Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2012 (VBF) được tổ chức sáng 3.12 tại Hà Nội với chủ đề “Khôi phục sự năng động của nền kinh tế, những cải cách cấp thiết” ghi nhận rất nhiều kiến nghị của các hiệp hội, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước liên quan đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Chồng chéo phí giao thông
Theo Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Trần Anh Vương, trong bối cảnh khó khăn, chi phí gián tiếp của DN lại tăng do các loại phí giao thông chồng chéo trong khi công tác cải tạo quy hoạch đô thị, phát triển công trình giao thông vẫn chưa thấy phát huy hiệu quả.
Điển hình của việc thuế, phí quá cao thể hiện rõ trong lĩnh vực ô tô, xe máy. Theo Trưởng nhóm công tác công nghiệp ô tô và xe máy VBF, ông Gauraw Gupta, thì các khoản thuế cao đang áp với việc lắp ráp và nhập khẩu ô tô, xe máy, cũng như các khoản phí trước bạ, sang tên... là những nguyên nhân quan trọng khiến trong năm 2012, ngành công nghiệp ô tô, xe máy Việt Nam sụt giảm mạnh về tiêu thụ và sản xuất.
Ước tính số lượng tiêu thụ ô tô (bao gồm cả nhập khẩu và lắp ráp tại Việt Nam) đã giảm đến 40-50%.
Sản xuất và tiêu thụ ô tô, xe máy đều sụt giảm do tác động của kinh tế khó khăn cũng như các khoản phí, thuế
Theo ông Gupta, hiện các xe lắp ráp trong nước (CKD) chịu thuế suất trung bình khoảng 20%, trong khi các xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) chịu 68-78% thuế nhập khẩu, 45-60% thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), 10% GTGT và 10-20% lệ phí trước bạ.
“Những thay đổi liên tục và thường mạnh mẽ về thuế, nhất là thuế GTGT, thuế TTĐB và phí trước bạ đã làm gián đoạn các dây chuyền sản xuất, các chuỗi cung ứng và hoạt động bán lẻ của các nhà sản xuất ô tô, xe máy vì đã tạo ra những thăng trầm trong nhu cầu thị trường”, ông Gupta nói.
Chủ tịch EuroCham, ông Preben Hjortlund, thì nêu bất cập đó là quy định mức khống chế đối với chi phí quảng cáo và khuyến mãi kéo dài đã quá lâu. Ông đề nghị Chính phủ nên công bố một lộ trình tiến tới loại bỏ hoàn toàn mức khống chế này trong luật Thuế TNDN trước năm 2014 hoặc sớm hơn và cam kết thực hiện lộ trình đó.
Trước các kiến nghị về thuế, phí, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ Việt Nam đã có lộ trình cải cách thuế đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020, trước mắt là lộ trình giảm thuế TNDN.
Năm 2013, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa luật Thuế TNDN theo hướng hạ mức thuế này, đồng thời, chỉ đạo rà soát các loại phí để bảo đảm không tăng gánh nặng cho DN.
Nợ xấu rất... xấu
Liên quan đến nợ xấu, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc (KorCham), ông Kim Jung-in chỉ ra thực trạng mà ông cho là “nghiêm trọng”, đó là sự gia tăng nợ quá hạn của các DN nhà nước (DNNN).
Nhấn mạnh “DNNN đang nợ khoảng 145.000 tỉ đồng, trong đó khoảng 20-30% là nợ không có khả năng hoàn trả”, Chủ tịch KorCham cho rằng trọng tâm của cải cách DNNN ở Việt Nam đòi hỏi phải có cơ chế cạnh tranh dựa trên việc giảm số lượng DN và phân bổ công bằng nguồn vốn, nguồn lực.
Chính phủ Việt Nam phải xóa bỏ vị thế độc quyền của DNNN, nâng cao năng lực cạnh tranh cho những DN này để làm đầu tàu cho nền kinh tế.
Góp ý cho vấn đề xử lý nợ xấu ngân hàng (NH), ông Louis Taylor, Trưởng nhóm công tác nghiên cứu NH của VBF đánh giá Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 254 về tái cấu trúc hệ thống NH, trong đó đã đề ra kế hoạch khắc phục các vấn đề tồn tại.
Về mặt chiến lược, đây là một kế hoạch tốt, nhưng để thực hiện thành công còn phụ thuộc vào thực tế triển khai, trong khi tiến độ thực hiện cho đến nay còn chậm và thiếu đồng bộ.
Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình cho biết: Thời gian qua NHNN đã soạn thảo Đề án xử lý nợ xấu, bao gồm việc thành lập công ty quản lý nợ xấu, trong đó quy định rõ ai là người quyết định mua nợ xấu, mua với giá nào...
“Hiện đề án đang hoàn thành, trong quá trình tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Chính phủ”, ông Bình cho biết, đồng thời nhấn mạnh: Với quyết tâm xử lý nợ xấu trong thời gian tới, đến năm 2015, nợ xấu NH có thể sẽ ở mức khoảng 3%.