Hạ lãi suất: Giờ G là quý I/2013

Thứ năm, 20/12/2012, 10:24
Về điều kiện để giảm lãi suất, các chuyên gia và đại diện ngân hàng đều cho rằng đã đủ. Nhưng về thời điểm để giảm, thì nhiều ý kiến cho rằng nên để sang đầu quý I/2013.

Ông Alan Phạm, Kinh tế trưởng Quỹ đầu tư Vina Capital, cho rằng điều kiện đầu tiên là các ngân hàng hiện nay có thanh khoản tốt. Bằng chứng là trái phiếu Chính phủ phát hành đều được các tổ chức tín dụng mua hết. Theo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, có đến 89% trái phiếu được các ngân hàng mua lại, trong đó ngân hàng trong nước chiếm 78%.

Ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng bán lẻ, Ngân hàng Xăng dầu PGBank cho rằng, ngân hàng mua trái phiếu còn tốt hơn không sử dụng vốn làm gì. Mong muốn của ngân hàng hiện nay là tìm cách cho vay, vì thanh khoản đang tốt.

Alan Phạm
 “Nên chờ hết năm nay hãy tính đến việc giảm lãi suất. Vì khi đó sẽ biết rõ sức khỏe tiêu dùng, sức cầu, thì việc giảm lãi suất mới có ý nghĩa”, Alan Phạm nói.

Điều kiện thứ hai để giảm lãi suất, đó là lạm phát năm nay được kiểm soát tốt. Con số lạm phát năm 2012 vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo là khoảng 7,5%, thấp hơn so với mục tiêu 8% ban đầu. Như vậy, trần lãi suất huy động hiện ở mức 9% là mức lãi suất thực dương khá hấp dẫn. Do đó đã có cơ sở giảm mức trần lãi suất huy động này xuống. Tuy nhiên, theo ông Alan Phạm, nếu giảm cũng chỉ giảm về được 8%, vì còn phải duy trì cơ chế lãi suất thực dương để thu hút tiền gửi xã hội vào ngân hàng.

Ông Hưng, PGBank, thì phân tích, nếu giảm sâu lãi suất sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố khác. Phải cân đối việc giảm lãi suất với tỉ giá. Nếu giảm lãi suất quá thì người dân sẽ lại chuyển sang ngoại tệ. “Lãi suất trần huy động ngắn hạn đang 9%/năm thì có thể giảm xuống 8%/năm. Song nếu thế thì lãi suất đầu ra cũng chỉ giảm thêm 1%/năm. 1% thì không tác động nhiều đến quyết định vay của doanh nghiệp trong khi người dân gửi tiền thì lại bị thiệt”, ông nói.

Về phía người đi vay, ông Nguyễn Trọng Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn, bày tỏ mong muốn lãi suất hạ tiếp để thực hiện các dự án còn dang dở. Mức lãi suất mà ông Kiên mong muốn là giảm về khoảng 10%/năm, thì doanh nghiệp mới có cơ hội cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Thế nhưng, nếu giảm lãi suất 1-2% thì không giải quyết gì.

Còn ông Đoàn Trọng Lý, Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi - Chế biến và Xuất nhập khẩu Aprocimex, cho rằng doanh nghiệp không có nhu cầu vốn cho chi trả những hoạt động cuối năm, mà muốn được vay vốn để chuẩn bị cho hoạt động trong quý I/2013. Song lãi suất cho vay 15%/năm hiện nay vẫn là quá sức doanh nghiệp. Theo ông, lãi suất phải giảm về 10%/năm.

Có thể thấy ngay lúc này lãi suất không hẳn là vấn đề quyết định với doanh nghiệp, mà là đầu ra. Bởi 15%/năm là trần cho vay, còn thực tế, nhiều doanh nghiệp đã được vay với lãi suất thấp hơn từ 12%/năm. Cứ tập trung vào chính sách tiền tệ không thể giải quyết được mọi vấn đề, trong đó có vấn đề hàng tồn kho. Minh chứng là sức vay của doanh nghiệp vẫn rất thấp. 11 tháng qua, cả hệ thống chỉ tăng trưởng tín dụng khoảng trên 4,1%.

Ông Alan Phạm, Vina Capital, cho rằng đối với doanh nghiệp lúc này, lãi suất xuống 1-2% không quan trọng bằng việc làm sức cầu mạnh lên. Bán được hàng tồn kho, doanh nghiệp mới nghĩ đến việc đi vay thêm và lúc đó mới quan tâm đến lãi suất là bao nhiêu.

“Nên chờ thêm đến hết năm nay hãy tính đến việc giảm lãi suất. Vì khi đó sẽ biết rõ sức khỏe tiêu dùng, sức cầu, thì việc giảm lãi suất mới có ý nghĩa. Còn nếu giảm ngay, có thể tác động đến tâm lý người gửi tiền”, ông Alan Phạm nghi ngại. 

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn