Ngày nay, việc sở hữu 1 triệu USD không còn khó khăn như trước – lạm phát cùng sự mất giá đồng đô la trong suốt 2 thế kỉ qua đã giúp nhiều người Mỹ mau chóng chạm tới giấc mơ “triệu phú”.
Trong quá khứ, từ “triệu phú” (millionaire) mang một sức nặng ghê gớm. Theo từ điển tiếng Anh của Oxford, thuật ngữ này có xuất xứ từ Pháp vào những năm đầu của thế kỉ 18, sau đó được du nhập vào Anh sau hơn gần 100 năm.
Nếu quay trở lại những năm 1719, cho dù bạn thuộc tầng lớp nào trong xã hội Pháp thì 1 triệu li-vrơ cũng là cả một gia tài. 1 thế kỉ sau, điều này vẫn đúng với 1 triệu đô la Mỹ. Chỉ một tỉ lệ phần trăm rất nhỏ người Mỹ được đứng trong hàng ngũ “triệu phú”.
Ngày nay, việc sở hữu 1 triệu USD không còn khó khăn như trước – lạm phát cùng sự mất giá đồng đô la trong suốt 2 thế kỉ qua đã giúp nhiều người Mỹ mau chóng chạm tới giấc mơ “triệu phú”. Khi cụm từ này bắt đầu được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, đa số các triệu phú thời bấy giờ là ông chủ của những tập đoàn đa quốc gia. Tại thời điểm hiện tại, những nhân vật này phần lớn nắm trong tay hàng tỉ đô la.
Từ triệu phú đã trở nên phổ biến trong xã hội ngày nay.
Dù vậy, 1 triệu USD vẫn có thể coi là mục tiêu cao vời vợi, bởi nếu không kể bất động sản, rất ít gia đình có trong tay khối tài sản lớn như vậy. Với một quốc gia có tới 50 triệu người nghèo như Hoa Kỳ, 1 triệu đô vẫn chưa thể là ranh giới của sự giàu có, sung túc.
Nếu bạn về hưu với giá trị tài sản ròng 1 triệu đô la, số tiền đó đủ cho bạn rút ra $50,000 đô la mỗi năm trong vòng 20 năm. Tuy nhiên, với mức sống như hiện nay, mức thu nhập $50,000 không thể đảm bảo cuộc sống sung túc cho bạn như các triệu phú của thế kỉ 18.
Xung quanh thuật ngữ “triệu phú” (millionaire) có vô vàn những câu chuyện ly kì. Thành công vang dội của cuốn sách “Người hàng xóm triệu phú” (The Millionaire Next Door), tác giả Thomas J. Stanley và William D. Danko là minh chứng cho điều này. Phiên bản 2010 của cuốn sách này vẫn đang đứng thứ 29 hạng mục Tài chính cá nhân trên Amazon.com. Tiêu đề phụ của cuốn sách là “Những bí mật kì thú của giới nhà giàu ở Mỹ”, song người viết không hề tiếp xúc với một người giàu thực sự nào trong quá trình tìm kiếm tư liệu sáng tác – chỉ có một vài triệu phú được phỏng vấn.
Điều họ đúc rút ra được từ những cuộc phỏng vấn này là các triệu phú ngày nay làm giàu từ việc tích cóp, chi tiêu dè sẻn, biết lo lắng cho tương lai của mình. Tác giả còn đưa ra dẫn chứng về việc người hàng xóm đi chiếc xe hơi cũ còn tốt lại là người có tài chính vứng vàng hơn một vị hàng xóm khác sắm ô tô sang trọng bằng một khoản vay không nhỏ chút nào. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng kết luận rằng hầu hết mọi người kiếm được tiền triệu từ công việc kinh doanh độc lập, quy mô nhỏ thay vì làm quản lý bậc trung tại những tập đoàn lớn.
Lời khuyên của cuốn sách không hoàn toàn là sai, thậm chí nó còn giúp nhiều độc giả suy nghĩ thấu đáo hơn về thói quen chi tiêu của mình. Tuy nhiên, những lời khuyên ấy khó mà giúp người ta đạt tới sự giàu có trong thời buổi hiện đại. Bởi muốn thế, chúng ta sẽ phải nhìn vào tấm gương của những tỉ phú, thay vì học theo những người có trong tay một vài triệu USD. Danh sách những người giàu nhất nước Mỹ của Forbes có thể chia thành hai nhóm chính.
Nhóm 1 bao gồm những người khởi nghiệp bằng việc kinh doanh nhỏ. Một số nhỏ đạt được thành công vang dội và mở rộng doanh nghiệp của mình lên tầm cỡ thế giới như Bill Gates, Larry Ellison, v.v… Nhóm 2 là nhóm các nhà đầu tư như Warren Buffet và George Soros – những người thực sự có tài trong việc sử dụng tiền của mình và tiền của người khác để tạo ra nhiều, rất nhiều của cải.
Để có được vị trí như họ, bạn còn cả một chặng đường gian truân, đòi hỏi không những trí tuệ, nỗ lực bản thân, mà còn cả yếu tố may mắn nữa. Ngược lại, nếu mục tiêu của bạn chỉ là 1 triệu USD, nhiệm vụ này sẽ dễ dàng hơn nhiều.