Thưa ông, dường như hoạt động chuyển giá đang ngày càng phổ biến và phức tạp?
Trước hết, cần phải nói rằng, chuyển giá không chỉ xuất hiện tại Việt Nam, mà đã diễn ra từ rất lâu ở tất cả các nước trên thế giới.
Chuyển giá không chỉ được thực hiện qua các giao dịch giữa công ty mẹ ở nước ngoài với công ty con tại Việt Nam, hay giữa công ty con tại Việt Nam và công ty con tại nước ngoài, mà còn diễn ra trong giao dịch giữa các công ty có quan hệ liên kết tại Việt Nam. Không chỉ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mà doanh nghiệp trong nước cũng có hành vi chuyển giá
Ông Vũ Văn Cường, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục thuế). |
Vậy tại sao trước đây ngành thuế chưa thực sự quan tâm vấn đề này, thưa ông?
Nói ngành thuế chưa thực sự quan tâm đến chống chuyển giá là không đúng, mà ngược lại, ngành thuế nói riêng, các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, đặc biệt quan tâm vấn đề này.
Cụ thể, từ năm 1997, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 74/1997/TT-BTC về việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Để nâng cao hiệu quả chống chuyển giá, từ năm 1997 đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành 4 thông tư liên quan đến nội dung này, mà gần đây nhất là Thông tư số 66/2010/TT-BTC.
Có thể thấy, những quy định trong Thông tư 66/2010/TT-BTC đã tiếp cận các quy định về chống chuyển giá của nhiều nước trên thế giới. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan thuế tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá. Kết quả là, kể từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế đã có kết luận thanh tra, kiểm tra tại 1.495 doanh nghiệp, điều chỉnh giá tại rất nhiều doanh nghiệp, nên giảm được lỗ với số tiền lên đến 3.306,6 tỷ đồng.
Ngành thuế đã đạt được thành công bước đầu trong việc chống chuyển giá. Thời gian tới, hoạt động này sẽ có chuyển động gì mới?
Ngành thuế đã được Quốc hội trao “cây gậy” để thanh, kiểm tra về chuyển giá nói riêng và về thuế nói chung. Đó là Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung.
Thứ nhất, Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung tiếp tục cho phép người nộp thuế tự tính thuế, tự khai thuế, tự nộp thuế với tất cả các loại thuế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong việc tính, khai và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách. Đồng thời, Luật ban hành quy định về áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế.
Theo đó, cơ quan thuế sẽ xây dựng bộ tiêu chí rủi ro để đánh giá mức độ tuân thủ chính sách thuế của người nộp thuế, tập trung nhân lực vào công tác thanh tra, kiểm tra để đánh giá mức độ tuân thủ chính sách thuế của người nộp thuế.
Đi kèm với thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế sẽ thực hiện các chế tài nghiêm minh để xử lý đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có chuyển giá, như nâng mức xử phạt đối với hành vi chậm nộp thuế từ 0,05%/ngày lên 0,07%/ngày nếu chậm nộp thuế quá 90 ngày, nâng mức xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, hoặc tăng số tiền thuế được hoàn từ 10% lên 20%.
Thứ hai, Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung đưa ra cơ chế giá thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong chống chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI. Việc bổ sung cơ chế APA vừa tạo thuận lợi cho công tác hành thu, chống thất thu, vừa tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Thứ ba, Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung mở rộng phạm vi thu thập thông tin về người nộp thuế từ nguồn nước ngoài theo các hiệp định, điều ước đã ký để cơ quan quản lý nhà nước có điều kiện khai thác thông tin từ nguồn tin nước ngoài phục vụ công tác quản lý thuế nói chung và chống chuyển giá nói riêng.
Coca-Cola, Adidas, Metro Cash & Carry… đang bị nghi ngờ có hoạt động chuyển giá. Ngành thuế có tiến hành thanh tra những công ty này để làm rõ nghi vấn?
Việc thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá không chỉ được thực hiện đối với Coca-Cola, Adidas, Metro Cash & Carry…, mà sẽ được triển khai tại tất cả những doanh nghiệp có nghi vấn chuyển giá.
Theo Đầu Tư