Công ty “đại gia” phá sản: Đâu là sự thật?

Thứ sáu, 30/11/2012, 10:48
Liệu có diễn ra kịch bản: Doanh nghiệp thổi phồng giá trị tài sản, đem thế chấp ngân hàng vay vốn, rút tiền về sân sau và sau đó tuyên bố mất khả năng chi trả, để lại “cục nợ” cho chính ngân hàng cho vay?
 
Điều kiện kinh doanh khó khăn đã đẩy hàng loạt doanh nghiệp rơi vào đình đốn sản xuất, thậm chí phá sản.
 
Một số trường hợp đình đám gần đây gợi lên một mẫu số chung trong các trường hợp doanh nghiệp tuyên bố mất khả năng thanh toán. Liệu ai sẽ là những người được hưởng lợi từ việc này?
 
Về mặt pháp lý, các đại gia chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn với phần vốn góp vào doanh nghiệp.
 
 
Vay nợ khủng – Khó khăn và tuyên bố mất khả năng chi trả – Ngân hàng chuyển nợ thành cổ phần
 
CTCP Thủy Sản Bình An - Bianfishco (OTC: BAF) tính đến tháng 8/2012 phải cõng trên vai tổng số nợ phải trả khủng 1,886 tỷ đồng. Ngoài chủ nợ là nông dân bán cá nguyên liệu, hàng loạt ngân hàng đã tham gia cho công ty này vay vốn, chẳng hạn như: SHB, BIDV, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)…
 
Các khoản vay từ ngân hàng được giải ngân dựa trên tài sản thế chấp là máy móc, nhà xưởng, bất động sản, và kể cả cổ phiếu do những nhân sự chủ chốt nắm giữ.
 
Hoạt động kinh doanh khó khăn đã khiến Bianfishco phải tiến hành tái cấu trúc nợ bằng cách chuyển quyền sở hữu 25 triệu cổ phần sang cho chủ nợ SHB. Hiện SHB là cổ đông lớn nhất nắm 50% vốn điều lệ Bianfishco và tham gia vào việc tái cấu trúc toàn diện công ty. Ông Đỗ Quang Hiển – chủ tịch HĐQT SHB – sẽ điều hành công ty với chức danh Chủ tịch HĐQT Bianfishco.
 
Gần đây lại xuất hiện thêm các trường hợp gần như là những “bản sao” của Bianfishco là Thủy sản Phương Nam ở Sóc Trăng, và Thiên Mã ở Cần Thơ.
 
Với bức tâm thư “từ xa” của Chủ tịch HĐQT, Thủy sản Phương Nam tuyên bố mất khả năng chi trả khối nợ khủng gần 1,600 tỷ đồng và kêu gọi các ngân hàng chủ nợ vào tái cấu trúc doanh nghiệp.

Các chủ nợ vay ngân hàng của Phương Nam gồm có: Ngân hàng Nông nghiệp (498 tỷ đồng), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (341 tỷ đồng), Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt – LienVietPostBank (329 tỷ đồng), Ngân hàng Ngoại thương – VCB (141 tỷ đồng), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (147 tỷ đồng), Ngân hàng An Bình (81 tỷ đồng), Ngân hàng Việt Thái (50 tỷ đồng), Ngân hàng Công thương – CTG (8 tỷ đồng).

 
“Kịch bản” tại Thiên Mã cũng tương tự với số nợ 560 tỷ đồng, gấp 8 lần vốn điều lệ. Trong đó, số nợ của 5 ngân hàng là trên 430 tỷ đồng, bao gồm: Ngân hàng Việt Á (11 tỷ đồng), Indovina (5 tỷ đồng), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (trên 205 tỷ đồng), Ngân hàng Nông nghiệp (trên 32 tỷ đồng)...
 
Tài sản chuyển về “sân sau” và ngân hàng ôm “cục nợ” khi tiếp quản?
 
Có thể thấy đặc điểm chung trong trường hợp tuyên bố mất khả năng trả nợ của các doanh nghiệp này là:
 
(1) Sử dụng đòn bẩy rất cao trong giai đoạn kinh tế thịnh vượng, tín dụng dễ dãi, lãi suất thấp. Một số doanh nghiệp còn dùng vốn ngắn hạn để tài trợ đầu tư dài hạn, tài sản cố định.
 
(2) Tín dụng chủ yếu được vay dựa trên tài sản thế chấp (bất động sản, nhà xưởng, hàng tồn kho…) và kể cả cổ phiếu của chính doanh nghiệp đi vay. Việc định giá tài sản thế chấp một cách hợp lý là chủ đề còn tranh cãi.
 
(3) Điều kiện kinh doanh khó khăn đẩy doanh nghiệp vào tình trạng mất thanh khoản, phải tuyên bố vỡ nợ. Doanh nghiệp không còn cách nào khác (và sẵn sàng?) chuyển giao toàn bộ tài sản thế chấp, quyền điều hành doanh nghiệp cho chủ nợ là các ngân hàng, công ty mua bán nợ.
 
Về mặt pháp lý, các đại gia chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn với phần vốn góp vào doanh nghiệp, và các chủ nợ ngân hàng dường như không còn cách nào khác là tiếp quản tài sản thế chấp và điều hành doanh nghiệp.
 
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng chính các ngân hàng sẽ phải gánh chịu nhiều rủi ro khi tham gia vào tái cấu trúc các “con nợ” này, chẳng hạn như:
 
(1) Các tài sản bị định giá quá cao so với khoản vay, đó là chưa kể giá trị (đặc biệt là bất động sản, chứng khoán) đã bị sụt giảm đi rất nhiều trong vài năm qua; và việc phát mãi các tài sản chẳng thấm vào đâu so với nợ vay.
 
(2) Nhiều đại gia có khả năng chuyển tài sản doanh nghiệp về các công ty sân sau hoặc rút về thành tài sản cá nhân. Doanh nghiệp để lại cho ngân hàng có khi chỉ là “cái xác không hồn”.
 
(3) Không phải người của ngân hàng nào cũng có khả năng quản trị điều hành một doanh nghiệp chuyên ngành sản xuất.
 
Hiện tượng hàng loạt doanh nghiệp vay nợ nhiều và tuyên bố phá sản cũng đặt ra câu hỏi về vấn đề rủi ro đạo đức trong các ngân hàng, đặc biệt trong giai đoạn tín dụng tăng trưởng dễ dãi. Hệ quả là cổ đông ngân hàng sẽ là những người gánh chịu thiệt hại cuối cùng, đồng thời cả hệ thống tài chính cũng bị ảnh hưởng nhất định.

 
Theo Infonet

Các tin cũ hơn