Tuần trước, Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội xác nhận chính thức với PV rằng nước này quyết định ngừng tài trợ 3 dự án liên quan đến biến đổi khí hậu của Việt Nam vì phát hiện những “dấu hiệu bất thường”. Theo tờ The Copenhagen Post, lượng vốn bị sử dụng sai mục đích có thể lên đến 3,3 triệu kroner (khoảng 11,5 tỉ đồng).
Rõ ràng, diễn biến trên sẽ gây ra tổn hại nhất định đối với uy tín của Việt Nam, về việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, trong mắt các đối tác quốc tế. Điều này tạo ảnh hưởng xấu đến nỗ lực phát triển của nước ta khi các nhà tài trợ quốc tế vẫn đang cung cấp nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (Official Development Assistance - ODA) không hề nhỏ.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, trong Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra hồi cuối năm ngoái, các đối tác cam kết 7,39 tỉ USD nguồn vốn vay ODA cho Việt Nam trong năm 2012.
Tính riêng Đan Mạch thì nước này viện trợ hơn 1 tỉ USD cho Việt Nam kể từ năm 1972 đến nay. Vì thế, nếu các đối tác khác cũng nghi ngờ hiệu quả sử dụng những nguồn vốn phát triển do họ cung cấp thì chẳng ít dự án sẽ rơi vào tình trạng đình trệ.
Trước mắt, các chủ đầu tư, nhân sự làm việc tại 3 dự án trên sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Xa hơn, sự việc trên có thể tạo ra một hệ lụy đối với mức độ đánh giá tín nhiệm tín dụng của Việt Nam.
Theo một tác động dây chuyền, trái phiếu chính phủ do Việt Nam phát hành ra quốc tế có thể phải chịu mức lãi suất cao hơn. Khi đó, nền kinh tế nước ta sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Nếu như thế, hậu quả của sự việc trên có thể rất lớn, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt nhiều thách thức, chứ không chỉ là những khoản viện trợ vài triệu USD bị đình trệ.
Vì vậy, trước những dấu hiệu “bất thường” của 3 dự án mà Đan Mạch ngừng viện trợ, chúng ta cần nhanh chóng xác minh làm rõ để tránh các hệ lụy phát sinh rộng hơn. Năm 2008, chúng ta từng có bài học cay đắng khi bị phía Nhật Bản đóng băng các khoản viện trợ ODA vì vụ hối lộ quan chức Việt Nam của Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI).
Chỉ đến khi Việt Nam có những động thái xử lý quyết liệt thì Nhật Bản mới nối lại viện trợ ODA. Do đó, lần này, không thể để chậm trễ trong việc làm rõ trắng đen những “bất thường” ở trên.
Đây cũng là cơ hội để Việt Nam chứng minh nỗ lực minh bạch hóa các dự án phát triển mà những đối tác tài trợ luôn nhấn mạnh suốt nhiều năm qua. Thậm chí, Chính phủ cần triển khai một chương trình rà soát tất cả các dự án đang nhận tài trợ từ quốc tế.
Ngoài ra, trong khi chờ xác minh cụ thể “nghi án” sử dụng vốn sai mục đích ở trên, chúng ta nên chủ động gửi thông điệp chính trực, thậm chí là lời xin lỗi chính thức đến chính phủ Đan Mạch vì đã để xuất hiện sự kiện đáng tiếc.
Mặc dù kết luận cuối cùng vẫn chưa được đưa ra nhưng những thông điệp đó là chẳng thừa khi sự kiện trên rõ ràng khiến đối tác không hoàn toàn hài lòng. Động thái này giúp thể hiện sự cầu thị minh bạch từ phía Việt Nam. Đồng thời, đối với dư luận trong nước, đây cũng là cách để chính phủ chứng minh quyết tâm phòng chống tham nhũng và chi tiêu lãng phí, sai mục đích.