Hiệp hội mía đường “kêu cứu” tới Thủ tướng

Thứ tư, 19/12/2012, 07:25
Trong khi Thủ tướng vẫn chưa có phản hồi trước kiến nghị gỡ khó cho ngành đường của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) hồi cuối tháng 11 thì doanh nghiệp mía đường tiếp tục “vướng” vào thế khó khi giá nội địa sụt giảm mạnh.

Nhà máy đường chờ… cứu

Thống kê của Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết vụ sản xuất đường 2012-2013, dự kiến sản xuất được trên 1,5 triệu tấn, nếu cộng với lượng đường cho nhập khẩu theo hạn ngạch cam kết với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2012 là 70.000 tấn và lượng tồn kho 178.100 tấn (tính đến thời điểm 15/8/2012), thì tổng lượng đường của niên vụ 2012-2013 là khoảng 1,748 triệu tấn.

“Với mức tiêu thụ của vụ 2012-2013 dự báo tương đương vụ 2011-2012, tức khoảng 1,3 triệu tấn, thì lượng đường dư thừa khoảng trên 400.000 tấn”, ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA cho biết.

Theo ông Hải, ngành mía đường đang gặp khủng hoảng thừa, không tiêu thụ được khiến giá giảm mạnh. “Nếu những khó khăn này không sớm được giải quyết kịp thời, thì ngành mía đường Việt Nam (bao gồm nông dân trồng mía và doanh nghiệp) không thể đứng vững và tồn tại được”, ông Hải cho biết.

hiệp hội mía đường
Hiệp hội mía đường Việt Nam có kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành đường. Trong ảnh là mía nguyên liệu được chuyển lên nhà máy đường huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang để ép

Đứng trước những thách thức của các yếu tố trong và ngoài nước tác động đến ngành mía đường Việt Nam, cuối tháng tháng 11 rồi, VSSA có công văn số 55/2012/CV/HHMĐ gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị “giải quyết một số vấn đề tồn tại gây khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ mặt hàng đường”.

Theo ông Hải, đối với vấn đề buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường, VSSA đã kiến nghị với Chính phủ có chỉ thị chống buôn lậu, tiếp tay với buôn lậu đường. Bên cạnh đó, bổ sung đường ăn vào danh mục các mặt hàng cấm và tạm ngưng “tạm nhập tái xuất”.

“Riêng đường thô và đường trắng tạm nhập để sản xuất ra đường tinh luyện xuất khẩu và chế biến hàng xuất khẩu, chúng tôi kiến nghị quản lý chặt về lượng, thời điểm cho nhập, xuất để tránh ảnh hưởng đến sản xuất trong nước”, ông Hải cho biết.

Đối với vần đề xuất tiểu ngạch đường, công văn của VSSA gửi Thủ tướng kiến nghị: “Xin cho sản phẩm đường được xuất khẩu tiểu ngạch qua cửa khẩu phụ và lối mở biên giới mà không cần giấy phép”.

Theo ông Hải, dù chưa có văn bản chính thức nhưng nhiều khả năng Bộ Công Thương sẽ chấp thuận cho VSSA được xuất tiểu ngạch 300.000 tấn đường trong thời gian tới.

Ngoài ra, ông Hải cho biết VSSA còn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành xóa bỏ các chính sách có liên quan đến nhập khẩu đường, chẳng hạn, trường hợp giảm thuế nhập khẩu đường theo thông tư số 157/2011/BTC của Bộ tài chính ngày 14/11/2011; xóa quota (hạn ngạch nhập khẩu) theo cơ chế “xin-cho” và áp dụng cơ chế đấu thầu quota như nhiều nước trên thế giới áp dụng.

 
Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát (Hậu Giang) đã chính thức tạm ngừng hoạt động hơn 10 ngày qua do thua lỗ vì tình hình tiêu thụ sản phẩm trong nước gặp khó khăn.
 

“Việc xóa bỏ cơ chế “xin- cho” góp phần xóa bỏ nguồn gốc tạo ra đặc quyền, đặc lợi trong việc cho và nhận hạn ngạch nhập khẩu”, ông Hải cho biết.

Giá nội địa rơi tự do

Nếu như thời điểm này năm ngoái, giá đường nội địa được các đại lý, cơ sở kinh doanh phân phối sỉ và lẻ đến tay người tiêu dùng với giá 23.000 – 25.000 đồng/kí lô gam, thì hiện chỉ còn khoảng 15.000 – 17.000 đồng/kí lô gam, tức giảm khoảng 8.000 đồng/kí lô gam so với cùng kỳ năm ngoái và giảm khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kí lô gam so với mức giá cách nay khoảng 1 tháng.

Theo VSSA, tính đến thời điểm tháng 11 vừa qua, giá đường nội địa giảm xuống chỉ bằng 76% giá đường của năm 2011, tức mức giá tính đến tháng 11-2012 chỉ đạt khoảng 15.000 đồng/kí lô gam (giá tại nhà máy).

“Giá bằng 76% năm ngoái đó là ở thời điểm tháng 11, chứ hiện nay chắc chắn sẽ còn giảm mạnh hơn nhiều”, ông Hải cho biết.

Riêng đối với nông dân trồng mía ở ĐBSCL, khép lại vụ năm nay với kết quả lỗ nặng. Ông Nguyễn Văn Đua, thương nhân cũng là một hộ dân trồng mía ở ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang - địa phương trồng mía lớn nhất ĐBSCL cho biết: “Vụ mía năm nay, có lúc nông dân bán được 900 đồng/kí lô gam, lúc 700 hay 800 đồng/kí lô gam. Tuy nhiên, theo nhẩm tính của tôi thì giá bán cao nhất chắc cũng chỉ khoảng 800 đồng/kí lô là cùng”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, cho biết giá thành sản xuất mía năm nay của bà con ở vào khoảng 820 – 850 đồng/kí lô gam.

“Rõ ràng, vụ mía năm nay bà con trồng mía chúng tôi đâu có lãi gì đâu”, ông Đua cho biết.

Theo TBKTSG

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn