Tập đoàn muốn rót 28,7 tỉ USD vào dự án lọc hóa dầu tại Bình Định là ai?

Thứ ba, 04/12/2012, 16:03
Việc tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) có ý định xây dựng một tổ hợp lọc dầu tại Bình Định với tổng giá trị có thể lên tới 28,7 tỉ USD là tin gây sốc đối với nhiều người.
Ngày 22.11.2012, Tập đoàn dầu khí PTT của Thái Lan đã giới thiệu báo cáo tiền khả khi của dự án lọc dầu 28,7 tỷ USD đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định. Nếu được chấp nhận, dự án sẽ được khởi công vào năm 2016, dự kiến đến năm 2019 sẽ xuất thành phẩm đầu tiên.



 
“Nếu hoàn thành, đây sẽ là một trong những tổ hợp dầu khí lớn nhất thế giới, nằm trong top 5 tổ hợp lọc dầu lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Alex Yap, chuyên viên phân tích của Công ty FACTS Global Energy, nhận xét.
 
Tham vọng của PTT
 
PTT không chỉ muốn đầu tư các dự án trong nước mà còn mở rộng ra quốc tế, thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) hay xây dựng các cơ sở sản xuất tại nước ngoài.
 
Theo Wall Street Journal, tính đến tháng 8.2012, công ty con của Tập đoàn là PTT Exploration & Production đã đầu tư vào 12 quốc gia nhằm tăng năng lực sản xuất lên 900.000 thùng dầu/ngày vào năm 2020, gấp 3 lần so với hiện nay.
 
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, hồi tháng 7, PTT đã thông báo kế hoạch đầu tư vào một dự án lọc dầu 3 tỉ USD ở Myanmar với năng suất lọc dầu dự kiến150.000 thùng/ngày. PTTcòn cho biết sẽ xem xét đầu tư vào các các quốc gia khác như Campuchia, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

 Tổng Giám đốc Pailin Chuchottaworn

 
“Chúng tôi chuẩn bị cho sự kiện cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào 2016. Nếu chính phủ các nước ASEAN cho chúng tôi cơ hội, chúng tôi sẽ không do dự”, Tổng Giám đốc Pailin Chuchottaworn phát biểu trên tờ Bangkok Post. “Nhu cầu năng lượng trong khu vực sẽ gia tăng trong những năm tới nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định”, ông nói thêm.
 
Tham vọng lớn, rủi ro cũng không nhỏ. Điển hình là vụ rò rỉ tại mỏ dầu ngoài khơi nước Úc năm 2009, khiến PTT phải tốn khoảng 300 triệu USD để khắc phục. Theo Wall Street Journal, trong thương vụ mua lại Công ty Cove Energy, công ty con PTT Exploration & Production cũng đã trả giá cao hơn so với thực tế rất nhiều, khiến đơn vị này phải chịu sức ép về tài chính.
 
Do vậy, Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse đã đưa cổ phiếu của PTT Exploration & Production vào nhóm “không nên mua”.
 
Dự án tại Bình Định: nhiều thách thức
 
Dự án đầu tư của PTT tại Bình Định giống như một dạng thuốc kích thích liều cao đối với nền kinh tế Việt Nam. Nếu được triển khai, Dự án sẽ tạo ra một lượng lớn việc làm và góp phần không nhỏ vào việc cung cấp sản phẩm xăng dầu cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
 
Dự án còn tạo hiệu ứng lan tỏa ra các ngành nghề khác, tăng nhu cầu về dịch vụ hỗ trợ.Tuy nhiên, dự án này sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
 
Đầu tiên là vốn. Dự án sẽ cần đến 28,7 tỉ USD, trong đó vốn đầu tư của các chủ dự án dự kiến chiếm 50%, phần còn lại sẽ đi vay.
 
PTT sẽ góp vốn với một số đơn vị tiềm năng khác là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Petrolimex, Tổng Công ty Xăng dầu Quân Đội, Tập đoàn Khang Thông và STFE.
 
Nếu góp vốn 1/3 như công bố của Phó Tổng Giám đốc Sukrit Surabotsopon, PTT sẽ phải bỏ ra khoảng 4,78 tỉ USD. Với lượng tiền mặt và các khoảng tương đương tiền vào cuối quý III/2012 chỉ 2,9 tỉ USD, PTT sẽ phải huy động thêm một số tiền lớn nữa thì mới đủ. Đây không phải là việc dễ dàng.
 
Hơn nữa, 50% vốn đầu tư của Dự án, tức hơn 14 tỉ USD, là do đi vay. Liệu ngân hàng hay tổ hợp các ngân hàng nào có đủ sức cho vay số tiền này? Hiệu quả của Dự án cũng là điều cần phải quan tâm. Để có thể đáp ứng công suất 660.000 thùng/ngày, sẽ phải nhập khẩu dầu thô từ các nước Trung Đông.
 
Một thách thức khác, theo nhận xét của ông Yap, Công ty FACTS Global Energy, là phải tìm đầu ra cho sản phẩm. Chắc chắn PTT sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với công ty của các quốc gia khác, cũng có tham vọng không kém trong lĩnh vực chế biến dầu khí.
 
Gần đây, Malaysia đã công bố đầu tư dự án lọc dầu RAPID lên tới 20 tỉ USD tại miền Nam bang Johor với tham vọng biến nước này trở thành trung tâm dầu khí mới của khu vực. PTT còn phải so kè với Singapore, nhà chế biến dầu khí lớn nhất khu vực với công suất lọc dầu lên tới 1,11 triệu thùng/ngày (năm 2011).
 
Tại Việt Nam, Tập đoàn PVN đang tham gia vào 2 dự án lọc dầu lớn là Long Sơn (4,5 tỉ USD) và Nghi Sơn (6,2 tỉ USD).
 
Không chỉ vậy, còn hàng loạt các vấn đề liên quan khác như đường sá, cảng biển và nguồn nhân lực cho Dự án. Thực tế cho thấy xây dựng một tổ hợp lọc dầu khổng lồ là rất khó khăn và tốn nhiều thời gian.

Nhà máy lọc dầu Dung Quốc được lên ý tưởng từ năm 1992 nhưng mãi đến năm 2005 mới được khởi công. Tỉ suất sinh lợi nôị bộ (IRR) của Dung Quốc chỉ khoảng 6%, rất thấp so với yêu cầu phải đạt là 13-14%.

 
Rõ ràng, chấp nhận một dự án đầu tư lớn như thế là điều cần phải cân nhắc. Hơn nữa, không thể mắc lại sai lầm trước đây. Việt Nam từng công bố nhiều siêu dự án về thép, du lịch với số vốn đầu tư lên đến hàng chục tỉ USD nhưng sau đó lại không triển khai, dẫn đến việc chiếm dụng đất và lãng phí nguồn lực xã hội


Theo NCĐT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn