Đằng sau sự trở lại của cựu Chủ tịch ACB

Thứ năm, 13/12/2012, 15:51
Ngoài việc được các cổ đông lớn đề nghị trở lại, ông Trần Mộng Hùng - cựu Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB còn những lý do gì để ứng cử thành viên HĐQT sau khi 4 VIP của nhà băng này phải từ nhiệm?

Trước khi được các cổ đông lớn đề nghị trở lại Hội đồng quản trị (HĐQT) ACB, ông Trần Mộng Hùng rời bỏ chức vụ Chủ tịch HĐQT để giữ vị trí "lễ nghi": Chủ tịch Hội đồng sáng lập. Hội đồng này trên danh nghĩa chỉ có vai trò tượng trưng và không có quyền lực thực sự.

Hội đồng siêu quyền lực tại ACB

Thế nhưng, những nhân viên, lãnh đạo tại ACB thì không thấy "lễ nghi" hoặc tượng trưng. Nhà sáng lập Trần Mộng Hùng không còn làm Chủ tịch HĐQT nhưng văn phòng của ông vẫn yên vị tại đó, nhìn ra đường Nguyễn Thị Minh Khai; nhân viên, lãnh đạo ACB vẫn ra vào, xin ý kiến những việc quan trọng của ngân hàng tương tự trước đây. 

Bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên) – Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập dù danh nghĩa không có vai trò gì tại ngân hàng nhưng vẫn ra vào và họp hành với các lãnh đạo ACB như hồi còn làm Phó chủ tịch HĐQT.

Theo công bố của ACB, Hội đồng sáng lập thường xuyên dự các phiên họp của HĐQT và thường trực HĐQT. Trong năm 2011, Hội đồng sáng lập tham gia ý kiến về những nội dung quan trọng trong quản trị và điều hành ngân hàng, như tham gia ý kiến và ra quyết định của Hội đồng sáng lập đối với thường trực Hội đồng quản trị và Ban điều hành; cải thiện cơ cấu quản lý và quản trị điều hành tại ACB; dự thảo "Định hướng chiến lược phát triển 2011 – 2015".

Ngoài ra, Hội đồng sáng lập ACB còn tham gia đánh giá hoạt động đầu tư; giao kế hoạch kinh doanh; xác định mục tiêu ưu tiên trong định hướng phát triển kinh doanh; chính sách lương thưởng cho kênh phân phối; quảng bá thương hiệu...

6 thành viên trong Hội đồng sáng lập gồm: Trần Mộng Hùng, Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), Phạm Trung Cang, Đặng Thu Thủy (vợ ông Trần Mộng Hùng), Huỳnh Thanh Thủy, Trịnh Kim Quang. Trong số đó, ông Trịnh Kim Quang còn là Phó chủ tịch HĐQT và bà Đặng Thu Thủy là thành viên HĐQT.

Hội đồng sáng lập ACB
6 thành viên Hội đồng sáng lập ACB

Chưa hết, bầu Kiên có mối quan hệ chặt chẽ với Lý Xuân Hải – Tổng Giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị ACB; còn ông Hùng có vợ ở trong HĐQT. Ngoài ra, các thành viên Hội đồng sáng lập đều là những cổ đông sở hữu hàng triệu cổ phiếu của ngân hàng này.

Cũng vì thế, ở ACB cũng như giới ngân hàng, mọi người đều ngầm hiểu với nhau rằng, Hội đồng sáng lập mới là trung tâm quyền lực, đóng vai trò quan trọng trong những quyết sách chiến lược của ACB.

Tuy nhiên, điểm thú vị là dù tác động tới các quyết định mang tính chiến lược nhưng theo Luật các tổ chức tín dụng thì Hội đồng sáng lập lại không có trong cấu trúc của ngân hàng, nếu xảy ra chuyện với nhà băng thì chỉ có những người thuộc HĐQT và ban điều hành mới phải chịu trách nhiệm, còn thành viên Hội đồng sáng lập (trừ khi liên quan trực tiếp đến vụ việc như bầu Kiên) sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh.

Nhận ra một hội đồng siêu quyền lực nhưng lại nằm ngoài vòng pháp luật, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản yêu cầu ACB giải thể từ tháng 5/2012.

Tuy nhiên, nếu tính từ khi thành lập, hội đồng siêu quyền lực tại ACB đã có 5 năm hoạt động. Sau 3 tháng kể từ khi hội đồng này bị giải tán, bầu Kiên bị bắt và sau đó cựu tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải cũng bị bắt tạm giam. Kế đến 2 Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ACB cũng bị cơ quan điều tra khởi tố là ông Trịnh Kim Quang và ông Lê Vũ Kỳ.

Đằng sau sự trở lại của ông Trần Mộng Hùng

Tổng giám đốc một tổ chức tài chính lớn tại TP.HCM – người có mối quan hệ thân thiết với thành viên hội đồng sáng lập ACB cho biết, trong số các tổ chức tin dụng cổ phần tại Việt Nam, ACB là ngân hàng duy nhất có "trọng tài" thực sự - cái mà người ta thường gọi là thành viên độc lập.

Ông này tiết lộ, Hội đồng sáng lập của ngân hàng này có 2 nhân vật thế lực nhất là Trần Mộng Hùng và Nguyễn Đức Kiên. Khi 2 nhân vật này thống nhất với nhau thì HĐQT sẽ thực thi, còn trong trường hợp gây tranh cãi, thành viên độc lập và có uy tín cao trong HĐQT sẽ là người đứng ra phân tích lý lẽ để cùng nhau quyết định việc cần làm.

"Tuy nhiên, khi cán cân quyền lực ở hội đồng sáng lập kết hơp với HĐQT bị lệch thì quyết định mang tính cân bằng cũng khó dù thực tế cấu trúc điều hành tai ACB có thể coi là lành mạnh nhất trong số các ngân hàng tại Việt Nam. Đây có thể là một phần lý do của sự cố tại ACB", ông này bình luận.

Trần Mộng Hùng
Ông Trần Mộng Hùng quay trở lại để giúp đỡ ACB vượt khó khăn

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc của ACB đồng thời là người phát ngôn của nhà băng này cho biết, việc quay lại hội đồng quản trị của ông Trần Mộng Hùng là do tác động của các biến cố xảy đến với ACB trong thời gian vừa qua. Người sáng lập ACB quay lại HĐQT vì muốn thực hiện những cam kết của mình với các cổ đông.

Hơn nữa, Chủ tịch đương nhiệm của ACB là Trần Hùng Huy còn non trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm trong điều hành hoạt động của một ngân hàng lớn. “Việc ông Hùng quay lại hội đồng quản trị cũng là nguyện vọng của nhiều cổ đông trong bối cảnh ngành ngân hàng và toàn nền kinh tế đang gặp giai đoạn khó khăn”, Phó tổng giám đốc ACB bày tỏ.

Trong khi đó, một cựu lãnh đạo của nhà băng này nhận xét, việc ông Hùng được nhiều cổ đông lớn mời trở lại HĐQT cũng hợp lý bởi cựu Chủ tịch ACB là người có uy tín, kinh nghiệm cũng như tầm nhìn chiến lược trong kinh doanh ngân hàng. Việc ông trở lại HĐQT sẽ đóng góp tốt hơn cho sự phát triển của ACB trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, một thực tế khác là khi Hội đồng sáng lập không còn, ông Hùng cần một vị trí chính thức để "tiếp tục đóng góp với mức ảnh hưởng lớn" tại ACB.

 

Theo Infonet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn