Lương CEO nhà băng Việt được công khai ra sao?

Thứ bảy, 15/12/2012, 14:50
Trong khi một số nhà băng khá minh bạch trong việc hạch toán thu nhập ban tổng giám đốc thì tại không ít nơi, điều này là bí mật.

Đến nay, hầu như các ngân hàng đều chưa công bố thông tin về mức thu nhập dành cho thành viên là tổng, phó tổng giám đốc. Điều này thường chỉ được công bố vào cuối năm, trong báo cáo tài chính, tại kỳ đại hội cổ đông của năm tiếp theo của một số ngân hàng niêm yết.

Các năm trước, thu nhập của một CEO ngân hàng cỡ vừa phổ biến tại 200-300 triệu đồng/tháng, cũng có người nổi trội nhận được nhiều hơn, song không nhiều. Con số này được dự báo sẽ phổ biến trong năm nay, thậm chí có thể giảm.

Nhìn lại thu nhập của tổng giám đốc nhà băng các năm trước, có thể thấy, Eximbank và ACB là hai trong số các đơn vị minh bạch thu chi liên quan tới chức danh cao nhất trong ban điều hành này. Trong quý III vừa rồi, điểm chung của cả hai đơn vị này là báo lỗ do kinh doanh vàng, ngoại hối.

 lương CEO ngân hàng
Eximnbank là một trong số những đơn vị hiếm hoi có công khai thu nhập của ban tổng giám đốc sau mỗi năm hoạt động.

Tại Eximbank, báo cáo thường niên năm 2010 cho thấy, năm 2009, ngân hàng này đã chi ra hơn 11,4 tỷ đồng để trả lương cho ban tổng giám đốc (gồm 10 thành viên), tương đương mỗi thành viên nhận về hơn 1 tỷ đồng (bình quân 95 triệu đồng/người/tháng). 

Đến năm sau (2010), số thành viên của Ban tổng giám đốc tăng lên là 12 người, mức chi trả cũng tăng thêm so với 2009, lên 16,2 tỷ đồng. Tính bình quân, một người trong ban tổng giám đốc nhận về khoảng trên 112 triệu đồng/tháng. Đến năm 2011, số tiền lương của ban tổng giám đốc Eximbank gần gấp đôi, lên 24,7 tỷ đồng cho cả năm. Chia bình quân cho 9 người trong ban, một năm, mỗi cá nhân nhận về 2,7 tỷ đồng, khoảng xấp xỉ 229 triệu đồng/tháng.

Còn với ACB, nguyên tắc chi trả thù lao cho ban tổng giám đốc cũng được ghi nhận tại mục giao dịch với các bên liên quan trong thuyết minh báo cáo tài chính. Cơ sở để xác định số tiền cần chi, ACB dựa vào việc phân biệt thành viên chuyên trách và không chuyên trách. Với thành viên chuyên trách, mức thù lao bằng thu nhập bình quân tháng của nhân viên bậc 8 cộng trừ 50%. Còn với thành viên chuyên trách là bằng 20-30% thù lao của thành viên chuyên trách.

Năm 2011, tại ngân hàng này, thu nhập của ban tổng giám đốc là hơn 17,4 tỷ đồng, cao gần 4 tỷ đồng so với mức 13,7 tỷ của năm 2010. Tính ra, 9 thành viên trong ban tổng giám đốc, mỗi người nhận về bình quân trên 1,9 tỷ đồng/năm, tương đương trên 160 triệu đồng/tháng.

HĐQT và ban kiểm soát nhận về mức thù lao hơn 10,8 tỷ đồng (năm 2010 là hơn 8,8 tỷ). Trước đó, năm 2009, thu nhập ban tổng giám đốc của ACB ở con số khiêm tốn hơn là 9,3 tỷ đồng. Khi đó, ban tổng giám đốc có 8 thành viên, mỗi người nhận về hơn 96,8 triệu đồng/tháng bình quân. Bên cạnh lương hàng tháng, ban tổng giám đốc ACB còn được nhận cổ phiếu thưởng, ôtô, các chế độ khác như bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe…

Một số ngân hàng quy mô nhỏ hơn như Navibank cũng công bố chi tiết tổng thu nhập của các thành viên chủ chốt trong ngân hàng là hơn 6 tỷ đồng năm 2011. Trung bình mỗi người khoảng 1 tỷ đồng/năm (hơn 80 triệu đồng/người/tháng).

Không tiết lộ chi tiết mức thu nhập của các lãnh đạo hay nhân viên, nhưng Phó tổng giám đốc ACB, ông Nguyễn Thanh Toại cho biết, năm nay, không riêng gì ngành ngân hàng mà cả nền kinh tế cùng khó khăn, do đó, chuyện giảm chi phí trong đó có chi phí tiền lương là điều không khó hiểu.

Nhân vật cốt cán của một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội nói thẳng, qua năm nay, những ai chưa bị bật đi khỏi “ghế nóng” CEO là vẫn còn hạnh phúc.

Nhắc lại hàng loạt “biến cố” liên quan tới giới chóp bu của ngân hàng thời gian vừa qua, vị này cho biết, nhiều khả năng, thu nhập của giới lãnh đạo ngân hàng cũng không còn được duy trì như các năm trước, khi hoạt động kinh doanh khó khăn, nợ xấu tăng, dự phòng cao, lợi nhuận, chi phí giảm.

Còn chuyện "giấu" thu nhập, theo vị này, không quá khó hiểu vì ngân hàng là ngành đặc thù, hơn nữa thu nhập cao, thấp cũng đồng nghĩa với trình độ, khả năng của người làm CEO đến đâu, được trao quyền như thế nào, nên đây là vấn đề tế nhị.

Tuy nhiên, theo ý kiến của những người làm trong ngành tài chính ngân hàng, thu nhập của các tổng và phó tổng giám đốc, ngoài mức lương hàng tháng còn là tỷ lệ chia trả cổ tức cũng như lợi nhuận từ một số hoạt động kinh doanh khác, trong đó có mua bán cổ phiếu và còn là việc tổng và phó tổng giám đốc được trao quyền đến đâu.

Chẳng hạn, tại một số ngân hàng, tổng giám đốc chỉ đơn thuần là chức danh, phó tổng hoặc phía hội đồng quản trị mới là người điều phối chính, và ngược lại. Do vậy, nhiều CEO giỏi thậm chí được chào mời về các doanh nghiệp với mức lương cả triệu đô, song vẫn ngần ngừ, còn không ít người khác bằng lòng với số lương không quá cao để làm việc tại một nhà băng thương mại.

 

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích