Người tiêu dùng Việt Nam phản ứng như thế nào nếu để vài “ông Tây” vào nước mình làm ăn rồi mở mang và giàu có nhưng lại không đóng góp cho mảnh đất đã dung dưỡng họ trong nhiều năm liền? Liệu họ có đáng để người tiêu dùng tiếp tục ủng hộ?
Đứng ở góc độ đại diện cho người tiêu dùng TP.HCM, ông nhìn nhận thế nào về những chiêu trò biến lãi thành lỗ và nghi vấn chuyển giá nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của các hãng nước giải khát Coca-Cola, Pepsi Co và hàng loạt doanh nghiệp FDI kinh doanh đồ uống, đồ gia dụng, bán lẻ khác?
Tôi nghĩ rằng, đây không chỉ là hành vi gây thất thu thuế cho Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm mà còn đánh mất lòng tin của người tiêu dùng, bởi những sản phẩm đồ uống như Coca-Cola, Pepsi-Cola vốn đã lấn át hoàn toàn các sản phẩm trong nước, chiếm lĩnh phần lớn thị phần đồ uống tại TP.HCM và cả nước hiện nay.
Trong khi người tiêu dùng đóng đủ các loại thuế, phí để xây dựng đất nước, thì vẫn có một số doanh nghiệp FDI chỉ biết làm giàu trên những giọt mồ hôi của người dân, của người tiêu dùng và của cả đất nước này. Liệu có phải chúng ta đang bị họ lợi dụng lòng tin và họ đã quá xem thường pháp luật Việt Nam hay chăng?
Ngay bản thân những người tiêu dùng cũng chưa nhận thức hết được chiêu trò trốn thuế, né thuế này. Điều mà người tiêu dùng quan tâm là các doanh nghiệp FDI đã làm tròn trách nhiệm xã hội của mình cho Việt Nam hay chưa?
Tiến sĩ Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM |
Tôi không hiểu tại sao lại có chuyện vô lý như vậy! Hoạt động tại Việt Nam hàng chục năm như Coca-Cola VN, Pepsi Co mà không phải đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào thì thật sự là điều khó tin.
Nghịch lý ở chỗ vì khai lỗ nên sau họ chỉ nộp thuế giá trị gia tăng (thực chất là do người tiêu dùng nộp) và thuế môn bài, còn thuế thu nhập doanh nghiệp đến nay vẫn chỉ là con số không. Nếu như họ liên tục làm ăn thua lỗ thì hẳn phải ngừng hoạt động, tuyên bố phá sản, nhưng đằng này lại quảng bá rầm rộ, mở rộng thêm nhà máy... Trên thực tế, đó chỉ là những thủ đoạn nhằm để trốn thuế, né thuế mà thôi !
Theo ông, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp FDI cần phải được hiểu ra sao, đặc biệt như trường hợp của Coca-Cola VN, Pepsi Co – vốn là những doanh nghiệp FDI chưa bao giờ thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp?
Theo ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng - Phó trưởng ban Cải cách Tổng cục Thuế, trong thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tập trung thanh tra những doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, “lỗ triền miên” như Coca-Cola VN hay Pepsi Co và một doanh nghiệp khác thuộc ngành đồ uống trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp FDI thời gian qua thường xuyên báo lỗ nhưng vẫn mở rộng hoạt động đầu tư, tăng trưởng doanh thu với tốc độ đáng kể. |
Khi các doanh nghiệp này hoạt động có lãi mà giấu giếm để khai lỗ nhằm trốn thuế, né thuế thì rõ ràng là họ đã thiếu đi trách nhiệm xã hội và tự mình đánh mất hình ảnh, đánh mất uy tín trước đông đảo những người tiêu dùng Việt Nam.
Bởi vì một trong những yếu tố chính trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong và ngoài nước chính là nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước.
Nhà nước rất cần đến nguồn thuế này để xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao các phúc lợi xã hội, trả lương bổng cho các tầng lớp xã hội (mà bản thân các tầng lớp này chính là người tiêu dùng – những người trực tiếp mua hàng hóa của các doanh nghiệp này) và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.
Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp FDI cần phải đuợc hiểu là những đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững ở đất nước mà mình đang hoạt động sản xuất kinh doanh, thông qua việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và những việc làm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động, cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội.
Rõ ràng, nếu các doanh nghiệp FDI làm tốt trách nhiệm xã hội, nộp thuế đầy đủ thì có thể giúp cho họ tăng giá trị thương hiệu và uy tín đáng kể trên thị trường Việt Nam. Và chính uy tín sẽ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, hấp dẫn người tiêu dùng, nhà đầu tư.
Những người tiêu dùng trong nước nếu có trách nhiệm sẽ quan tâm hơn tới sản phẩm nước ngoài mà mình đang sử dụng liệu có ảnh hưởng đến môi trường và phúc lợi cộng đồng hay không? Tôi cho rằng, những trường hợp doanh nghiệp FDI không tuân thủ trách nhiệm xã hội, chỉ chăm chăm làm giàu mà không đóng thuế hoặc có hành vi chuyển giá nhằm né thuế thì trong tương lai sẽ không còn cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam.
Không chỉ Coca-Cola, nhiều tập đoàn đa quốc gia và cả các doanh nghiệp FDI đã và đang sử dụng chiêu bài dàn xếp lỗ giả - lãi thật nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ thuế hàng ngàn tỉ đồng. Theo ông, hành vi trốn thuế có phải nằm ở khía cạnh đạo đức của các doanh nghiệp FDI?
Đạo đức và trách nhiệm xã hội rõ ràng là những vấn đề không thể thiếu trong kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp FDI vốn đã có tên tuổi trên thị trường quốc tế thì lại cần phải được đề cao hơn bất cứ doanh nghiệp nào khác. Đây là những bộ phận quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của mọi doanh nghiệp. Việc tôn trọng đạo đức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ mang lại lợi ích chung cho người lao động, người tiêu dùng và cộng đồng.
Còn kinh doanh mà chỉ nghĩ đến quyền lợi mình mà quên đi phúc lợi cộng đồng theo kiểu trốn thuế, né thuế là kiểu kinh doanh vô đạo đức, hoàn toàn không thể chấp nhận được!
Đơn cử như hành vi chuyển giá nhập nguyên phụ liệu (trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao) của Coca-Cola VN đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước vì bị thất thu thuế. Đó là vấn đề thiếu đạo đức của một bộ phận doanh nghiệp FDI.
Người tiêu dùng nên nhận thức rõ vấn đề này để ứng xử cho phù hợp. Khi trình độ của người tiêu dùng được nâng lên thì nhận thức về mọi doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội, đạo đức và trách nhiệm đối với người tiêu dùng là điều đương nhiên.
Phải chăng do luật pháp chúng ta còn nhiều kẽ hở nên các doanh nghiệp FDI tìm cách lách luật để trốn thuế?
Tôi cho rằng, Coca-Cola VN, Pepsi Co và một vài doanh nghiệp FDI đang lợi dụng những ưu ái trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Nhà nước ta. Mặt khác, họ cũng tìm cách lách luật, tìm kiếm những kẽ hở trong luật pháp của chúng ta, trong đó có kẽ hở trong Luật đầu tư, trong vấn đề quản lý về thuế để nhằm trốn thuế, né thuế...
Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng trốn thuế nêu trên của một số doanh nghiệp FDI?
Tôi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do trách nhiệm xã hội của các chủ doanh nghiệp còn thấp, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt của doanh nghiệp mà quên những hậu quả mà mình đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cho xã hội. Một số doanh nghiệp FDI do đặt nặng mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá nên lơ là trách nhiệm xã hội là đương nhiên. Và Nhà nước cùng những người tiêu dùng đã phải chịu thiệt thòi bởi tình trạng trốn thuế này.
Người tiêu dùng cần có thái độ phản ứng gì trong vấn đề trốn thuế của một số doanh nghiệp FDI, thưa ông?
Rõ ràng là người tiêu dùng không thể đồng tình với những nghi vấn của cơ quan chức năng về hành vi chuyển giá, trốn thuế của Coca-Cola VN, Pepsi Co hay và hàng loạt doanh nghiệp FDI kinh doanh đồ uống, đồ gia dụng, bán lẻ khác.
Các doanh nghiệp FDI cần phải hiểu rằng, vai trò của người tiêu dùng sẽ rất lớn, quyết định sự tồn tại của họ. Người tiêu dùng có quyền quay lưng, không mua hàng hóa của nhà sản xuất nếu như doanh nghiệp không ý thức được trách nhiệm xã hội và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vì lợi ích cộng đồng.
Họ cần phải biết rằng, mình sống và sản xuất trên mảnh đất này, người tiêu dùng mua hàng, “nuôi sống” mình thì mình phải làm sao đóng góp cho sự phát triển của đất nước mà mình hoạt động. Phải đáp ứng lại đối với lòng tin của người tiêu dùng bằng hàng hóa có chất lượng, giá thành hợp lý và trách nhiệm cộng đồng.
Thử nghĩ xem, nếu mỗi năm chúng ta thất thu thuế hàng ngàn tỉ đồng thì cộng lại 5 năm hoặc 10 năm hay hàng chục năm thì con số này lớn đến cỡ nào? Việc Coca-Cola VN, Pepsi Co liên tục khai báo lỗ đã làm thất thoát không biết bao nhiêu tiền của Nhà nước?
Tôi cho rằng, nếu người tiêu dùng biết được một thương hiệu lớn như Coca-Cola, Pepsi Co hay Metro Cash & Carry, Adidas mà biết rõ hành vi trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế như thế, thì có lẽ người tiêu dùng cũng quay mặt từ rất sớm. Mỗi chai Coca, Pepsi họ uống tưởng chừng góp phần cho những đồng thuế của đất nước mình, nhưng thật đáng thất vọng!!! Người tiêu dùng có quyền lực “mềm” của mình và họ có quyền phản đối những sản phẩm đi ngược lợi ích cộng đồng.
Hãy tẩy chay Coca-Cola - đó mới là phản ứng đúng! |
Vậy còn trách nhiệm của cơ quan quản lý, trong đó có cơ quan thuế khi để xảy ra những hành vi trốn thuế của một số doanh nghiệp FDI? Các cơ quan quản lý cần phải làm gì để ngăn ngừa tái diễn tình trạng này?
Tôi không hiểu tại sao một công ty lớn hoạt động tại Việt Nam gần 20 năm, năm nào cũng báo lỗ mà cán bộ thuế không biết gì, ít ra phải có nghi ngờ và báo cáo cho cấp trên để xin chỉ đạo ngay từ thời gian đầu? Coca-Cola VN và một số công ty lớn tầm cỡ thế giới mà lại hành động như vậy, thật là thiếu trách nhiệm, nhưng trách nhiệm của cán bộ thuế, cán bộ quản lý là lại càng lớn hơn!
Câu hỏi là tại sao sự việc diễn ra nhiều năm như thế mà bây giờ cơ quan thuế mới lên tiếng. Trách nhiệm quản lý ở đâu?
Các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế và công an kinh tế, phải xem xét đưa các công ty, doanh nghiệp này vào diện quản lý đặc biệt. Họ âm mưu trốn thuế thì càng phải soi cho kỹ, kiểm tra thật nhiều. Có như vậy mới giảm hoặc hạn chế, ngăn chặn tình trạng chuyển giá để trốn thuế.
Tôi đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ hơn, phải có chế tài mạnh hơn để làm cho họ minh bạch. Mặt khác đây cũng là lỗ hổng mà luật pháp Việt Nam cần rà soát lại để hoàn thiện.
Theo tôi, Nhà nước cần phải tăng cường kiểm soát các hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp FDI có hành vi chuyển giá, biểu hiện trốn thuế, né thuế nhằm tăng cường truy thu thuế. Các cơ quan quản lý cũng cần phải nghiên cứu lại mức thuế thu nhập doanh nghiệp, liệu có ưu tiên cho doanh nghiệp FDI hay không? Liệu có công bằng hay không khi có sự chênh lệch trong mức thuế thu nhập giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài?
Bên cạnh đó Nhà nước cần đầu tư thêm để có những nguyên liệu, máy móc, công nghiệp phụ trợ cho hoạt động sản xuất nước giải khát, đồ gia dụng… để Coca-Cola, Pepsi Co hay các doanh nghiệp FDI khác không phải nhập của công ty mẹ nhằm tránh hành vi chuyển giá.
Có thực tế phải nhìn nhận là một bộ phận không nhỏ “chất xám” người Việt làm việc cho các doanh nghiệp FDI đang được trả lương cao gấp nhiều lần so với mức lương của các doanh nghiệp trong nước. Liệu đó có phải là do lợi nhuận của các công ty này cao nên mới có mức lương như vậy?
Sở dĩ họ được trả lương cao là vì một bộ phận doanh nghiệp FDI có lợi nhuận tốt. Tôi hoan hô những doanh nghiệp FDI trả lương cao, sòng phẳng cho công nhân viên nhưng trước tiên phải làm tròn trách nhiệm nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước, đối với xã hội.
Nếu những doanh nghiệp như Coca-Cola hay Pepsi Co vốn đã khai báo kinh doanh lỗ lã mà trả lương cao thì cơ quan quản lý phải xem lại có sự nhập nhèm, gian lận hay không? Bởi vì chỉ khi nào họ đạt được mức lợi nhuận cao thì họ mới trả mức lương hậu hĩnh. Mà đó lại là lợi nhuận hợp pháp nhờ thủ đoạn “phù phép” bằng nhiều chiêu thức trốn thuế, né thuế (?!)
Tôi nghĩ rằng, đội ngũ nhân lực người Việt làm thuê cho Coca-Cola VN, Pepsi Co và các doanh nghiệp FDI khác cần phải xem xét lại với trách nhiệm cá nhân của mình, đạo đức và lòng tự trọng của mình liệu có tiếp tay cho hành vi chuyển gia, trốn thuế này hay không?
Theo ông, người tiêu dùng mong muốn điều gì trước tình trạng trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp FDI?
Điều mà người tiêu dùng mong muốn là tiếng nói của họ có tác động đến sự nhận thức và thay đổi tích cực đến các doanh nghiệp FDI có biểu hiện trốn thuế nhằm hoàn thành trách nhiệm xã hội, có đạo đức và trách nhiệm cộng đồng tại đất nước mà mình đang hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Cục Thuế TP.HCM, trong 10 năm qua, kể từ khi thành lập, Coca-Cola Việt Nam luôn lỗ ở mức trên 100 tỉ đồng/năm, có năm số lỗ chiếm gần 1/3 doanh thu. Trong hai năm 2006-2007, công ty lỗ tương ứng lên tới 228 tỉ đồng và 198 tỉ đồng. Năm 2010, doanh thu của đơn vị này lên đến 2.529 tỉ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỉ đồng và số lỗ là 188 tỉ đồng. Năm 2011, công ty lỗ ít hơn 39 tỉ đồng, tuy nhiên, tính đến ngày 30/9/2011, Coca-Cola VN đã lỗ lũy kế 3.768 tỉ đồng. Trong khi đó, Pepsi Co Việt Nam cũng báo lỗ liên tục kể từ khi thành lập cho tới năm 2007. Lỗ kéo dài từ năm 1991, vì thế, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 của Pepsi Co là 1.206 tỉ đồng. Metro Cash & Carry, doanh nghiệp này khai lỗ từ năm 2001 đến 2009 là 1.157 tỉ đồng, đứng đầu bảng trong danh mục các doanh nghiệp FDI tuy thường xuyên khai lỗ, nhưng cũng liên tục mở rộng hoạt động đầu tư. Các doanh nghiệp giày da, thành lập từ năm 1993 doanh thu lên tới hơn 22.000 tỉ đồng nhưng vẫn thường xuyên báo lỗ, đó là “nghi án” đối với Adidas Việt Nam. |
Theo Petrotimes