Dự kiến năm nay Bình Dương sẽ đạt mức kỷ lục về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với xấp xỉ 2,6 tỉ USD, tăng tới 160% so với mục tiêu đề ra. Trong đó, các nhà đầu tư Nhật chắc chắn sẽ là đầu tàu tăng trưởng mạnh nhất của tỉnh này, cũng như trong cả nước.
Địa bàn chiến lược
Với chính sách “trải thảm đỏ đón chào các nhà đầu tư, trải chiếu hoa đón chào các nhà trí thức”, Bình Dương đã giành vị trí quán quân từ kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2007. Đặc biệt, PCI có sự tham gia của hàng ngàn doanh nghiệp FDI và chiếm đa số là các công ty Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan.
Doanh nghiệp Nhật Bản dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Bình Dương. |
Năm ngoái, mặc dù PCI của Bình Dương tụt xuống hạng 10, địa phương này vẫn duy trì điểm cao trong các tiêu chí quan trọng gồm chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và tính minh bạch. Đây chính là lý do để Bình Dương có thể tiếp tục níu chân khối FDI, nhất là các nhà đầu tư Nhật. Thực tế đã chứng minh, người Nhật chẳng những tiếp tục “bám rễ” lâu dài mà còn quyết định tăng vốn đầu tư tại đây.
Tờ Financial Times nêu ý kiến của ông Tony Foster, hiện điều hành một công ty tư vấn quốc tế về vị thế chiến lược của Bình Dương: “Thuộc tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam cùng lợi thế đất đai, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, Bình Dương có khả năng sẽ chiếm 15%-20% vốn FDI cả nước”.
Có thể so sánh vị thế của Bình Dương trong thu hút vốn FDI thời gian qua với một địa phương thuộc tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam là Đồng Nai thông qua trường hợp của 2 đại gia Becamex và Tín Nghĩa.
Becamex hiện có 28 đơn vị thành viên gồm cả các công ty liên doanh với nước ngoài. Trong đó, Khu Công nghiệp VSIP (liên doanh giữa Becamex và Sembcorp của Singapore) là một trong những mô hình đạt hiệu quả đầu tư tích cực nhất tại Bình Dương tính đến nay. Mới đây, liên doanh 1,2 tỉ USD giữa Becamex với tập đoàn Tokyu của Nhật cũng hứa hẹn sẽ là điểm nhấn chính của dự án Thành phố mới Bình Dương trong tương lai.
Trong khi đó, Tín Nghĩa được xem là “chaebol” của Đồng Nai với cách tư duy theo kiểu giống của Becamex gồm tham gia hoạt động đầu tư đa dạng trong các lĩnh vực địa ốc, vận chuyển, nông sản, giải trí, du lịch. Tuy nhiên, quy mô và tầm ảnh hưởng của nó, nhất là các dự án liên doanh với đối tác nước ngoài hiện vẫn là một câu hỏi lớn.
Cuộc đua tăng vốn
“Cách đây 6 năm, chúng tôi chỉ có số vốn ban đầu là 2 triệu USD. Nhưng với hơn 150 triệu USD vốn bổ sung mới đây, vốn đầu tư đã tăng gần 120 lần, còn số lao động tăng tới 22 lần”, ông Mitsuyoshi Mukohata, Tổng Giám đốc Công ty Wonderful Sài Gòn Electrics (WSE), cho biết. Mục tiêu tăng vốn lớn của nhà đầu tư này là nhằm tăng cường năng lực sản xuất các sản phẩm camera module, vi mạch, bo mạch lên mức hơn 245 triệu sản phẩm/năm.
Bình Dương thu hút FDI mạnh nhất so với các tỉnh trong cả nước. |
WSE là một trong nhiều nhà đầu tư Nhật đã đổ thêm vốn lớn vào Bình Dương trong năm nay.
Tại Bình Dương, ngoài WSE, còn có 2 công ty Nhật khác cũng thuộc nhóm tăng vốn mạnh nhất trong tháng 11 vừa qua là Công ty Cổ phần Sun Steel (sản xuất tôn, thép) và Sài Gòn Stec (công nghệ cao).
Sun Steel đã tăng vốn lên mức 420 triệu USD nhằm đầu tư thêm 2 dây chuyền mạ kẽm và mạ màu để đáp ứng mức tăng trưởng tiêu thụ trong và ngoài nước thêm 20% trong năm sau.
Còn Sài Gòn Stec cũng vừa tăng thêm 175 triệu USD vốn để mở rộng qui mô sản xuất bản mạch điện tử máy chụp hình. “Chúng tôi sản xuất 7-8 triệu sản phẩm/tháng, nhưng nhu cầu của khách hàng trong tháng 9 và 10 đã tăng lên hơn 14 triệu sản phẩm /tháng và còn tiếp tục trong năm mới”, ông Hidetake Senoo, Tổng Giám đốc Sài Gòn Stec, dẫn chứng.
Các nhà đầu tư Nhật thường khó tính, bài bản nhưng cũng khá kiên nhẫn. Sau thời gian tìm hiểu và thấy được tiềm năng cùng môi trường đầu tư thuận lợi, họ sẽ “bám trụ” và từng bước tăng cường quy mô hoạt động để đảm bảo hiệu quả đầu tư trong dài hạn. Ông Senoo, Sài Gòn Stec, tự tin cho rằng: “Bình Dương có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để hút vốn của các doanh nghiệp Nhật”.
Xu hướng tăng vốn của các doanh nghiệp Nhật tại Bình Dương thậm chí đã tạo thành hiệu ứng domino và lan sang các công ty có quy mô hoạt động nhỏ hơn như Giấy Glatz Việt Nam, Kirin Acecook Việt Nam, Vina Showa Nitto, Uchihashi…với vốn đầu tư tăng từ 15-20 triệu USD/công ty trong năm nay.
Theo NCĐT