Bước vào giai đoạn tái cơ cấu, nhiều dữ liệu về “sức khỏe” của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã được tập hợp, phân loại, đánh giá để “chẩn bệnh, bốc thuốc”.
Nợ hơn 7.000 tỉ đồng thuế
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng số tiền nợ thuế của các DNNN tính đến tháng 10-2012 là 7.642 tỉ đồng. Trong đó, nợ có khả năng thu hồi là 6.589 tỉ đồng, nợ khó thu là 459 tỉ đồng và nợ đang xử lý là 594 tỉ đồng.
Nợ thuế của DNNN chiếm 16,2% tổng số nợ thuế của cả nước. Chiếm tỉ trọng nhiều nhất là DNNN Trung ương với số nợ lên đến 5.137 tỉ đồng (chiếm 67%), DNNN địa phương nợ thuế 2.505 tỉ đồng.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nợ thuế của khu vực DNNN không cao bằng nợ thuế của khu vực FDI và tư nhân nhưng lại có xu hướng tăng lên so với năm 2011. Cụ thể, tính đến ngày 31-12-2011, tổng số nợ thuế của DNNN là 5.662 tỉ đồng nhưng đến tháng 10 năm nay đã tăng lên 7.642 tỉ đồng.
Đến cuối năm 2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lỗ lũy kế hơn 38.000 tỉ đồng.
Nợ thuế của DNNN chủ yếu là do hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, suy giảm thị trường. Bản thân DNNN là con nợ của ngân sách nhưng lại là chủ nợ của các khách hàng tiêu thụ sản phẩm và thậm chí là chủ nợ của ngân sách. Vì không ít DNNN thực hiện thi công các công trình xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhưng lại chưa được Nhà nước thanh toán.
Cũng theo số liệu của Bộ Tài chính, lỗ lũy kế hợp nhất của 13 tập đoàn, tổng công ty đến cuối năm 2011 là 48.988 tỉ đồng.
Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ lũy kế là 38.104 tỉ đồng (gồm lỗ do sản xuất kinh doanh điện 11.437 tỉ đồng; lỗ do chênh lệch tỉ giá 26.667 tỉ đồng); Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) 5.738 tỉ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 2.390 tỉ đồng; Tổng Công ty Xăng dầu quân đội 566 tỉ đồng; Tập đoàn Sông Đà 625 tỉ đồng…
Hậu quả của “trách nhiệm tập thể”
Từ sự yếu kém của DNNN, các cơ quan quản lý đã giật mình nhận ra lỗ hổng lớn trong cơ chế giám sát khu vực kinh tế quan trọng này.
Tại hội thảo giám sát và đánh giá hoạt động của DNNN do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức SIDA (Thụy Điển) tổ chức mới đây, các chuyên gia đều nhận định cơ chế giám sát, đánh giá DNNN cả về hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện đều chưa đạt mục tiêu đề ra.
TS Trần Tiến Cường, nguyên trưởng Ban Cải cách doanh nghiệp CIEM, cho rằng do phân cấp nên cuối cùng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm về hoạt động của DNNN, tất cả là trách nhiệm tập thể. Mỗi khi có vấn đề phát sinh mới thanh tra - kiểm tra, giám sát nên không ngăn ngừa được tiêu cực, thua lỗ mà chỉ là khắc phục hậu quả.
Một vấn đề quan trọng khác là ngay cả khi có quy định rõ ràng, các DNNN không thực hiện cũng không có cơ quan nào nhắc nhở, đốc thúc hoặc chế tài.
Tại Vinashin, khi hoạt động theo mô hình tập đoàn không có điều lệ công ty, các cơ quan quản lý đều biết và yêu cầu thực hiện nhưng tập đoàn này viện cớ hoạt động kinh doanh bề bộn công việc, không có nhân sự ngồi viết điều lệ.