Tình trạng doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục báo lỗ để trốn thuế đã được báo động từ mấy năm qua và ngày càng phức tạp nhưng cơ quan thuế chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Theo một cán bộ Cục thuế TP.HCM, các DN FDI liên tục báo lỗ có điểm chung là các chi phí dịch vụ, chi phí quản lý hệ thống; bản quyền, nhượng quyền thương mại; trả lương cho các chuyên gia nước ngoài, trả lãi vốn vay... đều rất cao. Quy định pháp luật không cấm, không quản lý những hình thức chi trả trên nên mặc dù biết rõ là bất hợp lý, “có vấn đề” cũng đành chịu.
Lúng túng hoặc không mặn mà
PGS-TS Đỗ Đức Minh, Giám đốc Trường bồi dưỡng cán bộ tài chính – Bộ Tài chính ,cho rằng khi nguồn vốn FDI ồ ạt đổ vào Việt Nam, chuyển giá ngày càng gia tăng, các cơ quan chức năng đang hết sức chật vật và lúng túng để phát hiện, xử lý.
Theo Cục thuế TP.HCM, để kết luận một DN có chuyển giá hay không là việc không đơn giản. Chẳng hạn, nguyên nhân lỗ lã theo kê khai của Coca - Cola là do giá nguyên phụ liệu quá cao, lại do công ty mẹ ở nước ngoài độc quyền cung cấp. Giá hương liệu Coca - Cola Việt Nam hạch toán vào giá thành chiếm đến trên 60%, thậm chí có thời điểm trên 80% giá bán sản phẩm.
Trong khi đó, với hầu hết các DN khác trong lĩnh vực đồ uống, tỉ lệ này chỉ chiếm khoảng 30%. Vì Coca - Cola nhập hương liệu độc quyền từ công ty mẹ nên không có “giá độc lập” để so sánh.
Ngành thuế cần những chuyên gia phân tích, am hiểu sâu về chuyển giá, có thể lập một bộ phận phụ trách riêng để chống chuyển giá |
Một thực tế khác là không ít cán bộ ngành thuế không mặn mà với công việc này. Theo một cán bộ ngành thuế đã nghỉ hưu, ngoài lý do phải mất thời gian kiểm tra hồ sơ, chứng minh những sai phạm của DN để kết luận DN có chuyển giá hay không, nguyên nhân chính khiến nhiều cán bộ ngành thuế lơ là bởi còn quan niệm chống chuyển giá, ngành thuế cũng không thu được gì.
DN đang lỗ lớn, nếu có đấu tranh chống chuyển giá, giảm lỗ thành công thì cũng không có lãi để khấu trừ, càng không thu được tiền cho ngân sách Nhà nước. Vài năm trở lại đây, ngành thuế mới bắt đầu khuyến khích đấu tranh chống chuyển giá bằng cách tính số thuế truy thu, giảm lỗ vào thành tích thi đua hằng năm.
Linh hoạt các giải pháp
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng muốn chống chuyển giá, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm mà nhiều nước đang làm khá tốt như Úc, Trung Quốc và vận dụng phù hợp với luật pháp nước ta. Đồng thời, chúng ta có thể áp dụng phương pháp so sánh: Tại sao khi máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu được DN nhập khẩu từ công ty mẹ về Việt Nam lại quá cao?
Muốn làm điều này, chúng ta phải có ngân hàng cơ sở dữ liệu, có những hồ sơ giấy tờ, chứng từ hóa đơn đầy đủ ở nước ngoài để chứng minh. Hoặc dùng phương pháp so sánh lập dự toán, định trước giá máy móc, nguyên vật liệu của DN. Tất nhiên, những việc này không phải dễ bởi DN có nhiều kinh nghiệm để đối phó.
Theo kinh nghiệm từ các nước, chống chuyển giá có rất nhiều giải pháp, tùy vào tình hình hoạt động, điều kiện của từng DN mà cơ quan quản lý áp dụng.
Tuy nhiên, “cái khó của chống chuyển giá là cơ quan thuế chỉ có thể nghi ngờ, theo dõi cụ thể sau khi DN báo cáo kết quả kinh doanh lỗ nhưng tốc độ doanh thu tăng, vẫn muốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Đây là gốc rễ của vấn đề nên rất khó phát hiện sớm” – PGS-TS Ngô Trí Long nói.
Trả lời về tình trạng lỗ giả của các DN FDI, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn từng cho biết Bộ Tài chính sẽ tập hợp DN có số lỗ lớn hơn vốn chủ sở hữu và đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét tư cách pháp nhân của những DN này. Nếu lỗ thật thì phải bỏ thêm vốn vào, nếu lỗ giả lãi thật thì rút giấy phép chứ không thể để tình trạng báo lỗ mà vẫn tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Cái chính vẫn là năng lực cán bộ thuế Theo một luật gia có nhiều năm nghiên cứu về chuyển giá trong nước và quốc tế, hiện pháp luật của Việt Nam về chống chuyển giá so với các nước đã khá chặt chẽ và đầy đủ. Thậm chí, thẩm quyền của cơ quan thuế Việt Nam cũng cao hơn nhiều nước nên cái chính vẫn là năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ ngành thuế. “Ngành thuế cần những chuyên gia phân tích, am hiểu sâu về chuyển giá, có thể lập một bộ phận phụ trách riêng để chống chuyển giá” - vị này đề xuất. Liên quan đến các giải pháp điều tra chống chuyển giá của ngành thuế, vị này cho rằng bên cạnh phương pháp so sánh xác định giá thị trường đối với các giao dịch liên kết, ngành thuế có thể áp dụng phương pháp xác định tỉ suất lợi nhuận của DN bị nghi ngờ chuyển giá với các DN cùng ngành. Nếu tỉ suất lợi nhuận này vượt quá biên độ cho phép là có vấn đề. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cơ quan thuế phải có được các chứng từ, hóa đơn giao dịch chứng minh DN đã làm sai luật, nếu không dù có kiện ra tòa, ngành thuế cũng khó thắng. |
Theo NLĐ