Cần thêm 470 triệu đô la cho kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè

Thứ ba, 05/06/2012, 07:53
Tại hội thảo báo cáo cuối kỳ về dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc – Thị Nghè giai đoạn 2 diễn ra ngày 4-6 tại TPHCM, sau khi nghe báo cáo phương án thực hiện từ Công ty tư vấn SCE của Pháp, một số sở ngành của TPHCM cho rằng còn nhiều điểm cần làm rõ hơn để dự án không bị vướng trong quá trình triển khai.
Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, để việc quản lý dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè giai đoạn 2 có hiệu quả với tổng kinh phí khoảng 470 triệu đô la Mỹ, TPHCM nên thành lập một công ty chịu trách nhiệm thực hiện và vận hành dự án. Công ty này có thể là của nhà nước hoặc tư nhân và được liên kết với UBND TPHCM cùng Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thông qua hợp đồng ủy thác.
 
Về hình thức đầu tư, SCE đề xuất xây dựng theo hình thức hợp tác công – tư  (PPP). Theo SCE, khi tư nhân tham gia vào dự án họ sẽ chịu trách nhiệm về những rủi ro khi được trao quyền trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng.
 
Việc cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 về cơ bản đã hoàn thành

Trong báo cáo phân tích tài chính mà SCE đưa ra, đơn vị này cho rằng để dự án khả thi, TPHCM phải thu phí xử l‎ý nước thải 5.000 đồng/m³ nước cấp và thu phí kết nối đối với các công trình xây dựng mới là 1 triệu đồng/m² nền nhà. Theo tính toán của tư vấn, nếu không thu khoản phí kết nối với các công trình xây dựng thì dự án vẫn khả thi nhưng chi phí xây dựng và chi phí hoạt động sẽ tăng. Tuy nhiên, nếu khoản phí xử lý nước thải 5.000 đồng/m³ nước cấp không được thu thì dự án rất khó khả thi.
 
Sau khi đơn vị tư vấn báo cáo các phương án tài chính và các vấn đề liên quan, đại diện các sở ngành của TPHCM cho rằng bản báo cáo cần làm rõ thêm nhiều vấn đề trước khi trình UBND thành phố phê duyệt.
 
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị đơn vị tư vấn đánh giá phương án tối ưu, bởi theo quy định khi nghiên cứu thì nghiên cứu nhiều phương án nhưng khi trình chỉ trình một phương án khả thi nhất, phương án được chọn phải nêu được ưu, nhược điểm đối với các phương án còn lại. Phương án đưa ra phải đáp ứng yêu cầu về kinh phí, kỹ thuật, công nghệ…
 
Vị đại diện này cho rằng công nghệ mà SCE đề xuất chưa phải là công nghệ hiện đại, phải lưu ‎ý đến công suất của nhà máy xử lý nước thải bởi hiện nay TPHCM đã có một nhà máy xử l‎ý nước thải do Nhật Bản tài trợ vốn.
 
Về việc đơn vị tư vấn đề xuất thành lập một công ty để làm chủ đầu tư dự án, đại diện Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng cho rằng Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM là đơn vị được UBND TPHCM giao làm chủ đầu tư dự án và vận hành nhà máy sau này, nên việc đề xuất lập thêm công ty làm chủ đầu tư dự án là không khả thi và sẽ làm phát sinh nhiều đơn vị quản l‎ý.
 
Về phương án tài chính, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tư vấn phải dựa trên các điều kiện như thời gian vay vốn, lãi suất và lịch trả nợ để đưa ra phương án tài chính phù hợp. Liên quan đến vấn đề thu phí nước thải 5.000 đồng/m³ nước cấp, tư vấn phải làm rõ cơ sở thu bởi theo quy định giá nước thải do HĐND TPHCM thông qua và phải được thực hiện theo lộ trình.
 
Theo cam kết với Ngân hàng Thế giới (WB) dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc – Thị Nghè giai đoạn 1 (gồm xây dựng tuyến cống bao; trạm bơm chuyển tải; cải tạo hệ thống cống thoát nước; nạo vét gia cố chân kè và xây dựng bờ kè đứng) sẽ hoàn thành vào tháng 6-2012

 
Dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc – Thị Nghè giai đoạn 2, bao gồm việc xây dựng tuyến cống bao đường kính 3,2 mét với chiều dài 8 km để chuyển nước thải từ kênh Nhiêu Lộc về nhà máy xử l‎ý nước thải tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2.
 
Hạng mục thứ 2 là xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 480.000 m³/ngày đêm. Việc nghiên cứu khả thi của dự án do Công ty SCE của Pháp lập với số vốn 682.450 euro (tương đương 1,01 triệu đô la Mỹ).
 
Tổng số vốn thực hiện giai đoạn 2 dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè, ước tính khoảng  470 triệu đô la Mỹ từ vốn vay ODA, trong đó vốn vay dự kiến từ WB và ADB là 450 triệu đô la Mỹ, vốn đối ứng của thành phố là 20 triệu đô la, thời gian thực hiện từ năm 2015-2019.
 


Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn