Chuyện vui khó cười của sếp Trung Nguyên

Chủ nhật, 02/12/2012, 13:03
Qua kể chuyện, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, cho thấy tính đố kỵ của người Việt Nam là điều đáng suy nghĩ.  

>> Cà phê với "Vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ 
>> Vụ tên miền thương hiệu Trung Nguyên: Giữ nhà hay mua cả phố? 
>> Forbes ca ngợi 'Vua cà phê Việt Nam' Đặng Lê Nguyên Vũ
>> 3 bài học khởi nghiệp thú vị từ Trung Nguyên

Câu chuyện vui của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Trung Nguyên Group khiến cả hội trường không thể cười được lâu.

Ông nói, nếu mỗi quốc gia đều có một chiếc chảo dầu dưới âm phủ để cho những kẻ phạm tội bị thảy vào thì chắc chắn chảo dầu của người Việt Nam không cần đậy nắp.

Đơn giản, nếu kẻ nào ngoi lên là ngay lập tức bị kéo xuống. Chỉ có những nước khác, người ta nâng đỡ nhau, tạo điều kiện để người kia leo lên khỏi chảo thì mới cần tới cái nắp để ngăn họ lại.

 
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Trung Nguyên Group.

Câu chuyện của ông đã khiến khán phòng cười trong chốc lát, để rồi sau đó đọng lại rất nhiều suy nghĩ về vấn đề nhức nhối: tính đố kỵ của người Việt Nam.
Theo ông Vũ, bệnh đố kỵ là một trong những điểm yếu rất lớn trong cuộc sống và công việc vì ngày nay rất cần sự hợp tác, chung tay xây dựng. Người Việt Nam trong nhiều trường hợp còn đố kỵ nhau, khiến làm giảm sức mạnh của chính mình. Vì thế mà có chuyện dẫm đạp nhau, không sẵn lòng hợp tác để tạo thành công chung.
 
Liên tưởng lại, thật dễ tìm thấy những trường hợp thiếu hợp tác giữa những người cùng hội cùng thuyền. Cá nhân trong một công ty đố kỵ, bất hợp tác với nhau là chuyện cơm bữa. Nhưng ngay cả các tổ chức lớn với nhau cũng không tránh khỏi vấn nạn này.
 
Gần đây, báo đài liên tiếp đưa tin về việc các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tố nhau bán phá giá. Vụ việc rộ lên rõ nét ngay sau khi chủ đầu tư dự án chung cư Đại Thanh (Hà Nội) giảm giá bán xuống 10 triệu đồng/m2.

Theo các doanh nghiệp bất động sản thì hành động này là không đẹp vì sẽ tạo thêm khó khăn cho giới chủ đầu tư bất động sản. Họ e ngại cứ giảm giá kiểu đó thì người mua sẽ có tâm lý chờ đợi doanh nghiệp khác giảm giá thêm, qua đó khiến thị trường bất động sản đã héo hắt lại càng hoang tàn.

 
Rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ thái độ phẫn nộ trước động thái này. Họ đồng lòng gửi đơn kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp chống bán phá giá bất động sản.
 
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Công ty Tư vấn Bất động sản Navigat, cho rằng lẽ ra phải khuyến khích, hoan nghênh những doanh nghiệp tiên phong trong việc tìm lối thoát. Họ là người đã tìm được giải pháp tháo gỡ khó khăn cho chính mình, cho thị trường và giúp nhiều người có cơ hội sở hữu nhà.
 
Theo ông Quang, không có căn cứ nào để nói doanh nghiệp đó bán phá giá được, Thay vì tố nhau làm loạn thị trường vốn đã rối, các doanh nghiệp bất động sản nên tìm giải pháp thiết thực để thu hồi vốn còn hơn phá sản.
 
Người bán phàn nàn nhau đã đành, ngay cả người mua cũng tỏ thái độ không vui khi người sau mua được giá rẻ hơn.
 
Sau khi nghe tin chung cư giảm giá từ 15 triệu xuống 10 triệu đồng/m2, không ít người đã lên tiếng bức xúc vì chỉ sau vài ngày mình lỗ hơn 100 triệu. Có cặp vợ chồng lên diễn đàn cho biết đã thức trắng đêm sau khi nghe tin.

Trước thông tin này, một độc giả nhận xét hài hước: “Tâm lý con người thật khó hiểu! Nếu chung cư tăng giá khiến người sau bị mua đắt thì thấy vui vẻ và ngược lại thì buồn chán tới mất ngủ. Xem ra niềm vui có được khi người bên cạnh khổ hơn mình hả các bác”.

 
Trường hợp này khiến người ta liên tưởng tới câu chuyện thứ hai ông Vũ chia sẻ. Ông cho biết, câu chuyện này ông được nghe từ đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch trong một lần trò chuyện.
 
Câu chuyện được ông kể lại như sau: Một ông bụt hiện lên và nói cho chàng trai một điều ước nhưng với điều kiện nếu chàng trai được một thì người hàng xóm được gấp đôi, chàng trai suy nghĩ mãi và cuối cùng trả lời: “Con ước con chột một con mắt”. 

 
Theo NCĐT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn