Về huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) vào những ngày giữa tháng 11, nhiều người không nén được hiếu kì khi chứng kiến cảnh hàng trăm nông dân hì hục lật từng thớ đất ở các bãi bồi ven sông để bắt sùng đất - loại côn trùng được ví như "lộc của trời".
Theo những người dân địa phương có thâm niên nhiều năm trong nghề, thì nơi đây được xem là "thủ phủ" của sùng đất. Vào mùa sùng đất, nhiều người từ Đà Nẵng, Huế… còn về tận nơi để thu mua với giá cao ngất ngưởng, hơn cả tôm tươi. Với giá bán dao động từ 200.000 - 250.000 đồng một kg, săn sùng đất đang được xem là nghề hái ra tiền, giúp nhiều nông dân Sơn Tịnh kiếm được trên dưới 500.000 đồng mỗi ngày.
Sùng đất được bán với giá 200.000 - 250.000 đồng mỗi kg. |
Có kinh nghiệm nhiều năm mưu sinh trong nghề, anh Nguyễn Văn Hải (xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh) cho biết: "Nói là nghề nhưng thực ra dụng cụ săn sùng đất cũng rất đơn giản. Chỉ cần một cái cuốc và một xô nước, khi bắt được thì ngắt ruột bỏ nhanh sùng vào để giữ cho sùng được tươi và không bị đen. Cuốc dùng để đào sùng lưỡi phải dài, mỏng, mới có thể đào sâu bắt được những con lớn".
Thông thường, sùng đất trưởng thành vào mùa mưa, độ vào giữa tháng 8 cho đến hết tháng 12 (âm lịch). Vì chu kỳ vòng đời ngắn, đến mùa sùng đất, nông dân ở đây lại tranh thủ "hái lộc" từ con vật được xem là trời cho này.
Sùng đất tuy không hiếm, nhưng để săn được những con tươi ngon, đặc quánh sữa, to gần bằng ngón chân cái là điều rất khó. Vì vậy, mỗi người đào sùng thường giữ cho mình bí quyết riêng để săn được nhiều, nếu không muốn về tay không.
Người dân địa phương cho biết sùng đất là loại côn trùng sạch. Chúng sinh sôi ở những vùng đất xa khu dân cư và ăn rễ các loại cây không độc hại. Nơi phun nhiều thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ thì hầu như không tìm được sùng.
Lúc trước, sùng đất nhiều vô kể, người dân đào về chỉ để cho gà ăn. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều nhà hàng, quán ăn, hoặc các tay sành nhậu…lại xuống tận nơi để thu mua với giá cao. Việc này đã giúp nhiều nông dân thực sự đổi đời, đến mùa săn sùng bỏ túi được cả cây vàng cũng là chuyện có thật.
"Trước kia người dân ở đây không dám ăn vì hình dạng bên ngoài 'nhờn nhợn' của nó, nhưng giờ thì phải nhịn thèm, có bao nhiêu người ta mua bấy nhiêu hết rồi", ông Nguyễn Ngọc Phúc, một tay săn sùng nói. Trung bình, mỗi ngày một người đào sùng cũng kiếm được trên dưới 2kg sùng đất, với giá bán như hiện nay, nghề săn sùng đất đã giúp nhiều nông dân có của ăn của để.
Theo kinh nghiệm dân gian ăn sùng đất không những bổ dưỡng cơ thể, mà còn có tác dụng chữa được nhiều bệnh, nên tại các nhà hàng, quán ăn, món này được xem là đặc sản này và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Anh Hoài Thuận, chủ nhà hàng Golden Hills trên đường Phan Bội Châu (Quảng Ngãi) chia sẻ: "Nhiều người bị mê mẫn bởi mùi thơm, và cái vị béo ăn hoài không thấy ngán, nên món này tại nhà hàng luôn trong tình trạng 'cháy hàng'".
Theo PLVN