Câu chuyện lỗ giả - lãi thật, nhằm chuyển lợi nhuận về nước mà không phải chịu thuế tại Việt Nam của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từ lâu đã được nhắc tới. Ngay cả khi Coca Cola được cơ quan thuế TP. HCM nhắc tới như một địa chỉ nghi vấn suốt nhiều năm qua, vẫn chưa có một đại gia nước ngoài nào thực sự bị điểm mặt, chỉ tên vì chuyển giá.
Câu chuyện của Coca Cola lùm xùm suốt nhiều ngày qua sau khi Cục thuế TP. HCM cho biết sau gần 20 năm (từ 1993) có mặt tại Việt Nam, dù doanh thu cứ ngày một tăng (năm 2010 đạt gần 2.530 tỷ đồng) nhưng chưa năm nào doanh nghiệp này có lãi.
Tổng lỗ lũy kế của đại gia giải khát này, theo tính toán, đã đạt gần 3.800 tỷ đồng, vượt xa vốn đầu tư ban đầu. Với số lỗ như vậy, Coca Cola Việt Nam đương nhiên chưa từng phải nộp thuế thu nhập vào ngân sách.
Kinh doanh chưa có lãi tại Việt Nam nhưng Chủ tịch Coca Cola - Muhtar Kent vẫn tuyên bố sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 3 năm tới. |
Nếu không có số liệu của ngành thuế, người ta sẽ khó có thể biết được kết quả kinh doanh của Coca Cola bởi những những con số này chưa bao giờ được doanh nghiệp công bố chính thức. Thay vào đó, nhiều năm qua, lãnh đạo hãng này vẫn công bố liên tiếp những kế hoạch mở rộng đầu tư.
Mới đây nhất, nhân chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch kiêm CEO của Coca Cola - Muhtar Kent cho biết sẽ rót thêm 300 triệu USD trong vòng 3 năm tới cho công việc kinh doanh tại đây.
Coca Cola không phải là câu chuyện quá cá biệt. Ngành thuế gần đây đã đặt dấu hỏi với nhiều đại gia nước ngoài khác. Tổng cục thuế vừa có văn bản yêu cầu địa phương xem xét lại quan hệ giữa Adidas Việt Nam với một loạt các doanh nghiệp trong cùng hệ thống để xác định giao dịch giữa các bên có mang tính liên kết, nhằm mục đích tăng chi phí để né thuế hay không.
Gần đây nhất, Cục thuế TP. HCM cũng liệt thêm Tập đoàn bán buôn Metro vào danh sách nghi ngờ khi sau hơn 10 năm hoạt động, hãng này chỉ duy nhất báo lãi tại Việt Nam trong năm 2010.
“Cơ quan thuế chưa tiến hành thanh tra chứ không không phải bó tay với dấu hiệu tại các đơn vị này”, ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng, Phó trưởng ban cải cách Tổng cục thuế khẳng định. Ông cũng cho biết nhiều doanh nghiệp như Coca Cola, Pepsi hay Metro… đều đang nằm trong tầm ngắm của cơ quan thuế.
Nói như vậy nhưng theo thừa nhận của bản thân ông Tiến cũng như những chuyên gia trong lĩnh vực quản lý thuế, việc chứng minh được hành vi chuyển giá tại khu vực FDI, nhất là các tập đoàn đa quốc gia là một quá trình hết sức phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian.
Cái khó lớn nhất được nhiều chuyên gia nhắc tới là việc các tập đoàn đa quốc gia thường sử dụng “chiêu bài” độc quyền về nguyên liệu hoặc công nghệ, khiến cơ quan quản lý rất khó xác định chi phí đầu vào thực tế mà doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ ra. Đơn cử trong trường hợp của Coca Cola, theo số liệu của cơ quan thuế, chi phí hương liệu nhập từ công ty mẹ thường chiếm khoảng 70 - 85% giá vốn của nhà máy tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Nguyễn Quang Tiến, bản thân những số liệu này chưa nói lên nhiều điều bởi cơ quan quản lý không hề biết tỷ lệ sử dụng hương phụ liệu từ công ty mẹ tại Coca Cola Việt Nam là bao nhiêu, so sánh với các thị trường khác như thế nào để đưa ra kết luận. “Muốn có được thì phải mua thông tin từ các công ty phân tích dữ liệu nhưng vấn đề kinh phí cũng rất khó khăn", ông Tiến nói.
Trong khi đó, trao đổi với PV, Giám đốc đối ngoại khu vực Đông Dương của Coca Cola - Nguyễn Khoa Mỹ khẳng định chính sách về giá mà tập đoàn này áp dụng giữa các bên liên quan là xuyên suốt. “Chúng tôi tin rằng công ty hoàn toàn tuân thủ các nguyên tắc về giao dịch tài chính hiện hành tại Việt Nam. Giá hương liệu chỉ là một trong số rất nhiều chi phí mà Coca Cola phải trả”, đại diện này khẳng định.
Lý giải về việc lỗ triền miên nhưng vẫn tiếp tục kinh doanh với quy mô ngày một lớn, ông Nguyễn Khoa Mỹ cho rằng dù đã vào Việt Nam khá lâu nhưng Coca Cola vẫn trong giai đoạn mở rộng thị trường. “Hiện tỷ lệ tiêu thụ đồ uống không cồn ở Việt Nam mới chỉ bằng khoảng 20-25% mức trung bình tại nhiều nơi trên thế giới. Ví dụ ở Thái Lan, dân số chỉ trên 65 triệu người nhưng doanh số của Coca Cola ở đây gấp hơn 6 lần Việt Nam”, ông nói.
Với lý luận này, đại diện của Coca Cola cho rằng doanh nghiệp phải chi rất nhiều tiền để quảng bá, bảo vệ thương hiệu cũng như thị phần trước sự xuất hiện của nhiều đối thủ mới.
Cùng với những nguyên nhân khách quan khác như lạm phát, chi phí quản lý, lãi vay cao, đầu tư cho dây chuyền mới…, ông Mỹ cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến Coca Cola không có lợi nhuận trong nhiều năm. “Chúng tôi có một kế hoạch cụ thể để thay đổi tình trạng thua lỗ này”, Giám đốc đối ngoại của Coca Cola Đông Dương tiết lộ.
Việc truy tìm dấu vết chuyển giá của các "đại gia" là rất khó khăn. |
Quan điểm của doanh nghiệp không nhận được sự đồng tình từ giới chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý thuế khi cho rằng việc Coca Cola cũng như nhiều “đại gia” khác chấp nhận lỗ 10 - 20 năm liền để mở rộng thị trường là khó tin. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng từ việc không tin đến khi chứng minh được hành vi chuyển giá là một quá trình rất dài.
Trao đổi tại Hội nghị quốc tế về chống chuyển giá vừa được tổ chức tại Hà Nội, các đại diện đến từ Trung Quốc, Australia… đều thừa nhận ngay cả ở những nước có nhiều năm kinh nghiệm quản lý đầu tư nước ngoài, việc tìm ra cơ chế chống chuyển giá hữu hiệu cũng rất khó khăn.
Theo hiến kế của Giáo sư Nhan Đình - Giám đốc Viện Kế toán quốc gia Thượng Hải (Bộ Tài chính Trung Quốc), trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng “vũ khí” độc quyền, cơ quan quản lý cần kết hợp nhiều phương pháp, trong đó có việc phân tích lợi nhuận cùng ngành tại một hoặc nhiều thị trường để xử lý.
"Chẳng hạn như trong cùng một loại hình kinh doanh đồ uống thì chắc chắn sẽ có những nguyên tắc nào đó giống nhau. Tại Trung Quốc, chúng tôi có thể so sánh với những loại đồ uống tương tự hoặc đối chiếu với kết quả kinh doanh của chính những doanh nghiệp đó tại thị trường khác”, ông này gợi ý.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, hiện chế tài tại Việt Nam đã có Thông tư hướng dẫn về chuyển giá và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là cơ sở chính, mặc dù chưa thật sự đầy đủ để xác định doanh thu, chi phí đúng của doanh nghiệp. “Cơ chế và hiện tượng đã có rồi nhưng để làm được mình phải có chứng cứ so sánh. Điều này không phải đơn giản”, chuyên gia này nhận định.
Tuy nhiên, bà Cúc cũng lưu ý cơ quan quản lý đang có những động thái quyết liệt hơn trong việc xử lý chuyển giá, nhằm cải thiện nguồn thu ngân sách. Do đó, sự lệch lạc này hy vọng có thể sớm được khắc phục.
Theo VnExpress