Làm giàu từ...chim trĩ đỏ

Thứ ba, 05/06/2012, 08:13
Sau hai lần thất bại với mô hình nuôi cá lóc và ba ba, vốn liếng dần cạn kiệt. Và cuối cùng ông lại thành công với mô hình nuôi chim trĩ đỏ. Tên của ông đã trở thành một thương hiệu gắn liền với loài chim quý “ông Na chim trĩ ”.
Sau 4 năm cống hiến cho tổ quốc, năm 1983 chàng trai trẻ Đỗ Văn Na (Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam) xuất ngũ về quê công tác trong văn phòng Đảng ủy rồi tiếp tục giữ chức phó chủ nhiệm hợp tác xã.
 
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, ông luôn trăn trở với việc tìm hướng đi mới cho nền nông nghiệp xã nhà thoát khỏi cảnh nghèo khó và làm giàu trên chính quê hương mình.

Sau một thời gian tìm tòi học hỏi, đầu năm 1987 ông bắt đầu thực hiện ước mơ với mô hình nuôi ba ba thương phẩm. Nhưng tất cả công sức, vốn liếng mà ông dồn vào mấy ao nuôi ba ba đều trôi hết ra biển chỉ trong một trận lụt vì cống ao bị vỡ.

 
 


Để đảm bảo chất lượng con giống nên tách đàn chim ra thành nhiều ô nhỏ.
Cứ 4 con mái nhốt chung với 1 con trống.


 
Không nản lòng, ông tiếp tục cải tạo những ao nuôi ba ba rồi tiến hành cho thả cá quả (cá lóc - PV). Nhưng do thiếu kinh nghiệm, thêm một lần nữa mô hình nuôi cá quả không mang lại hiệu quả như mong đợi.
 
Đầu năm 2009, ông bắt đầu thí điểm mô hình nuôi chim trĩ đỏ. Sau 3 năm phát triển giờ đây trang trại của ông có trên 100 con chim trĩ đỏ bố mẹ đã qua chọn lọc, dùng để nhân giống cung cấp cho thị trường và chim trĩ thương phẩm.
 
Ông Na chia sẻ: “Chim trĩ là loài có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, thích nghi tốt với điều kiện nuôi nhốt, ăn ít. Nên rất đễ nuôi, mà độ rủi ro không cao. Mỗi lứa chim trĩ mẹ đẻ từ 80 - 100 quả trứng, chim trĩ con chỉ nuôi 6 tháng là có thể đẻ trứng hoặc xuất chuồng ”.
 
Hiện tại với giá bán bình quân từ 45.000 - 55.000 đồng/quả, và chim con sau khi ấp nở một tuần có giá từ 90.000 – 100.000 đồng/con. Còn chim trĩ thương phẩm được bán với giá bán giao động từ 400.000 – 420.000 đồng/kg. "Nhu cầu thị trường ngày càng phát triển nhiều khi có đơn đặt hàng nhưng không đủ để bán", ông Na cho biết.

 

 

Không những cung cấp chim trĩ thương phẩm cho các nhà hàng, hiện tại ông còn cung cấp trứng chim và con giống cho các hộ nuôi trên địa bàn và các vùng lân cận.
 
Hiện tại với hơn 100 con chim bố mẹ, trừ chi phí trung bình mỗi tháng ông Na thu về từ 30 - 35 triệu đồng.

 


Con trống dùng để sinh sản cần được chon lựa kỹ.


 
Thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi chim trĩ của ông Na được bà con trong xã và người dân ở các tỉnh lân cận tìm về học hỏi kinh nghiệm, mách nhau làm giàu.
 
Ông Định Công Dần một hộ nuôi chim trĩ trong thôn Quyển Sơn chia sẻ: “Lượng thức ăn của một con chim trĩ từ khi nhỏ đến khi xuất chuồng chỉ bằng nuôi gà nhưng giá bán thương phẩm của chim có giá cao hơn nhiều lần so với nuôi gà vậy nên lãi cao hơn nhiều”.
 
Thành công với mô hình nuôi chim trĩ, hiện nay ông Na đang đưa giống chồn nhung đen vào nuôi thử nghiệm với 20 cặp. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi chồn nhung đen ông Na cho biết: “Thức ăn chính của chồn nhung đen là rau, củ, quả, đặc biệt giống này ít dịch bệnh. Mỗi năm chồn nhung đen đẻ 3 lứa, mỗi lứa đẻ từ 3 - 4 con. Giá bán hiện tại của một đôi mới 1 tháng tuổi khoảng 500.000 đồng. Và giá bán thương phẩm của chồn nhung đen 300.000 đồng/kg.

 


Ngoài chim trĩ, ông Na còn nuôi thêm giống chồn nhung đen vào nuôi thử nghiệm.


 
Sau một thời gian nuôi thí điểm hiện tại ông đã gây được 50 cặp chồn nhung đen bố mẹ. Cung cấp giống cho bà con trên địa bàn trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Nam Định, Thái Bình…
 
Hiện tại với nhu cầu của thị trường ngày một gia tăng, con chim trĩ và chồn nhung đen đang mở ra một hướng phát triển kinh tế không những cho bà con nông dân tỉnh Hà Nam mà còn các tỉnh lân cận.


Theo Dantri
 

Các tin cũ hơn