Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh giá mua điện đầu vào cho hơn 10 nhà máy thủy điện nhỏ và nhiệt điện than (công suất dưới 30MW) nhằm giảm lỗ cho các nhà máy.
Theo ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), trong quá trình chuyển đổi hợp đồng mua bán điện giữa các nhà máy điện với bên mua duy nhất là EVN (theo Quy định ở Thông tư 41 về giá phát điện và hợp đồng mua bán điện) nhằm thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh chính thức từ ngày 1-7-2012 tới, đã có hơn 10 nhà máy thủy điện nhỏ và nhiệt điện than đuợc EVN điều chỉnh giá mua điện năm 2012, tăng thêm 5% so với giá mua năm 2011 và so với các hợp đồng đã ký cho cả đời dự án trước đó.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh giá mua điện đầu vào
Đây cũng là một bước đi trong lộ trình tiến tới xem xét, rà soát và điều chỉnh giá hợp đồng bán điện cho các nhà máy điện độc lập, nhằm giảm lỗ cho các nhà máy này.
Nguyên nhân do giá EVN mua điện ở thời điểm đầu tư và ký hợp đồng với các nhà máy nhiều năm trước không còn phù hợp. Các chi phí đầu vào hiện đã biến đổi mạnh (bao gồm thay đổi tỷ giá và lãi suất ngân hàng).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng từng cam kết trước Quốc hội rằng sẽ chỉ đạo EVN rà soát và điều chỉnh các hợp đồng mua-bán điện hợp lý và kết thúc rà soát vào tháng 5 vừa qua.
Tuy nhiên, theo ông Cường, EVN chưa thể điều chỉnh giá mua đối với các nhà máy điện công suất trên 30MW do tình hình tài chính của EVN cũng rất khó khăn, không có nguồn tài chính để thực hiện nếu điều chỉnh giá.
Hơn nữa, EVN và các bên liên quan cũng cân nhắc, tính toán việc các nhà máy điện có công suất trên 30MW có thực sự gặp các vấn đề khó khăn về chi phí đầu vào như các nhà máy điện nhỏ hay không.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng bổ sung thêm rằng, qua hơn 10 tháng vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm, cho dù chỉ thực hiện chào giá và thanh toán theo cơ chế thị trường đối với 5% sản lượng điện phát của các nhà máy tham gia bán điện (95% sản lượng còn lại thanh toán theo hợp đồng sẵn có) song hầu hết các nhà máy đều chào giá cao hơn giá hợp đồng cố định.
Tính ra, Công ty Mua bán điện (thuộc EVN) đã thanh toán 1.178 tỉ đồng cho các nhà máy theo sản lượng chào giá.
Chỉ riêng 2 tháng (tháng 12-2011 và tháng 1-2012) là các nhà máy bán điện chào giá thấp hơn hợp đồng và số tiền thanh toán cho sản lượng điện chào là 33 tỉ đồng và 103 tỉ đồng.