Liên tục khất nợ
Bà Lê Thị Hiếu, 77 tuổi (ngụ ở 77 Cao Thắng, phường 3, quận 3, TPHCM), gửi đơn đến ĐTTC phản ánh sự việc nhiều tháng nay Mai Linh “dây dưa” hoàn trả khoản vốn góp khoảng 500 triệu đồng. Bà Hiếu cho biết tháng 1/2011, bà được bộ phận kinh doanh của Tập đoàn Mai Linh tiếp thị mời gọi góp vốn. Các nhân viên này khẳng định khi hết hạn hợp đồng sẽ hoàn trả lại vốn góp cho bà ngay.
Tin lời, bà Hiếu ký hợp đồng góp vốn 500.500.000 đồng với Tập đoàn Mai Linh, do ông Cao Xuân Trường, Chánh Văn phòng Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, được ủy quyền ký giao dịch. Thời hạn hợp đồng có hiệu lực từ ngày 28/1 đến 28/10/2011, lãi suất tương đương 18,6%/năm.
Thế mạnh kinh doanh taxi của Mai Linh đã bị phân tán do đầu tư đa ngành. |
Ngày 28/10/2011, hết hạn hợp đồng, bà Hiếu yêu cầu hoàn trả lại vốn gốc như thỏa thuận tại hợp đồng góp vốn. Tuy nhiên, phía Mai Linh nói đang gặp khó khăn và đề nghị bà Hiếu ký phụ lục hợp đồng gia hạn thêm 9 tháng (từ ngày 28/10/2011 đến 28/7/2012).
Bà Hiếu đồng ý ký hợp đồng gia hạn. Nhưng đến ngày hết hạn phụ lục hợp đồng, bà Hiếu đến trụ sở Mai Linh đòi nợ vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu. Mai Linh tiếp tục đề nghị ký phụ lục hợp đồng lần 2 gia hạn thêm 3 tháng. Trong thế bị ép, bà Hiếu đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Trao đổi với ĐTTC, bà Hiếu cho biết tới nay phụ lục hợp đồng 3 tháng cũng đã hết hạn, Mai Linh vẫn chưa có kế hoạch trả nợ cho bà. Hiện bà tuổi già, sức yếu lại mang trọng bệnh, cần có tiền để phẫu thuật tim gấp.
Gia đình neo đơn, không còn bất kỳ khoản thu nhập nào khác, nên mới khẩn cầu Mai Linh trả lại số tiền chắt chiu để lo chuyện ốm đau lúc về già. Bà Hiếu bày tỏ không tin được một tập đoàn lớn như Mai Linh lại không thể thanh toán được một món nợ chỉ vài trăm triệu đồng.
Xin trả góp
Ngày 12/12/2012, ĐTTC đã đến trụ sở Mai Linh để xác minh thông tin khoản nợ bà Hiếu phản ánh. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đỗ Phương, Trợ lý Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, cho biết: “Mai Linh có nhận được đơn của bà Hiếu đề nghị trả lại phần vốn góp. 2 bên đã thương thảo phương án trả nợ nhưng bà Hiếu không đồng ý.
Hiện tại Mai Linh đang trong hoàn cảnh khó khăn, không thể trả nổi một lần, nên đã đề nghị được trả nhiều đợt. Bà Hiếu là trường hợp đặc biệt, cần tiền để phẫu thuật gấp, chúng tôi biết. Thế nhưng, Mai Linh hiện có khoảng 2.000 trường hợp góp vốn tương tự, nếu trả hết một lần cho bà Hiếu sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ cho người khác.
Vừa qua, một nhà đầu tư góp vốn cho Mai Linh hơn 300 triệu đồng, khi họ xin rút vốn, chúng tôi thuyết phục trả từng đợt nhưng nhà đầu tư này không chịu, họ thuê một công ty đòi nợ với gần 20 người kéo đến thị uy ngồi kín cả công ty. Thuyết phục mãi, nhà đầu tư này đồng ý cho Mai Linh trả từng đợt (khoảng 3 tháng).
Vì vậy, trong lúc khó khăn, nhà đầu tư và Mai Linh nên ngồi lại để tìm ra phương án. Ngay sau buổi làm việc với ĐTTC, Mai Linh sẽ mời bà Hiếu lên thỏa thuận lại để tìm ra phương án trả nợ cho bà. Tôi biết bà Hiếu không còn đủ kiên nhẫn để đợi thêm nữa”.
Cũng theo ông Phương, hiện nay trung bình mỗi tháng Mai Linh thu vào trên toàn hệ thống khoảng 60-70 tỷ đồng. Ưu tiên trả nợ của Mai Linh thứ nhất là ngân hàng, kế đến là các nhà đầu tư. Mai Linh cũng đang nợ bảo hiểm và mới đây còn bị phạt tiền thuế giá trị gia tăng.
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, ngân hàng, nhà đầu tư không cho vay thêm, các cây xăng cũng yêu cầu thanh toán tiền xăng ngay nên công ty xoay sở rất khó. Riêng cán bộ trong cơ quan thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng cũng đang phải dành gần 1 triệu đồng/tháng để giúp công ty trả nợ, thậm chí nhiều người còn bị chậm lương.
Không thể thỏa thuận có thể kiện ra tòa
Theo LS. Thái Văn Chung, Giám đốc Hãng Luật Nguyên Giáp, hợp đồng vay tiền giữa Mai Linh và bà Nguyễn Thị Hiếu không có dấu hiệu bất thường. “Oan ức” của người cho Mai Linh vay là không rút được tiền gốc thuận lợi như tại ngân hàng.
Căn cứ vào hợp đồng vay tiền, cũng như các phụ lục hợp đồng, rõ ràng Mai Linh đã vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán dứt điểm số nợ gốc ban đầu cho bà Hiếu khi hết hạn. Đối với bà Hiếu, để chia sẻ một phần khó khăn với Mai Linh, bà đã chấp nhận gia hạn hợp đồng nhiều lần.
Đến thời điểm này, nếu 2 bên không tự thỏa thuận được, bà Hiếu có thể khởi kiện Mai Linh ra tòa để được pháp luật bảo vệ. LS. Nguyễn Văn Hiến (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng luật cho phép doanh nghiệp được vay tiền để chủ động nguồn vốn kinh doanh thông thường. Khi giữa các bên không tuân thủ các nghĩa vụ thanh toán, không tự thỏa thỏa thuận được, chỉ còn cách áp dụng biện pháp ra tòa.
Theo SG ĐTTC