Theo Thạc sĩ Phạm Tuấn Anh, mức phí mà NHNN đưa ra không phải là quá cao tuy nhiên vẫn chưa có sự hướng dẫn cụ thể cho người dân về cách tính phí dựa trên giá nào, thời điểm nào, ...?
Thời hạn ngừng huy động vàng là ngày 25-11 nhưng từ ngày 23-11, phần lớn các ngân hàng đã chính thức ngừng huy động vàng từ người dân, thay vào đó là người dân sẽ phải chịu phí gửi vàng nếu vẫn còn muốn cất trữ vàng tại ngân hàng.
Tuy nhiên, mức phí cụ thể như thế nào thì vẫn chưa hề có một công văn chính chính thức nào từ phía ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng “tha hồ” đưa ra các mức phí khác nhau tùy theo nhu cầu vàng của mình. Vậy người dân biết nhờ “ai” giữ hộ vàng để khỏi bị thiệt?
Giá vàng thay đổi liên tục...
Đầu tuần, giá vàng thế giới và trong nước có xu hướng tăng nhẹ tuy nhiên lại chững lại ngay sau đó.
Sáng 28-11, giá vàng có xu hướng giảm nhẹ, cụ thể lúc 8g13, giá vàng thế giới có giá mua vào và bán ra lần lượt là 1.741,78 – 1.742,28 USD/ ounce, giảm gần 10 USD/ounce so với phiên chốt ngày 27-11 (Mua vào – Bán ra: 1.751,4 – 1.751,9 USD/ounce).
Còn vàng SJC lúc 8g10 có giá mua vào và bán ra là 47,13 – 47,3 triệu đồng/lượng, giảm 70.000 đồng/lượng so với giá mua và bán ra ngày 27-11(Giá mua vào – bán ra lần lượt là 47,2 – 47,37 triệu đồng/lượng).
Cùng giảm theo giá vàng thế giới, giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu có giá mua vào và bán ra là 43,5 – 43,75 triệu đồng/lượng. Giá vàng Phượng hoàng PNJ-DAB của Cty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng giảm nhẹ, có giá mua vào là 47,02 triệu đồng/lượng và giá bán ra là 47,17 triệu đồng/lượng.
Vàng sẽ được cất giữ ở đâu ...?
Theo một số chuyên gia, giá vàng thế giới trong tuần này có thể sẽ tiếp tục giảm do sự bế tắc trong cuộc đàm phán của các nhà làm luật tại Washington (Mỹ) về việc giải quyết nguy cơ “vách đá tài chính” và “khủng hoảng ngân sách”, khiến cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phố Wall giảm điểm, gây giảm lòng tin từ các nhà đầu tư dẫn đến giá vàng đi xuống.
Hơn nữa, đồng USD hiện nay được coi là đồng tiền “an toàn” và đang được giới đầu tư mua vào bất chấp các tin tốt của Hy Lạp sau khi các nước châu Âu đồng ý về gói cứu trợ tài chính. Mặt khác, xung đột ở Trung Đông giữa Isarel và Hamas tại dải Gaza tạm thời đã lắng xuống sau khi Isarel và Hamas đạt được “thỏa thuận” tạm ngừng bắn từ ngày 22-11.
Nhờ “ai” giữ hộ vàng đây...?
Theo quy định tại Thông tư số 12/2012/TT-NHNN ngày 27-4-2012 của NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2011/TT-NHNN quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng.
Theo đó, kể từ ngày 25-11 tất cả các ngân hàng sẽ phải chấm dứt phát hành chứng chỉ ngắn hạn và hoạt động huy động khác bằng vàng. Nếu khách hàng có nhu cầu muốn gửi vàng tiếp thì các ngân hàng sẽ nhận và thu phí dịch vụ giữ hộ. Mức phí thông thường dao động từ 0,01 – 0,05%/ năm, tùy theo quy định của từng ngân hàng.
Như vậy, người tiêu dùng sẽ rơi vào tình trạng “chạy ngược chạy xuôi” tìm ngân hàng “cất giữ” vàng với mức phí thấp nhất.
Trong những ngày đầu thực hiện Thông tư 12, hầu hết các ngân hàng đã dừng 100% hoạt động huy động vàng, thậm chí có những ngân hàng còn dừng trước hạn chót mấy ngày. Một số ngân hàng đã và đang tiến hành áp dụng các mức phí giữ hộ vàng.
Chị Vân, trú tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho biết, sau khi hoàn tất thanh toán chứng chỉ vàng chị đang “phân vân” trong việc tìm ngân hàng “giữ hộ”. Điều này sẽ khiến cho lượng vàng người dân nắm tăng lên hay giảm xuống ...?
Theo Thạc sĩ Phạm Tuấn Anh, mức phí mà NHNN đưa ra không phải là quá cao tuy nhiên vẫn chưa có sự hướng dẫn cụ thể cho người dân về cách tính phí dựa trên giá nào, thời điểm nào, ...?
Nên chăng cần có quy định cụ thể mức phí cố định cho các ngân hàng, tránh trường hợp nơi cao, nơi thấp, gây mất công bằng đối với người gửi vàng. Nhiều ngân hàng thậm chí còn không muốn giữ hộ vàng nên đã đưa ra mức phí rất cao, có nơi lên đến 2%/năm.
Hiện nay, nhu cầu mua vàng tích trữ vẫn là một thói quen đã tồn tại nhiều đời nay. Liệu sự không thống nhất về mức phí giữ vàng của các ngân hàng có khiến cho nhu cầu này tăng lên không?
Người dân liệu có mang vàng đến các ngân hàng để nhờ “giữ hộ” hay không? Có lẽ, để điều này đi đúng theo định hướng thì NHNN cần phải có thêm các quy định rõ ràng để tạo sự công bằng cũng như minh bạch trong quá trình “giữ hộ” vàng cho người dân của các ngân hàng.
Có thế, Thông tư 12/2012/TT-NHNN của NHNN mới thực sự đạt được hiệu quả và người dân mới tránh mắc vào cái vòng luẩn quẩn “loạn” về mức phí giữ hộ vàng.