ODA, nhìn từ các dự án nghi ngờ gian lận

Thứ hai, 04/06/2012, 16:03
Khi Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen phát đi thông điệp rằng Chính phủ Đan Mạch “không chấp nhận viện trợ phát triển bị sử dụng sai mục đích”, đó chắc hẳn không phải chỉ là một phát biểu ngoại giao.


Người dân Đan Mạch và Việt Nam đều muốn biết tiền đã được tiêu như thế nào tại các dự án ODA.
 

Ở quê nhà, người dân đang dõi theo cách thức xử lý sự việc này của Đại sứ quán Đan Mạch, với tư cách là một cơ quan của Chính phủ Đan Mạch, và cách thức cũng như kết quả xử lý những chuyện đại loại thế này chắc chắn sẽ được thể hiện vào lá phiếu của cử tri trong những kỳ bầu cử sắp tới.

Chính phủ cánh tả của nữ Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt, người của Đảng Dân chủ Xã hội Bắc Âu, mới chính thức nắm quyền chưa đầy một năm, hiện đang chịu những sức ép nặng nề trong việc quản lý và điều hành đất nước trong giai đoạn suy thoái kinh tế, những sức ép đến từ cả người dân và các đảng đối lập.

Trong lịch sử nhiều năm tham gia các hoạt động viện trợ quốc tế, Đan Mạch, cũng  như nhiều quốc gia Bắc Âu khác, luôn được xem là những đối tác hào hiệp và đầy trách nhiệm, không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều quốc gia đang phát triển khác trên thế giới.

Nhưng hào hiệp không có nghĩa là dễ dãi. Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với bất kỳ khoản chi tiêu công nào đã trở thành tiêu chí hàng đầu tại những quốc gia phát triển như Đan Mạch, và điều này nhận được sự đồng thuận sâu sắc từ đông đảo người dân.

Việc cần thiết phải “sớm có kết luận cuối cùng một cách khách quan nhất” về sự việc, đối với ông Nielsen và đồng sự, là một trách nhiệm, và cũng là điều mà đông đảo người dân Việt Nam cũng đang mong muốn, sau khi Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Trần Viết Thanh, đã cam kết điều đó với chính ông Nielsen trong cuộc họp chiều ngày 1/6 vừa qua, xung quanh việc ba dự án ODA từ nguồn vốn viện trợ của Đan Mạch bị ngừng lại vì nghi ngờ có gian lận.

Tại cuộc họp này, như Thông tấn xã Việt Nam đã tường thuật, Thứ trưởng Thanh đã "đánh giá cao việc Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức buổi đối thoại trực tiếp với từng chủ dự án để nghe các dự án giải trình những điểm cần làm sáng tỏ", để từ đó "cùng với Đại sứ quán xây dựng bản báo cáo kết luận để đánh giá khách quan tình hình của các dự án".

Thông điệp đó từ phía cơ quan "chủ quản" các dự án gây tai tiếng là Bộ Khoa học Công nghệ là đáng ghi nhận trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, làm sáng tỏ đến đâu là vấn đề công luận quan tâm: không chỉ là chuyện gian lận, đây còn là vấn đề ngoại giao và thể diện quốc gia.

Khi người dân Đan Mạch muốn biết những đồng tiền thuế họ đóng đang được chi tiêu thế nào, thì chắc chắn người dân Việt Nam cũng muốn được biết điều đó đối với những đồng tiền vay mà sau này được trả bằng tiền thuế của con cháu họ.

Không phải ngẫu nhiên mà trong hội nghị công bố chiến lược đối tác quốc gia mới, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhấn mạnh rằng minh bạch và trách nhiệm giải trình là yêu cầu luôn được nhấn mạnh tại các dự án có sử dụng vốn ODA của Việt Nam.

Báo cáo của cơ quan này tiếp tục ghi nhận rằng tham nhũng "ở cấp độ dự án" vẫn là một dạng "rủi ro" vì "những hạn chế trong năng lực quản lý tín dụng ủy thác" và tình trạng "tham nhũng ăn sâu trong hệ thống".

Trong nỗ lực hội nhập với thế giới, những giải thích đại loại những sai sót là do "đặc thù Việt Nam" sẽ không còn lọt tai nữa. Hiện không thiếu gì công cụ nghiệp vụ cả về an ninh và tài chính để có thể "đọc" lại các báo cáo và số liệu, để từ đó có để "đánh giá khách quan" như lời Thứ trưởng Trần Viết Thanh.

WB cho biết trong kế hoạch hoạt động tại Việt Nam tới đây, các chức năng kiểm toán nội bộ và xây dựng năng lực chống tham nhũng sẽ tiếp tục được lồng ghép vào trong tất cả các dự án nếu thích hợp. "Rủi ro tham nhũng cũng có thể được giảm bớt bằng những nỗ lực tăng cường quản trị thể chế và tận dụng mọi cơ hội để tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân trong các dự án", báo cáo của cơ quan này viết.

Lo lắng này của WB cần được "chuyển hóa" mạnh mẽ vào cách thức quản lý và điều hành các dự án ODA tại Việt Nam, trong bối cảnh "tai tiếng" đã khá nhiều, từ PMU 18 đến đại lộ Đông Tây và giờ là các dự án "có nghi ngờ gian lận". Đừng quên, trong danh mục ODA đã cam kết, vẫn còn khoảng hơn 30 tỷ USD chưa giải ngân và nguy cơ "gian lận" vẫn còn đang lơ lửng ở đâu đó.


Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn