Khá lên nhờ nuôi rắn mối

Thứ năm, 20/12/2012, 16:09
Sau một thời gian dài nuôi gà công nghiệp bị thua lỗ, anh Cao Chánh Dũng ở ấp 4, xã Bình Lộc (TX. Long Khánh), chuyển qua nuôi rắn mối. Mô hình này đã đem lại cho anh khoản lợi nhuận khá hấp dẫn.

Cuối năm 2011, giá gà công nghiệp giảm xuống còn 18-19 ngàn đồng/kg khiến anh Dũng gần như trắng tay. Sau khi lặn lội nhiều nơi tìm hiểu, anh quyết định nuôi rắn mối.

Đi trước một bước

Sở dĩ anh Dũng chọn nuôi rắn mối là vì mô hình này còn rất mới mẻ, ở Đồng Nai chưa có ai nuôi. Các nhà hàng trong tỉnh khi có nhu cầu phải xuống tận miền Tây để đặt hàng, nhưng lượng hàng cung cấp cũng không ổn định. Chớp lấy thời cơ, anh Dũng đã về miền Tây học cách nuôi rắn mối và mua giống về nuôi.

Khi thấy anh dám vay vốn đầu tư nuôi loại rắn này, cả nhà đều phản đối, vì sợ mạo hiểm lần nữa nếu không may thất bại nữa sẽ khiến anh mất sạch nhà cửa, ruộng vườn. Nhưng anh đã quyết, chẳng ai ngăn cản được. Tận dụng lại chuồng heo cũ khoảng 50m2, anh Dũng đã thả 3 ngàn con rắn mối.

rắn mối
 Anh Cao Chánh Dũng ở ấp 4, xã Bình Lộc (TX. Long Khánh) chăm sóc rắn mối trong trại.

Rắn mối là loài động vật dễ nuôi, tiêu tốn rất ít thức ăn. Mỗi ngày rắn mối chỉ ăn một lần, thức ăn có thể tận dụng cơm thừa trộn lẫn với tép hoặc cá vụn băm nhỏ. Sau 4 tháng, rắn mối bắt đầu sinh sản. Ngoài bán thịt được gần 60kg, anh Dũng còn bán trên 500 con rắn mối giống, trừ chi phí thu lãi hơn 30 triệu đồng.

Anh Dũng cho biết: “Nuôi rắn mối ít công chăm sóc, mỗi ngày tôi chỉ mất 30 phút trộn thức ăn và kiểm tra chuồng trại. Rắn nuôi hơn 3 tháng có thể bán thịt. Hiện nhiều nhà hàng trong và ngoài tỉnh biết tiếng đã tìm đến đặt hàng với giá 400-450 ngàn đồng/kg, nhưng tôi chưa có số lượng nhiều để bán”.

Mở rộng trại nuôi

Sau khi nuôi thí điểm 3 ngàn con rắn mối thấy mỗi ngày chỉ tốn 10 ngàn đồng tiền thức ăn, trong khi lợi nhuận mang lại khá cao, anh Dũng đã đầu tư tiếp tục mở rộng chuồng trại để nuôi. “Tôi đang tận dụng chuồng gà, cải tạo thêm một chút và đưa rắn mối vào nuôi với số lượng lớn. Vì rắn mối đang là đặc sản được nhiều người trong tỉnh và TP.HCM ưa thích, đầu ra khá thuận lợi” - anh Dũng nói.

Theo tính toán của anh Dũng, một lao động có thể chăm sóc được gần 100 ngàn con rắn mối. Ngoài tự mình xây dựng mở rộng chuồng trại để nuôi loài đặc sản này, anh Dũng còn bán giống và giúp một số bà con trong thị xã và các huyện lân cận mua giống cùng nuôi. Mục đích của anh Dũng là tạo ra các trại nuôi rắn mối vệ tinh để có lượng hàng lớn sẽ ký hợp đồng với các nhà hàng, như vậy đầu ra đảm bảo hơn.

Bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Chủ tịch Hội Nông dân TX. Long Khánh, cho hay: “Năm nay, chăn nuôi heo, gà đều gặp khó khăn về giá  khiến nhiều hộ bị thua lỗ lớn nên Hội luôn khuyến khích nông dân tìm ra những mô hình mới có hiệu quả cao để đầu tư. Anh Dũng là người đầu tiên ở thị xã nuôi rắn mối và thu nhập từ mô hình rất khả quan. Tới đây, Hội sẽ giới thiệu cho một số nông dân đến học tập kinh nghiệm để nhân rộng”.

Ngoài cho lợi nhuận cao, mô hình nuôi rắn mối còn có ưu điểm tốn ít kinh phí và đất làm chuồng trại. Đồng thời, loài rắn mối sống dưới lá chuối khô, thân cây khô và cát khá sạch sẽ, không gây mùi hôi.

Hiện nay, con giống rắn mối được anh Dũng bán ra và mua giúp cho một số người nuôi trong và ngoài thị xã là 12 ngàn đồng/con. Rắn mối được các nhà hàng chế biến thành các món nướng được khách nhậu ưa chuộng. Không chỉ là món ăn ngon mà theo lời truyền miệng, ăn rắn mối có khả năng giảm được bệnh suyễn và đau lưng.

Ông Lê Viết Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, cho biết, rắn mối là loài động vật hoang dã nên đứng trên góc độ bảo tồn không khuyến khích nuôi.

Nhưng đây là mô hình kinh tế có hiệu quả nếu người dân muốn nuôi phải đăng ký với chính quyền địa phương và cấm tuyệt đối khai thác nguồn giống từ tự nhiên. Đồng thời khi nuôi, người dân phải tìm hiểu kỹ thị trường đầu ra, tránh nuôi ồ ạt với số lượng lớn, cung vượt cầu giá sẽ giảm mạnh, như: nhím, heo rừng…

 Theo Báo ĐN

Các tin cũ hơn