Mục tiêu lớn nhất của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng là chấm dứt tình trạng đầu cơ, làm giá, thao túng trên thị trường vàng, tuy nhiên, gần 1 tháng sau khi có hiệu lực, những nguy cơ trên vẫn đang tiềm ẩn, thậm chí tính chất và mức độ của nó có phần nghiêm trọng hơn.
Theo ghi nhận, giá vàng miếng SJC trong nước ngày 19/12 tuy có giảm 270.000 đồng/lượng so với ngày 18/12 nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới 4,26 triệu đồng/lượng. Cụ thể: giá mua/bán vàng miếng SJC còn 46,31 - 46,46 triệu đồng/lượng còn giá vàng thế giới là 1,676 USD/ounce.
Với mức chênh lệch trên, nếu chiếu theo cách nói của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thì thị trường vàng đang có đầu cơ, thao túng. Điều này cũng đã không ít lần được các chuyên gia và thậm chí chính các doanh nghiệp kinh doanh vàng khẳng định.
Không còn tâm lý đám đông, giá vàng SJC vẫn cao hơn thế giới trên dưới 4 triệu đồng/lượng. |
Trong một lần trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Châu – Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu thẳng thắn nói: Nếu cộng thêm cả các khoản chi phí chế tác, gia công vàng thì giá vàng trong nước chỉ chênh với giá vàng thế giới khoảng 1%.
Nói như vậy để thấy rằng, mức chênh trên 4 triệu đồng/lượng (tương đương 9,1%) như phiên giao dịch trên thị trường vàng ngày 19/12 là nghịch lý đầy bất thường. Đáng lưu ý, mức chênh lệch này có thể xem là “kỷ lục” trên thị trường vàng và cũng được xác lập trong một bối cảnh hoàn toàn khác so với mức chênh lệch trước khi Nghị định 24 có hiệu lực.
Trước ngày 25/11, cứ mỗi lần thị trường vàng dậy sóng, xác lập những kỷ lục giá mới và cũng tạo ra những mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao là người ta lập tức nghĩ tới người dân. Tâm lý đám đông cộng với những khó khăn trên thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản được chỉ ra là nguyên nhân trực tiếp gây lên những bất ổn trên thị trường vàng.
Nhưng giờ đây, yếu tố trên đã được loại trừ khi ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vàng bạc đá quý SJC khẳng định: 90% lượng vàng SJC được bán cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, các ngân hàng, tổ chức tín dụng và chỉ có 10% là được bán cho người dân.
Vậy đâu mới là yếu tố căn cơ gây lên những bất ổn của thị trường vàng? Có thể khẳng định là đáp án không thể là người dân bởi nhu cầu mua vàng của nhóm đối tượng này chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp và chắc chắn nó không đủ lực để thao túng, đầu cơ thị trường vàng.
Một điểm đáng lưu ý, với đại đa số người dân Việt Nam, vàng được xem là thứ tài sản đảm bảo, là vật hộ thân chứ không phải là hàng hóa. Người dân có mua vàng, có găm giữ vàng thì cũng không nằm ngoài mục đích đó.
Từ thực tế đó để thấy rằng, người dân đã bị oan trong một thời gian dài. Và khi nỗi oan tình này đã được làm sáng tỏ thì câu hỏi mà dư luận xã hội đang giành sự quan tâm đặc biệt chính là “hung thủ” thật sự gây lên những cơn điên loạn trên thị trường vàng thời gian qua là ai?
Nhìn vào diễn biến trên thị trường vàng những ngày gần đây cũng như những đặc thù của thị trường vàng, không ít người đã cho rằng, chính các doanh nghiệp kinh doanh vàng, ngân hàng và các tổ chức tín dụng là những đối tượng vừa có tiềm lực tài chính, vừa có các nghiệp vụ kinh doanh vàng và cũng tiêu thụ tới 90% lượng vàng SJC trên thị trường là “hung thủ”.
Để trả lời cho câu hỏi “Ai đang đạo diễn thị trường vàng?” và cũng là để tìm ra căn cơ khiến giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới, dư luận xã hội đang rất chờ đợi một lời giải thỏa đáng từ phía các cơ quan chức năng và đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước!
Theo Petrotimes