợi nhuận. Ông nói: "Họ kiếm hàng đống tiền lời từ cơ sở hạ tầng Internet của nước Anh, nhưng lại không làm gì để trả tiền cho các điều kiện đó. Điều này giống như lái chiếc xe không đóng thuế vậy".

Trang The Independent cho hay, Facebook không phải là công ty duy nhất bị "chỉ mặt đặt tên" vì tội trả mức thuế kinh doanh thấp ở Anh. Các chuyên gia cho rằng các "ông lớn" như Apple, Amazon, eBay, Google cũng nằm trong nhóm các công ty né thuế doanh nghiệp bằng cách chuyển hợp đồng sang Ireland hoặc các nước thuộc châu Âu với mức thuế thấp hơn. 

Theo nghiên cứu độc lập từ Enders Analysis, năm 2011 Facebook đã thu về 175 triệu bảng tiền quảng cáo tại Anh. Tổng số tiền "lách" của 5 công ty trên ước tính khoảng 650 triệu bảng.

Matthew Sinclair, người đứng đầu Hiệp hội Người trả thuế cho rằng, các công ty chọn cách làm hợp đồng ở nước ngoài vì những quốc gia này có nhiều điều kiện hơn và hệ thống thuế cũng ít phức tạp hơn. "Nhiều công ty có thể khai thác lỗ hổng từ hệ thống thuế hiện nay để giảm thiểu hóa đơn đến mức tối đa, một số chọn cách trả tiền công bằng, nhưng hệ thống thuế quá phức tạp nên rất khó để cộng đồng hiểu nó. Nếu nước Anh muốn tăng tính cạnh tranh và đảm bảo mọi người trả thuế công bằng thì cần khẩn trương tái cấu trúc thuế".

TheoVnExpress, chi nhánh Facebook London lỗ trước thuế 13,9 triệu bảng năm 2011, trong khi năm 2010 lãi 1,1 triệu bảng. Lý do đưa ra là Facebook phải chi nhiều cho lương của nhân viên, dù đội ngũ này sau một năm chỉ tăng thêm 90 người. Facebook Anh trả 24,8 triệu bảng cho toàn bộ nhân viên, nhiều hơn gấp 3 lần mức 7,9 triệu bảng năm trước đó.

Tại Việt Nam, với mạng xã hội Facebook, tới thời điểm này, chưa có một đại lý chính thức nào được ủy quyền mà chỉ nhận thanh toán qua thẻ Visa và các hình thức chuyển tiền quốc tế. 

Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến cho biết, điều kiện để trở thành đại lý chính thức của Facebook rất khó khăn, trong đó phải đảm bảo doanh thu 1 tháng 10.000 USD thì họ mới xuất hóa đơn. Nhưng cho dù bây giờ nếu Facebook có hóa đơn hợp lệ thì việc mạng này không có đại diện tại Việt Nam vẫn gây ra thất thoát xã hội rất lớn. 

Đầu tiên là việc họ đẩy trách nhiệm chịu thuế cho các doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp phải mất thêm tiền. Ngoài ra, đại lý còn phải mất phí chênh lệch tỷ giá khi thanh toán qua ngân hàng, cơ quan thuế thì không thu được thuế đầy đủ…

Ngày 6/2/2012, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Lê Thị Thu Hương - Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết đã cho kiểm tra, rà soát hoạt động của mạng Facebook tại Việt Nam và... không tìm được thông tin gì. 

Bà Hương cho biết: “Cho dù họ né thuế bằng cách không ký hợp đồng, không ủy quyền cho đại lý trong nước mà chỉ chuyển khoản qua thẻ Visa như trường hợp của Facebook thì chúng tôi cũng không thu thuế được của họ. Đây là một thực tế phát sinh quá mới mà các quy định nhà nước chưa theo kịp. Để hạn chế được thì phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các ngân hàng”.

Đặt vấn đề này lên bàn một cán bộ phòng thẻ ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), vị này cũng kêu khó và phân trần: “Ngân hàng chỉ quản lý khi các cá nhân, tổ chức dùng thẻ quốc tế thanh toán trên mạng về hạn mức cấp cho tổ chức, cá nhân đó chứ không thể nào kiểm soát việc khách hàng vào website nào để mua hàng hóa, dịch vụ gì. Trong trường hợp khách hàng dùng thẻ quốc tế thanh toán trực tiếp cho đơn vị tổ chức mạng thì đúng là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, nhưng hiện nay cơ quan thuế lại không thu được thuế”.

Theo Giáo Dục

Các tin cũ hơn