Chuyện thưởng Tết thời suy thoái

Thứ năm, 13/12/2012, 08:58
Dù vài tuần nữa mới hết năm, nhưng viễn cảnh thị trường cho thấy, sẽ có rất nhiều DN đạt lợi nhuận thấp hơn so với kế hoạch, thậm chí, theo dự đoán nhóm báo lỗ là cả một danh sách dài.

Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”, cái Tết đến gần còn khiến lãnh đạo nhiều DN đau đầu vì chuyện lương thưởng cuối năm. Vì vậy, sự dè dặt của họ khi trao đổi với phóng viên về chủ đề này cũng là điều dễ hiểu.

Trao đổi với PV, lãnh đạo một DN kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng đang niêm yết trên HOSE cho biết, mức thưởng Tết của đơn vị này năm nay sẽ giảm mạnh, có thể chỉ mang ý nghĩa động viên, khích lệ người lao động về tinh thần là chính.

“Năm 2012 là một năm quá khắc nghiệt, việc cân đối được thu chi đã là khó, nên hiện tại chúng tôi chưa nghĩ đến việc thưởng Tết, nếu có cũng chỉ là một khoản rất nhỏ động viên anh em”, vị này nói.

thưởng tết
Kinh tế suy giảm, lương còn bớt, huống hồ là thưởng

Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc CTCP Bibica (BBC) cho biết, trong năm nay, công ty chỉ phát cho cán bộ nhân viên tháng lương thứ 13 như theo quy định của Bộ Tài chính, ngoài ra không có thêm khoản nào vì năm nay, BBC không hoàn thành kế hoạch 55 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra từ đầu năm.

Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện và xây dựng Việt Nam (MCG), ông Nguyễn Ngọc Bình cho biết, công ty chưa tính đến việc thưởng Tết và nhiều khả năng năm nay sẽ không thưởng, hoặc nếu có thì chỉ mang tính chất tượng trưng.

“Năm nay, dù doanh thu dự kiến hoàn thành so với kế hoạch, nhưng lợi nhuận lại đạt rất thấp. Chính vì vậy, mục tiêu hiện nay của chúng tôi là cân bằng được các khoản thu chi và giữ không bị lỗ”, năm 2012, nhiều khả năng MCG cũng không trả cổ tức.

Đối với các DN nói chung và càng khắt khe hơn đối với khối DN niêm yết, mức thưởng Tết phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh. Nếu công ty đạt được kế hoạch về lợi nhuận mà ĐHCĐ đã thông qua thì mới có thưởng, còn nếu thua lỗ thì có muốn cũng khó có nguồn để chia. Trong khi đó, theo một thống kê sơ bộ, tỷ trọng DN có kết quả kinh doanh lỗ trong năm 2013 chiếm khoảng  20% tổng số DN niêm yết.

Khi thị trường “còn đẹp”, những mức thưởng Tết hoành tráng trong khối ngân hàng, DN bất động sản khiến thiên hạ phải tròn mắt ghen tỵ. Ví như năm 2010, một số ngân hàng tại TP. HCM thưởng Tết cho nhân viên có doanh số tốt gần 500 trăm triệu đồng, sang năm 2011, mức thưởng đã giảm đi đáng kể nhưng một số “nhà băng” vẫn hào phóng với mức chi Tết cho nhân viên cả trăm triệu đồng. Năm 2012, dù chưa có ngân hàng nào công bố mức thưởng Tết dự kiến, nhưng mặt bằng chung thụt lùi so với năm ngoái là điều không cần bàn cãi khi tăng trưởng dư nợ của một số đơn vị đến hết tháng 11 vẫn âm.

Đối với lĩnh vực chứng khoán, so sánh một cách sơ bộ với năm 2011, năm nay số lượng CTCK có lãi và hoàn thành kế hoạch cao hơn nhiều, bởi các DN đã đặt kế hoạch rất khiêm tốn. Dù vậy, trao đổi với PV, nhân viên nhiều CTCK đã dự trù cho mình một cái Tết thắt lưng buộc bụng, vì tình hình thị trường năm nay cũng chẳng khá khẩm hơn so với năm qua.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI) cho biết, việc bàn đến quyết định thưởng Tết bây giờ vẫn còn là quá sớm, vì còn chưa biết kết quả kinh doanh của năm 2012 ra sao, nhưng dù gì thì công ty vẫn dành một khoản nhỏ gọi là khích lệ đội ngũ nhân viên, tùy theo năng lực làm việc của từng người.

Trong khi đó, lãnh đạo một CTCK khác cho biết, với tình hình thị trường như hiện nay, lo đủ lương cho nhân viên và trang trải các chi phí cũng đã cũng đã khó rồi, nên tạm thời chưa bàn đến thưởng Tết. Đối với khối CTCK thuộc ngân hàng, đa số đều dự tính có thưởng cho nhân viên, nhưng chắc chắn mức thưởng sẽ thấp hơn năm ngoái.

Trông mong vào khoản tiền thưởng để đón một cái Tết vui vẻ, trọn vẹn hơn là mong muốn của người lao động sau một năm làm việc và đó cũng là “trăn trở” của những lãnh đạo DN. Nhưng kinh tế khó khăn, kinh doanh sa sút, hiệu quả kinh doanh của DN đạt thấp nên nhiều khi người lãnh đạo cũng… lực bất tòng tâm.

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn