Xử lý chuyển giá như tội trốn thuế

Thứ bảy, 15/12/2012, 08:16
Trong quá trình tư vấn luật cho doanh nghiệp, cách đây vài năm chúng tôi đã tiếp cận với một số trường hợp tranh chấp có liên quan đến hành vi chuyển giá trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Như Công ty X mà chúng tôi tư vấn, có ba cổ đông quốc tịch Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản, chuyên cung cấp máy móc chuyên ngành. Một cổ đông nhận thấy sự bất hợp lý khi suốt hai năm liền báo cáo tài chính của Công ty X thể hiện việc kinh doanh thua lỗ nên đã âm thầm điều tra nguyên nhân của việc thua lỗ này.

Sự thật được phát hiện: cổ đông giữ phần vốn lớn nhất có đại diện pháp luật là người của mình đã ký các hợp đồng với công ty mẹ hoặc công ty khác mà có vốn đầu tư của công ty mẹ ở nước ngoài để mua hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào trong suốt thời gian dài với giá cao hơn giá thị trường, do đó việc kinh doanh của Công ty X tại VN luôn bị lỗ.

coca cola
 Công ty Coca - Cola VN đã bị cơ quan thuế xếp vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá.

Cổ đông này nhận thấy đây là hành vi chuyển giá phi pháp (kê khai giá trị hàng hóa, nguyên vật liệu nhập khẩu cao hơn giá trị thực), gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của các cổ đông khác nên đe dọa sẽ đưa vụ việc ra cơ quan chức năng VN nếu không được giải quyết ổn thỏa.

Cổ đông thiệt hại đã chứng minh bằng cách lấy giá hàng hóa tương tự trên thị trường chuẩn để tính giá trị thực và yêu cầu xem xét lại về giá. Kết quả là Công ty X không bị lỗ, trái lại còn lãi lớn. Cổ đông thực hiện việc chuyển giá phải thỏa thuận chia phần lãi này cho các cổ đông khác để tránh bị kiện tụng.

Một trường hợp khác là Công ty Y cũng bị lỗ liên tục. Cổ đông bị thiệt hại cũng tìm hiểu và thấy có sự bất thường khi một số linh kiện chủ yếu trong sản phẩm có giá quá cao.

Tuy nhiên, cổ đông này không thể làm rõ được hành vi chuyển giá vì những linh kiện này chỉ có thể mua ở công ty mẹ tại nước ngoài của cổ đông kia. Cổ đông bị thiệt hại đã chọn giải pháp là yêu cầu trước khi mua hàng và nhập hàng về VN, đại diện pháp luật của công ty phải trình báo giá lên các cổ đông để được duyệt và một số trường hợp cá biệt phải có hội đồng định giá mới được xem là hợp lệ. Giải pháp được chấp nhận và từ đó Công ty Y không còn chuyện thua lỗ nữa.

Việc chuyển giá của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trước hết gây thiệt hại cho chính cổ đông công ty đó, đặc biệt là những cổ đông có phần vốn nhỏ hơn, thiếu kinh nghiệm thị trường, thường là phía VN. Nghiêm trọng hơn, chuyển giá thực chất là hành vi trốn thuế gây thất thu ngân sách nhà nước.

Qua cách xử lý việc chuyển giá của cổ đông bị thiệt hại trong hai vụ việc trên, thiết nghĩ các đối tác VN trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng có thể tham khảo để áp dụng, tránh bị mất vốn dần do doanh nghiệp bị lỗ giả kéo dài. Các cơ quan chức năng cũng có thể sử dụng cách lấy trị giá hàng hóa tương tự ở thị trường chuẩn để áp giá nếu thấy có dấu hiệu về chuyển giá.

Hiện tượng chuyển giá đã xảy ra cả chục năm nay, ngoài gây thất thu lớn cho ngân sách còn xâm hại trực tiếp đến quyền lợi cổ đông nhỏ, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, giá thành sản phẩm...

Trong khi đó, đến nay văn bản dưới luật duy nhất có đề cập đến việc xử lý hành vi này là thông tư số 117/2005/TT-BTC nhưng cũng chỉ ở mức “Hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết” mà hình thức xử phạt doanh nghiệp vi phạm chỉ là “nộp thuế và nộp phạt” (mục C điểm 3.2).

Để xử lý và ngăn chặn tình trạng chuyển giá, cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu bổ sung định nghĩa về hành vi chuyển giá theo hướng xem chuyển giá là tội hình sự, hình phạt chí ít cũng như tội trốn thuế nhưng ở tình tiết tăng nặng.

Luật sư HÀ HẢI 
(Đoàn luật sư TP.HCM)

Theo Tuổi Trẻ

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn