Ăn gian trọng lượng gas: Khó quản do chồng chéo

Thứ ba, 05/06/2012, 13:20
Với thủ thuật “hô biến” tinh vi, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là gas chính hãng và đâu là gas đã bị “phù phép". Trong khi đó, việc quản lý của các cơ quan chức năng cũng còn nhiều bất cập.
 

Rút ruột để khuyến mại

Chị Võ Thu Hà, trú tại 14b/6 Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội cho biết, gia đình chị mới sử dụng gas của một công ty kinh doanh gas nằm trên đường Bưởi. Lần thứ nhất, gia đình dùng bình gas 11kg mang nhãn hiệu Shell gas được 2 tháng sử dụng. Lần thứ hai, cũng nhãn hiệu đó, bình gas nhà chị bị “ngót” đi nửa tháng, nghĩa là chỉ hơn 1 tháng đã phải đổi bình mới.

Cơ sở sang chiết gas của Petrolimex tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng).

Một trường hợp khác là gia đình chị Nguyễn Thùy Vân, trú tại B6, Khu tập thể Thành Công B, Ba Đình, Hà Nội. “Tôi đi mua bếp gas, thấy cửa hàng cũng kinh doanh với nhiều hãng gas khác nhau, được tư vấn nên tôi quyết định sử dụng luôn gas của cửa hàng. Điều khiến tôi băn khoăn nhất là gas ở đây bán giá rẻ hơn chỗ khác 10.000 đồng/bình. Khi sử dụng tôi không bao giờ được hưởng bất kỳ chế độ khuyến mại nào của hãng, trong khi đó, gia đình hàng xóm cũng dùng gas hãng đó nhưng lại được tặng quà mỗi dịp có chương trình khuyến mại”, chị Vân cho biết.

Tuy nhiên, theo anh Bùi Hải Thanh - Chủ đại lý một hãng gas nổi tiếng trên đường Cầu giấy, Hà Nội, cho biết người tiêu dùng không nên dựa vào cơ sở được tặng quà khuyến mại mà tin tưởng rằng đang sử dụng sản phẩm chính hãng.

“Có nhiều cơ sở kinh doanh gas nhỏ lẻ dùng đủ chiêu trò để "móc túi" người tiêu dùng một cách trắng trợn. Thậm chí, để hút khách, không ít cửa hàng đã rút ruột cân điêu rồi còn rêu rao giảm giá khuyến mãi để kiếm lợi. Điển hình cho chiêu này chính là bán với giá bán rẻ hơn từ 10.000-30.000 đồng/bình gas; một số đại lý đã đánh vào tâm lý giá rẻ để kích cầu. Nhưng ít ai hiểu được sự thực mình đang bị móc túi trắng trợn với việc ăn bớt khối lượng”, anh Hải cho biết.

Theo lực lượng chống giả, hầu hết bình gas sản xuất trọng lượng đúng với thông số, nhưng một số đại lý hàn thêm sắt dưới đáy  bình hoặc ghi sai thông số trên bình để móc túi người tiêu dùng.

Khó quản bởi chồng chéo?
 
Để thành lập một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gas phải qua nhiều khâu: Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh; Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy quản lý việc cấp giấy phép đủ điều kiện an toàn cháy, nổ; Sở Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cũng như chịu trách nhiệm kiểm soát về hoạt động kinh doanh của các cơ sở.

Sử dụng gas chính hãng là cách tốt nhất bảo vệ quyền lợi chính người tiêu dùng

Riêng Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn tại các cơ sở sang chiết, kinh doanh gas… Như vậy, có thể thấy có nhiều cơ quan chức năng cùng quản lý kinh doanh mặt hàng gas, nhưng trên thực tế, công việc quản lý sau cấp phép bộc lộ nhiều bất cập bởi khó quản lý và xử lý sai phạm do trách nhiệm chồng chéo.

Đây cũng là lý do vì sao trạng sang chiết gas lậu, làm giả bình gas, ăn gian khối lượng gas không được giải quyết triệt để mà thậm chí thủ đoạn ngày càng tinh vi, bất chấp hậu quả khôn lường do sử dụng bình gas không đảm bảo an toàn chất lượng gây cháy nổ.

Thực tế đã có không ít vụ cháy nổ gas nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua mà hậu qủa của nó là tiền mất - tật mang, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng.

Một giải pháp hiệu quả cho công tác quản lý kinh doanh mặt hàng gas hiện nay vẫn là câu hỏi khó có lời giải đối với các ngành chức năng, từ trung ương đến địa phương.


Theo CLVN

Các tin cũ hơn