Trước đây, Việt Nam là một nước có thu nhập bình quân đầu người thấp, nên thuộc diện được nhận nguồn vốn giá rẻ của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) - thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB). Từ năm ngoái, thu nhập của người Việt Nam vượt ngưỡng 1.260 USD, vì vậy về mặt kỹ thuật, Việt Nam đã đạt được các tiêu chí để "tốt nghiệp IDA" - tức là thôi nhận viện trợ từ tổ chức này từ tài khóa 2014 và bắt đầu việc trả nợ từ tài khóa 2015.
Tuy nhiên, một báo cáo của Chính phủ Việt Nam, đưa ra trong Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà Tài trợ (Hội nghị CG) vừa rồi, cho rằng thu nhập bình quân đầu người (GNI) của Việt Nam cao chỉ là giả tạo. Theo đó, trong 5 năm qua, việc tăng giá tiền đồng trong bối cảnh mất cân bằng vĩ mô và lạm phát cao là nguyên nhân đẩy thu nhập cao lên.
Cụ thể, trong giai đoạn 2000 - 2007, mức tăng giá đồng nội tệ đóng góp 10% trong việc tăng thu nhập bình quân đầu người (tính theo phương pháp Atlas). Tuy nhiên sang giai đoạn 2007 - 2011 đã có sự thay đổi đột ngột, với 50% mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người là do tiền đồng mất giá.
Báo cáo về việc lùi thời hạn "tốt nghiệp IDA" được Chính phủ Việt Nam đưa ra tại Hội nghị CG vừa diễn ra tại Hà Nội. |
Do đó, Chính phủ Việt Nam cho rằng việc chậm lại quá trình "tốt nghiệp IDA" là cần thiết, nhất là khi Việt Nam đang đối mặt với một số nguy cơ đe dọa phá hoại thành quả phát triển. Trong đó có thể kể đến thâm hụt tài khoản vãng lai gia tăng nhanh từ 1,7% giai đoạn 2000 - 2007 lên 6,45% giai đoạn 2007 - 2011.
Ngoài ra, tiền đồng mất giá nhanh, suy giảm dự trữ ngoại hối, gia tăng các cú sốc từ bất ổn kinh tế trong và ngoài nước đang đe dọa Việt Nam có nguy cơ tụt lại sau quá trình phát triển vừa qua.
Báo cáo đề cao vai trò của nguồn vốn IDA trong quá trình xóa đói giảm nghèo trong thập kỷ qua, tuy nhiên nhấn mạnh tỷ lệ nghèo của Việt Nam vẫn còn cao hơn so với thực tế.
Việt Nam hiện đứng thứ 11 thế giới về số lượng người nghèo (14,3 triệu người, chiếm 16,9% dân số) và cũng nằm trong số nước có lượng người nghèo cao nhất khu vực. Lâu nay Việt Nam được xem là một trong những nước thành công nhất về giảm nghèo, tuy nhiên đó là đo theo chuẩn nghèo cũ, thấp hơn chuẩn quốc tế.
Nếu tính theo chuẩn nghèo mới của Việt Nam (1,61 USD cho khu vực thành thị và 1,29 USD cho khu vực nông thôn) thì tỷ lệ nghèo trên toàn quốc là 20,7%. Còn nếu so với chuẩn của quốc tế 2 đôla Mỹ một ngày (tính theo PPP) thì có hơn 40% người Việt Nam nằm dưới mức nghèo.
Ngoài ra, báo cáo "Tốt nghiệp IDA có lộ trình - Cầu nối cho sự thành công" của Chính phủ Việt Nam còn cho biết Việt Nam sẽ phải đối mặt với cả những thách thức về biến đổi khí hậu trong các thập kỷ tới.
Theo dự báo, mức nước biển dâng cao vào năm 2100 sẽ khiến 22 triệu người phải thay đổi chỗ ở và làm hao hụt 10% GDP của Việt Nam. Do đó, "Việt Nam mong muốn lùi việc "tốt nghiệp IDA", nhằm giúp đạt được một giai đoạn điều chỉnh rõ ràng giữa thời kỳ được nguồn vốn IDA hỗ trợ và thời kỳ tốt nghiệp IDA", báo cáo trên viết.
Hiện Việt Nam đang được Ngân hàng Thế giới xếp vào nhóm nước cho vay hỗn hợp, nhận cả vốn vay ưu đãi từ IDA lẫn vốn vay thương mại với lãi suất cao hơn từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (vốn IBRD). Trước tháng 2/2010, VN hoàn toàn được vay IDA với lãi suất và phí cam kết 0%, phí dịch vụ 0,75% một năm. Thời gian vay 40 năm với 10 năm ân hạn. Kể từ tháng 2/2010, Việt Nam đã bắt đầu phải vay IBRD với lãi suất 1,25%, phí dịch vụ 0,75%, phí cam kết tối đa 0,5% một năm. Thời gian vay 25 năm, trong đó có 5 năm ân hạn. Riêng trong năm 2012, Việt Nam vay được từ WB cho 8 dự án, trong đó có 1,05 tỷ USD vốn IDA, 100 triệu USD vốn IBRD. Kể từ năm 1993 đến 2010, Việt Nam đã nhận tổng cộng 10,8 tỷ USD từ vốn vay IDA và 700 triệu USD vốn vay IBRD. |
Theo VnExpress